Đây là một trong điểm đáng chú ý tại Dự thảo Quyết định thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đến năm 2030 đang được Bộ LĐTBXH gửi các bộ, ngành xin ý kiến góp ý Dự thảo Tờ trình và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN đến năm 2030.
Theo Dự thảo tờ trình, một trong những mục tiêu cụ thể của Đề án là giảm dần số đầu mối cơ sở GDNN (hay còn gọi là trường nghề) công lập, nhưng tăng dần quy mô tuyển sinh. Cụ thể, đến năm 2025, phấn đấu quy mô tuyển sinh đạt 4,6 triệu người mỗi năm; ít nhất 85% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo. Tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021 (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2%). Đến năm 2030, phấn đấu quy mô tuyển sinh đạt 6,3 triệu người mỗi năm; ítnhất 90% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo.
Dự thảo nêu rõ: Bộ LĐTBXH sẽ cơ cấu lại hoặc giải thể các trường trung cấp, cao đẳng (CĐ) hoạt động không hiệu quả hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập và hoạt động GDNN; sáp nhập theo lộ trình các trường trung cấp công lập vào trường cao đẳng công lập,trước mắt thực hiện đối với các trường trung cấp có nhiều ngành, nghề đào tạo trùng với ngành, nghề đào tạo của trường cao đẳng trên địa bàn.
Cũng theo Dự thảo đối với các trường CĐ, trung cấp có hiệu quả, đã tự chủ; các trường đang được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt phương án tự chủ thì tiếp tục triển khai đào tạo theo quy định hiện hành, không xem xét sắp xếp, tổ chức lại. Trường hợp cần thiết phải xem xét để sáp nhập với các trường khác thì phải bảo đảm nguyên tắc hoạt động hiệu quả sau sắp xếp và được sự đồng thuận của các cơ sở GDNN. Bên cạnh đó là sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện, và hợp tác chặt chẽ với các trường CĐ, trung cấp để tổ chức đào tạo.
Dự thảo đặt mục tiêu đến năm 2030, có khoảng 15 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; 50 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN.
Mặc dù còn đang trong quá trình lấy ý kiến,song theo đánh giá của các chuyên gia đây là bước đi cần thiết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhất là trong bối cảnh hiện nay tâm lý “ sính ĐH, ngại học nghề”đã được dần thay đổi. Bằng chứng là theo thống kê năm 2019, có hơn 279.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT (chiếm khoảng 27,8%). Tỉ lệ này cho thấy chính sách phân luồng đang có những tác động tích cực, xu hướng chọn nghề ngày càng định hình rõ nét trong lớp trẻ, gắn liền thực tế học để có việc làm. Chính vì vậy việc quy hoạch lại các mạng lưới dạy nghề từ đó nâng cao chất lượng đào tạo là hướng đi cần thiết hiện nay đối với GDNN.