Sau dịch, không để người dân tái nghèo

Lê Bảo 02/11/2021 07:40

Đại dịch Covid-19 đã đặt ra những thách thức rất lớn đối với công tác giảm nghèo. Vì vậy, hạn chế tái nghèo trong giai đoạn phục hồi sau dịch, các chính sách tái thiết cần tập trung vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Thách thức

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Chính phủ áp dụng chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 cho năm 2021. Theo chuẩn nghèo cũ thì cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 2,75% và hộ cận nghèo chiếm 3,61%. Tương đương số hộ nghèo khoảng 761.000 hộ và hộ cận nghèo khoảng 968.000 hộ. Số liệu về hộ nghèo, cận nghèo năm 2021 đang được các địa phương tổng rà soát theo chuẩn nghèo cũ và rà soát theo chuẩn nghèo mới từ 1/1/2022. Theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022-2025, ước tính tại thời điểm tháng 1/2022, cả nước có khoảng 16,6% hộ dân cư có thu nhập dưới mức sống tối thiểu, tương ứng với khoảng 4,473 triệu hộ.

Tuy nhiên, theo Bộ LĐTBXH việc triển khai giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong quý III/2021, số lao động có việc làm chính thức là 15,1 triệu người, giảm 468,9 nghìn người so quý trước và giảm 657 nghìn người so cùng kỳ năm 2020. Số lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản là 18 triệu người, giảm 2,9 triệu người so quý trước và giảm 2,7 triệu người so cùng kỳ năm 2020... Đáng lo ngại hơn là tình trạng dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh. Điều này khiến nguy cơ tái nghèo và đói nghèo có thể gia tăng tại nhiều địa phương.

“Dịch Covid-19 đang khiến cho những nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam trong nhiều năm qua gặp phải những thách thức mới. Về ngắn hạn, tình trạng mất hoặc giảm thu nhập của người lao động sẽ tác động tới các nhóm thu nhập thấp, không có hoặc ít tích lũy, không tiếp cận được lưới an sinh xã hội và điều này tạo ra nhóm nghèo mới hoặc tái nghèo; có thể làm nới rộng khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư” - ông Tô Đức, Vụ trưởng, Chánh văn phòng quốc gia giảm nghèo, Bộ LĐTBXH cho biết.

Để tránh tình trạng tái nghèo sau đại dịch, theo ông Đức cần phải thực hiện hiệu quả giảm nghèo đa chiều. Bởi một trong những chuẩn nghèo đa chiều mới là thiếu hụt về việc làm. Đây là tiêu chí đầu tiên trong các chiều về dịch vụ xã hội cơ bản vì thực chất khi 1 hộ gia đình có ít nhất 1 người có việc làm bền vững, có thu nhập tốt thì cơ hội thoát nghèo cũng cao hơn rất nhiều. Chính vì thế, trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo mà Bộ LĐTBXH đã tham mưu Chính phủ đề trình Quốc hội là phấn đấu hộ nghèo có ít nhất 1 người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên, ổn định, có thu nhập tốt, hướng tới việc làm bền vững giúp hộ đó thoát nghèo.

Tạo sinh kế cho người dân

Theo Bộ LĐTBXH, để người nghèo có việc làm cần xử lý rất nhiều bài toán trong chương trình mục tiêu và trong cả kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trong đó các địa phương cần rà soát nắm được trong hộ đó có ai trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động và thúc đẩy, hỗ trợ cho người trong độ tuổi lao động đó học nghề phù hợp với nhu cầu thị trường lao động để có thể chuyển đổi việc làm, tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo sinh kế thông qua việc tham gia mô hình, dự án thoát nghèo.

Cùng với đó thực hiện nhiều giải pháp khác nhau nhưng hướng đến tạo sinh kế cho người nghèo. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay do tác động của dịch Covid-19, nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc tạo việc làm cho người nghèo do điều kiện kinh tế xã hội; tiếp đó là do doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gặp khó khăn.

Ý kiến nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để hạn chế các tác động tiêu cực của đại dịch, hạn chế tình trạng tái nghèo, trong giai đoạn phục hồi, các chính sách cần hướng tới tối đa hóa hỗ trợ việc tiếp cận y tế và vaccine, giáo dục, thu nhập thông qua bảo hiểm y tế đối với nhóm nghèo và cận nghèo, các khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng dân tộc thiểu số... Để làm được điều này cần đầu tư nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giải đoạn 2021-2025. Đây là giải pháp cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay bởi thực tế vẫn còn nhiều vấn đề mà Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 chưa thực hiện xong, nhiều huyện nghèo, xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Các địa phương này là vùng “lõi nghèo”, có địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng còn khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao, một số nơi có tỷ lệ hộ nghèo còn trên 40%...

Theo ông Tô Đức, Vụ trưởng, Chánh văn phòng quốc gia giảm nghèo, Bộ LĐTBXH, chính sách tác động tới các hộ nghèo và cận nghèo phải tổng thể, giải quyết các chiều dịch vụ xã hội cơ bản còn thiếu, chứ không giải quyết đơn thuần chiều thu nhập. Do đó, các địa phương phải có chính sách tổng thể để nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội cơ bản như: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, BHYT, cải thiện dinh dưỡng, miễn giảm học phí, tham gia hoạt động giáo dục…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sau dịch, không để người dân tái nghèo