Phân hóa giàu nghèo đang là một thách thức lớn đối với sự phát triển của Việt Nam nói riêng, toàn thế giới nói chung. Những thành quả bước đầu trong công tác giảm nghèo của nước ta đã được thế giới công nhận. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nhiều huyện vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo cao. Làm thế nào để thoát khỏi vòng luẩn quẩn nghèo, tái nghèo giai đoạn 2016-2020 đặt ra bức thiết.
Chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng ngày càng lớn.
3 hộ thoát nghèo, 1 hộ tái nghèo
Giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Trong giai đoạn 2011-2015, theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, bình quân giảm 2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 58,33% cuối năm 2010 xuống còn 28% năm 2015, bình quân giảm trên 6%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011 (riêng các hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tăng gấp 2,5 lần) đạt mục tiêu đề ra. Song song với thành tựu đạt được, công tác giảm nghèo thời gian qua vẫn còn những khó khăn, thách thức. Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo còn cao.
Cả nước có đến 41 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Nhiều chủ trương, chính sách về giảm nghèo ở một số nơi chưa được triển khai tốt, chưa sáng tạo, chưa vận dụng một cách phù hợp. Chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, phân tán, thiếu tính hệ thống, nhiều chính sách chưa khuyến khích người nghèo tích cực vươn lên thoát nghèo…
Thực tế như một vòng luẩn quẩn, các chương trình hỗ trợ trực tiếp khiến nhiều hộ thoát nghèo, nhưng do không có các chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, không có “cần câu” đúng nghĩa nên các hộ thoát nghèo chỉ sau một trận ốm, thậm chí sau một đêm bão là nghèo lại hoàn nghèo. Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cũng cho thấy, cứ 3 hộ thoát nghèo thì có 1 hộ tái nghèo.
Ngoài ra, theo một số nghiên cứu cũng cho thấy, các nhóm thiệt thòi ở Việt Nam thiếu hiểu biết về quyền của mình, thiếu khả năng tiếp cận thông tin, thiếu năng lực tham gia bầu cử và các quá trình ra quyết định khác. Người dân thiếu thông tin và kỹ năng để hiểu các vấn đề về thuế và ngân sách, họ không cảm thấy mình có quyền tham gia các quá trình này. Phụ nữ thường không có tiếng nói trong huy động, phân bổ và chi ngân sách Nhà nước. Người lao động nhập cư không được tham gia các quá trình lập kế hoạch ở địa bàn sinh sống và làm việc, khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn khi tiếp cận các dịch vụ căn bản và bảo trợ xã hội...
Về mặt chính sách, theo một báo cáo rà soát chính sách của Oxfam (tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động hỗ trợ nhân đạo, phát triển nông thôn…), đến tháng 12-2014, tổng số văn bản chính sách liên quan đến giảm nghèo ở VN là 501, trong đó có 188 văn bản liên quan trực tiếp đến giảm nghèo đang có hiệu lực và 313 văn bản liên quan gián tiếp. Các chính sách tản mác, trùng lắp là một trong những nguyên nhân khiến các địa phương khó khăn khi thực hiện, nguồn lực bị phân tán. Đặc biệt, cũng theo tổ chức này, đa số chính sách còn nặng về bao cấp, hỗ trợ cho không nên tạo cho người dân tâm lý trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo.
Cần có cách nhìn khác
Để có thể thu hẹp khoảng cách với góc độ đa chiều như trên, Chính phủ đang nỗ lực thực hiện nhiều chính sách tích cực hướng tới người dân như các chính sách an sinh xã hội, y tế, cải cách hành chính, chính sách thuế, hỗ trợ nhà xã hội, giám sát của MTTQVN... để giảm sự bất bình đẳng theo các chiều. Theo đó bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện hệ thống chính sách, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Phấn đấu trong giai đoạn 5 năm (2016-2020) sẽ giảm tỉ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm). Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo vào cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững là hơn 48.000 tỷ đồng.
Bên cạnh việc tăng nguồn lực thì công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 sẽ được tiếp cận theo hướng đa chiều. Theo đó giảm nghèo không đơn thuần chỉ là giúp người dân đủ cơm ăn áo mặc, mà còn phải đảm bảo để mọi người có thể tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Với cách tiếp cận này giai đoạn 2016-2020, Việt Nam có hơn 2,33 triệu hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 9,88% tổng số hộ dân toàn quốc) và hơn 1,23 triệu hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 5,22%).
Chỉ tiêu là vậy nhưng thực tế giảm nghèo rất phức tạp. Theo đánh giá của các chuyên gia, để đạt mục tiêu trên không đơn giảm với thực tế giảm nghèo vốn đã phức tạp, giảm nghèo bền vững còn phức tạp hơn. Bởi nhìn vào giai đoạn 2010-2015 cho thấy nguồn lực Nhà nước dành cho công tác giảm nghèo không ít nhưng số hộ thoát nghèo luôn đứng trước nguy cơ tái nghèo nếu thiếu đi sự trợ giúp của Nhà nước. Do đó, để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, không thể chạy theo thành tích về con số giảm nghèo mà phải tập trung giải quyết cho được cái gốc của vấn đề. Cần giúp người nghèo hiểu rằng, muốn thoát nghèo bền vững, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, họ phải vươn lên bằng nỗ lực, ý chí và sức lao động của bản thân, không thể mãi trông chờ vào chính sách và sự hỗ trợ của cộng đồng. Cùng với đó, cơ quan quản lý cần khắc phục tình trạng phân bổ kinh phí giảm nghèo dàn trải, giảm dần các chính sách cho không, tập trung hỗ trợ sản xuất để người nghèo vươn lên thoát nghèo.
Tuy vậy vẫn có ý kiến cho rằng, tình trạng tái nghèo cao không phải hoàn toàn do người dân mà còn do “chính sách”. Muốn phát triển bền vững thì phải giảm nghèo bền vững, đó là nguyên tắc. Và chỉ có nghĩ khác, làm khác mới cho kết quả khác. Thế nên, các chính sách cào bằng, nặng về “cho” phải được xem xét lại. Mỗi hộ nghèo có nguyên nhân, hoàn cảnh khác nhau, nhưng chính sách của chúng ta lại không phân biệt, tất cả mọi người nghèo đều được hỗ trợ như nhau - giống như phát quà từ thiện, thì đồng vốn hỗ trợ người nghèo sẽ không bao giờ trở thành động lực thoát nghèo cho người nghèo.