Làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ tỉnh đến địa bàn dân cư cần tích cực quan tâm, lắng nghe ý kiến của nhân dân, tăng cường đối thoại với dân, đi sâu, đi sát giải quyết những tâm tư, nguyện vọng của người dân nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số.
Tiếp tục chương trình công tác tại tỉnh Sơn La, sáng ngày 3/11, đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam do ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La nhằm nắm bắt tình hình triển khai thực hiện Đề án "Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La".
Tham dự buổi làm việc có ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; các vị trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Đông, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La; ông Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La; đại diện các cơ quan Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Sơn La.
Quang cảnh buổi làm việc.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc.
Để lòng dân yên, lòng hồ giàu
Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Đề án "Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La", ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La khẳng định, sau hơn 16 năm thực hiện dự án, đời sống của người dân tái định cư từng bước được ổn định. Hiện, 95% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia; 88% số điểm tái định cư đã có nhân viên y tế, 93% người dân có thẻ BHYT. Tỷ lệ trẻ tại các khu, điểm tái định cư đến tuổi đến trường là 100%.
Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông báo cáo kết quả triển khai Đề án.
Tuy nhiên ông Nguyễn Hữu Đông cũng thẳng thắn thừa nhận, sau 16 năm triển khai dự án các công trình, kết cấu hạ tầng đã bị hư hỏng, xuống cấp. Do chưa có nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác sử dụng công trình nhất là các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt phục vụ trực tiếp cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Bên cạnh đó, một trong nhưng khó khăn đặt ra đó là phần lớn hộ dân tái định cư Dự án thủy điện Sơn La là đồng bào các dân tộc thiểu số, bản sắc văn hóa và tập quán khác nhau. Đa phần người dân phải di chuyển từ những vùng thấp thuận lợi cho canh tác nông nghiệp đến nơi ở mới có địa hình cao hơn đã gây khó khăn so với phương thức canh tác nơi ở cũ. Việc thiếu đất sản xuất, chưa áp dụng các khoa học kỹ thuật, chưa chuyển đổi được các loại cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao do đó đời sống và sản xuất của đồng bào vùng tái định cư còn nhiều khó khăn, thiếu bền vững.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La Vi Đức Thọ phát biểu ý kiến.
Ông Vi Đức Thọ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La chia sẻ, trong quá trình triển khai dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân di chuyển đến vùng tái định cư. Đến nay, Sơn La đã hoàn thành di chuyển an toàn cho hơn 12.500 hộ dân tại 169 bản của 17 xã thuộc 3 huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu đến tại định cư tại 70 khu, 276 điểm tại định cư tập trung tại 8/12 huyện, thành phố.
“Để ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư, mục tiêu đặt ra là phải đảm bảo cho người dân phải từng bước có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ. Chính vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục có những chính sách giúp người dân tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế từng điểm tái định cư”, ông Vi Đức Thọ nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam có ý kiến với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm giao kế hoạch vốn bổ sung để hoàn thành và quyết toán tổng thể dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La và giao kế hoạch vốn để triển khai thực hiện Đề án "ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 666/QĐ-TTg ngày 31/5/2018.
Lãnh đạo tỉnh Sơn La cũng kiến nghị, giao đủ kế hoạch vốn của đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà xây dựng thủy điện Hòa Bình thuộc tỉnh Sơn La theo Quyết định 1460/QĐ-TTg, phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/3/2015...
Để ổn định đời sống của đồng bào tại các khu tái định cư, ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam gợi mở, tỉnh Sơn La phải có những giải pháp để "lòng dân yên, lòng hồ giàu". Để làm được điều đó, thời gian tới, tỉnh cần tập trung phát huy sức mạnh của dân, lợi thế của vùng qua việc phát huy thế mạnh lòng hồ.
Đi cùng với đó là việc chuyển đổi đổi cơ cấu cây trồng từ kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đồng thời khai thác hiệu quả kinh tế rừng để vùng tái định cư phát triển một cách bền vững.
Đi sâu, đi sát giải quyết những tâm tư, nguyện vọng của người dân
Đánh giá cao những thành tựu mà tỉnh Sơn La đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, là địa phương có vị trí chiến lược trong 7 tỉnh miền núi phía Bắc, thời gian qua Sơn La đã có những bướt đột phát trong phát triển nông nghiệp đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao và phát triển công nghiệp trong đó có thủy điện. Bên cạnh đó Sơn La cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao tượng trưng 2,8 tỷ đồng hỗ trợ tỉnh Sơn La xây dựng 70 nhà Đại đoàn kết.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng ghi nhận những nỗ lực của Tỉnh Sơn La khi luôn quan tâm, chăm lo tới việc ổn định cuộc sống của người dân khi thực hiện di dân tái định cư nhằm phục vụ dự án thủy điện Sơn La. Đến nay, Sơn La đã tái định cư được xong cho hơn 12.500 hộ dân và quyết toán xong dự án di dân giai đoạn 1.
“Các cấp các ngành, tỉnh Sơn La đã tập trung nguồn vốn lớn lo cho di dân để bà con ổn định cuộc sống, đảm bảo người dân di dời phải có điều kiện sống bằng và hơn nơi ở cũ”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn ghi nhận.
Ghi nhận ý kiến của lãnh đạo tỉnh Sơn La tại buổi làm việc, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh Sơn La cần quan tâm tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến người dân nhất là đồng bào các dân tộc theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
“Để người dân nhớ được, hiểu được các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và không để các thế lực thù địch lợi dụng kích động xúi giục, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội thì Mặt trận và các đoàn thể cần sâu sát với dân, nắm vững tình hình nhân dân để tham mưu với cấp ủy, chính quyền và không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ” - Người đứng đầu MTTQ Việt Nam lưu ý.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng mong muốn tỉnh Sơn La tiếp tục phát huy thế mạnh của mình để tái cơ cấu nền nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao, có chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
“Sơn La phải là một tỉnh đi đầu trong các tỉnh phía Bắc về phát triển và nâng cao chất lượng nền nông nghiệp, không còn tình trạng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu độc hại”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn gợi mở.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý, tỉnh Sơn La tiếp tục tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền để các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân, tạo sự đồng thuận xã hội.
Bên cạnh đó, việc giám sát phải thực sự có trọng tâm, trọng điểm không dàn trải. Qua giám sát Mặt trận và các đoàn thể phải có những kiến nghị cụ thể, thể hiện rõ chính kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ tỉnh đến địa bàn dân cư cần tích cực quan tâm, lắng nghe ý kiến của nhân dân, tăng cường đối thoại với dân, đi sâu, đi sát giải quyết những tâm tư, nguyện vọng của người dân nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số.
Đồng thời, cùng với việc phát triển kinh tế cần quan tâm đến việc giữ gìn đạo đức trong gia đình, nhà trường, xã hội; tiếp tục triển khai sâu rộng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh”; giữ gìn, phát huy truyền thống bản sắc văn hóa các dân tộc; giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội; quan tâm hơn nữa đến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; triển khai thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII…
Trước những kiến nghị của Tỉnh Sơn La tại buổi làm việc, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tổng hợp để báo cáo với Chính phủ các bộ ngành liên quan nhất là tình hình thực hiện chính sách đối với dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La thời gian qua.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại di tích Nhà tù Sơn La.
Trước đó, trong chương trình làm việc tại tỉnh Sơn La, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn công tác, đại diện Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La đã dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại di tích Nhà tù Sơn La, dâng hoa Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc và dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ, Quảng trường Tây Bắc.
Nhân dịp này, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã trao số tiền 2,8 tỷ đồng từ quỹ “Vì người nghèo” Trung ương hỗ trợ tỉnh Sơn La xây dựng 70 nhà đại đoàn kết.