Sâu sát với đầu tư công

Nam Việt 17/05/2023 06:22

Các địa phương không lập kế hoạch giải ngân chi tiết, báo cáo sơ sài, lãnh đạo không dự họp tháo gỡ vướng mắc là những nguyên nhân chính khiến vốn bồi thường chỉ được 2,4% sau 4 tháng. Đó là lý do chính khiến Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM phải báo cáo khẩn gửi Thường trực UBND TP HCM đề xuất họp gấp với các quận, huyện ngay trong tuần này.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM, với năm 2023, toàn TPHCM có 134 dự án được ghi vốn bồi thường với tổng số vốn 20.189 tỷ đồng. Tính đến ngày 10/5, nghĩa là hơn 5 tháng nhưng chỉ giải ngân được 484 tỷ đồng, tỷ lệ 2,4%. Quá thấp so với yêu cầu. Nhiều địa phương chưa giải ngân đồng nào, toàn bộ vốn còn nằm trong kho bạc như các quận 3, 5, 7, 8, Bình Tân, Phú Nhuận, 2 huyện Củ Chi và Nhà Bè.

Đã vậy, công tác bồi thường vốn phức tạp, nhiều vướng mắc phát sinh nhưng khi Sở TNMT tổ chức họp tháo gỡ thì lãnh đạo địa phương ít tham dự, có địa phương còn chưa từng dự buổi nào.

"Với cách thức thực hiện như hiện nay, dự liệu khả năng giải ngân vốn đầu tư công các dự án được giao vốn bồi thường đến cuối năm 2023 chỉ đạt khoảng 70%" - báo cáo của Sở TNMT, trong khi chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM là giải ngân trên 95%.

Nhiều ý kiến cho rằng tiến độ giải ngân vốn bồi thường quá chậm chủ yếu là do địa phương chỉ xem công việc này là sự "hỗ trợ", nên không “hào hứng”. Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới nhiệm vụ chung mà còn khiến cho nhiều hộ dân bị ảnh hưởng; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư kéo dài.

Cùng với công tác bồi thường chậm chạp, thì tình hình giải ngân vốn đầu tư công của TPHCM những tháng đầu năm cũng rất chậm. Tại buổi giám sát về đầu tư công xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025, mới đây, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đã rất sốt ruột khi quý I chỉ giải ngân được 4%. Nguyên nhân chính là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, thiếu sự phối hợp đồng bộ của các bên có liên quan.

Đặc biệt, theo báo cáo tổng kế hoạch vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2023 được Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM báo cáo, 23 dự án với tổng số vốn hơn 3.667 tỷ đồng nhưng chỉ mới giải ngân hơn 147 tỷ đồng.

Cũng cần nhắc lại, năm 2023 TPHCM được phân bổ 70.000 tỷ đồng cho vốn đầu tư công, bao gồm vốn Trung ương và địa phương, cao gấp 2 lần so với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với công tác điều hành và thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thành phố đặt mục tiêu quyết tâm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư công, phấn đấu giảm ít nhất 30% so với quy định. Cùng với đó là quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư đối với từng nhóm dự án cụ thể.

TPHCM là đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước. Nhiều năm qua, TPHCM luôn đóng góp lớn vào tổng thu nhập kinh tế quốc dân hàng năm. Tuy nhiên, quý I năm nay, kinh tế TPHCM chỉ tăng trưởng 0,7%, thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Đây là điều chưa từng xảy ra với TPHCM. Trong nhiều nguyên nhân khiến cho tăng trưởng thấp thì việc giải ngân vốn đầu tư công chậm là yếu tố quan trọng.

Ngày 12/4, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương của thành phố thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư công. Trong đó, Chủ tịch thành phố phê bình 25 cơ quan, đơn vị chưa thực hiện giải ngân đầu tư công quý I (tỷ lệ 0%).

Giải ngân đầu tư công được xem là một trong 3 trụ cột để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cùng với giải quyết vướng mắc để hấp thụ vốn và phát triển thị trường nội địa. Ông Mãi cho biết, lãnh đạo thành phố sẽ thường xuyên đi kiểm tra thực tế tại các công trình, dự án để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch cho rằng TPHCM cần phải cải thiện ngay giải ngân đầu tư công để vốn có thể được hấp thụ vào nền kinh tế. “Điểm quan trọng nhất là phải gỡ để hấp thụ được vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân. Hiện nay, hàng trăm dự án, hàng bao nhiêu hồ sơ đang tồn đọng, phải gỡ tất cả để cho vốn vào được nền kinh tế. Không nói chung chung; công khai, minh bạch toàn bộ vấn đề. Đây là điểm mấu chốt” - TS Trần Du Lịch phát biểu tại cuộc họp do UBND TPHCM tổ chức với chủ đề "Thúc đẩy đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sâu sát với đầu tư công