Để giải quyết tình trạng quá tải bãi rác Nam Sơn, UBND TP Hà Nội sẽ chi trên 170 tỷ đồng xây ô chôn lấp và hồ chứa nước rác để tăng công suất tại đây.
Liên quan tới vụ việc tạm dừng đóng cửa Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), hay còn gọi là bãi rác Nam Sơn, bãi rác lớn nhất Thủ đô, thì mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành 2 quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp xây dựng trong công tác vận hành Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và ban hành lệnh khẩn cấp xây dựng các công trình nâng công suất tiếp nhận của bãi rác Nam Sơn.
Theo đó, thành phố sẽ xây dựng hồ sinh học khẩn cấp tại khu đất xen kẹt rộng 10,5 hecta thuộc giai đoạn 2 bãi rác Nam Sơn. Hồ chứa sinh học rộng trên 7 hecta, gồm hai hồ chứa nước rỉ rác và hạ tầng kỹ thuật đi kèm. Hạng mục khẩn cấp thứ hai là ô chôn lấp rác bằng công nghệ tường vây bê tông cốt thép và ô chứa nước rác. Tổng chi phí 2 hạng mục là 170 tỷ đồng.
Dự kiến sẽ hoàn thành quý II năm 2022. Việc xây dựng các hạng mục nêu trên nhằm tăng khả năng lưu chứa nước rác, chôn lấp rác đảm bảo an ninh môi trường, an toàn phòng, chống dịch bệnh cho toàn bộ khu vực dân sinh xung quanh; an toàn vận hành tiếp nhận và xử lý rác tại bãi rác Nam Sơn.
Cụ thể, tại Quyết định số 4815/QĐ-UBND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ban hành lệnh khẩn cấp xây dựng ô chôn lấp rác bằng công nghệ vây bê tông cốt thép tại phía Tây ô 8 và xây dựng ô chứa nước rác trục A-B nhằm tăng khả năng lưu chứa nước rác, khả năng chôn lấp rác để đảm bảo an ninh môi trường, an toàn, phòng chống dịch bệnh cho toàn bộ khu vực dân sinh xung quanh khu xử lý và an toàn vận hành tiếp nhận và xử lý rác tại Khu liện hiệp xử lý chất thải Nam Sơn.
Trong đó, dự án xây dựng ô chôn lấp rác bằng công nghệ tường vây bê tông cốt thép tại phía Tây ô 8 có tổng diện tích khoảng 3 ha, bao gồm: Làm tường vây bê tông cốt thép cao 3 m; thi công đáy ô chôn lấp; chống nước rỉ rác ngấm xuống đất bằng đất đầm chặt và lớp vải HDPE dày 1,5 mm, hệ thống thu gom xử lý nước ngầm; hệ thống thu nước rỉ rác, thu nước mưa xung quanh. Dự kiến, dự án có tổng mức đầu tư là 90 tỷ đồng, thời gian thực hiện, hoàn thành trong quý II-2022.
UBND TP Hà Nội cũng quyết định xây dựng ô chứa nước rác tại trục A-B, xây dựng ô chứa nước rác khẩn cấp, với tổng diện tích khoảng 1,2 ha, bao gồm: Lót vải địa HDPE dày 1,5 mm đáy ô; Đắp chặn hai đầu trực A-B; Lắp đặt tấm đan rãnh thoát nước dọc theo trục A-B; Phủ vải HDPE dày 1,5 mm phủ mặt ô ngăn nước mưa và phát tán mùi. Công trình có tổng mức đầu tư 4,7 tỷ đồng, thời gian thực hiện, hoàn thành dự kiến trong quý II-2022.
Cùng ngày, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 4814/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp xây dựng trong công tác vận hành Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và ban hành Lệnh khẩn cấp xây dựng hồ chứa sinh học khẩn cấp phục vụ công tác vận hành tại khu đất xen kẹt 10,5 ha khu phía Bắc giai đoạn 2.
Theo đó, dự án xây dựng ô chứa sinh học khẩn cấp có tổng diện tích khoảng 7,13 ha, bao gồm: Đào hố lưu chứa nước rỉ rác 2 hồ, tổng dung tích hồ chứa khoảng 441.000 m3 (trong đó, hồ số 1 diện tích 3,12 ha, dung tích 211.000 m3; hồ số 2 diện tích 3,2 ha, dung tích 230.000 m3); đắp đất bờ bao K95 bằng đất tận dụng, trải vải chống thấm HDPE dày 1,5 mm, phủ vải HDPE mặt hồ ngăn mùi và tách nước mưa…
Xây dựng tường rào quanh khu xen kẹt (quản lý chống lấn chiếm); mương nắn suối (mương đất); Mương thoát nước B600 quanh hồ; Thoát nước mặt hồ; Hệ thống chiếu sáng; San nền khu đất trống; trồng cây xanh trong vùng cách ly; đường bê tông quanh ô chứa. Dự kiến chi phí đầu tư là gần 80 tỷ đồng, trong đó kinh phí chuẩn bị đầu tư là hơn 6,7 tỷ đồng. Thời gian thực hiện, hoàn thành trong quý II-2022.
Tại các quyết định trên, chủ đầu tư dự án là Sở Xây dựng, đại diện chủ đầu tư là Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, đơn vị thực hiện xây dựng là Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco).
Trước đó, ngày 2/11, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội có văn bản hỏa tốc số 1416/MTĐT-KTCN đề xuất dừng tiếp nhận rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn để phòng tránh sự cố chất thải.
Nguyên nhân được chỉ ra: do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài, khiến các hồ nước rác không còn khả năng lưu chứa thêm, mực nước rác lưu chứa tại các hồ đều vượt cao độ lưu chứa an toàn, đã xảy ra sự cố nhỏ tràn nước rỉ rác ra đường bê thông thuộc nội bộ khu xử lý. Nếu tiếp tục tiếp nhận rác vào ô chôn lấp sẽ xảy ra sự cố chất thải nguy hiểm vỡ bờ bao các hồ lưu chứa nước rác, rò rỉ, tràn nước rác ra môi trường…
Và để khắc phục tình trạng trên, phía Urenco cũng đã thống nhất với Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) phương án phân luồng rác tạm thời và ngừng tiếp nhận rác thải bằng phương pháp chôn lấp tại bãi rác Nam Sơn.
Sau 2 ngày đóng cửa tạm thời, bãi rác Nam Sơn tiếp nhận rác trở lại, song chỉ với khối lượng 1.000 tấn/ngày. Tới ngày 6/11, bãi rác Nam Sơn tiếp nhận khối lượng rác 3.500 tấn/ngày. Và hiện hoạt động của bãi rác Nam Sơn đã trở lại bình thường.
Theo tìm hiểu, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn được xây dựng từ năm 1999 và nằm trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ của huyện Sóc Sơn, với diện tích 157 hecta. Hình thức xử lý rác thải của bãi là chôn lấp.
Giai đoạn đầu khi mới đưa vào hoạt động vào những năm 2000, lượng rác trung bình một ngày được đưa tới Nam Sơn để chôn lấp chỉ là 1.126 tấn, đến năm 2010 lượng rác trung bình đã là 3.372 tấn/ngày. Và đến năm 2012, lượng rác tiếp nhận mỗi ngày vượt 4.200 tấn. Hiện mỗi ngày bãi rác Nam Sơn tiếp nhận, xử lý chôn lấp khoảng 5.000 tấn rác/ngày.
Ngoài bãi rác Nam Sơn, trên địa bàn TP Hà Nội còn song song hoạt động Khu xử lý rác thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) thuộc Chi nhánh Xuân Sơn (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội). Tuy nhiên, ngày 6/10 mới đây, cũng phải tạm dừng tiếp nhận rác để khắc phục sự cố; đến ngày 22/10, bãi rác trên đã tiếp tục hoạt động trở lại.
Nguyên nhân là do cả 3 hồ chứa nước rỉ rác tại Khu xử lý rác thải rắn Xuân Sơn này đều vượt quá công suất chứa tối đa. Có hiện tượng nước rỉ rác thấm tràn lên mặt đường quanh hồ, khu đất lưu không. Việc để nước rỉ rác tại hồ quá cao sẽ khiến các hồ thường trực nguy cơ vỡ bờ bao.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án
Qua tìm hiểu, quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Hà Nội sẽ có 17 khu xử lý chất thải rắn, trong đó có xử lý chất thải sinh hoạt.
Vậy nhưng, đến nay cả TP Hà Nội mới chỉ có 3 khu xử lý chất thải sinh hoạt có thể hoạt động là bãi rác Nam Sơn, Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn và Khu xử lý chất thải Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm).
Ngoài ra, nhiều dự án xử lý rác thải theo quy hoạch xử lý chất thải rắn của Thủ đô hiện vẫn ì ạch, chưa đi vào hoạt động với nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân công nghệ xử lý rác lạc hậu, không còn phù hợp.
Như Dự án Đầu tư Khu xử lý rác thải huyện Đông Anh do Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp và Thương mại Thành Quang (nay là Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Quang) được UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu từ tháng 11/2011 nhưng đến nay chưa hoạt động.
Theo Kết luận Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, nguyên nhân dự án chậm tiến độ chủ yếu là do nhà đầu tư chưa lường hết được các khó khăn; các sở, ngành liên quan chưa phối hợp tốt trong kiểm tra, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư…
Trong khi đó, dự án giai đoạn 2 mở rộng bãi rác Nam Sơn cũng đang gặp khó khăn vì tiến độ giải phóng mặt bằng. Hiện nay, một số hộ dân ở xã Bắc Sơn vẫn chưa đồng ý với chính sách đề bù giải phóng mặt bằng nên việc giải quyết vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.