Sổ Theo dõi sức khoẻ bà mẹ, trẻ em mà hơn 30 nước trên thế giới, trong đó có Nhật, Indonesia, Philippines... triển khai từ nhiều năm nay. Tại Việt Nam, từ năm 2011-2014, 4 tỉnh đã và đang được Bộ Y tế thí điểm triển khai một dự án về vấn đề này, đó là Điện Biên, Hoà Bình, Thanh Hoá và An Giang.
Tại một cuộc hội thảo do Bộ Y tế tổ chức ngày 11/8 vừa qua, kết quả dự án được đánh giá rất hữu ích. Các thông tin về thai phụ cũng như bà mẹ sau sinh cho thấy, nhận thức của người dân và cán bộ y tế về chăm sóc sức khoẻ sinh sản được nâng lên rõ rệt, nhất là các dấu hiệu nguy hiểm trong thời kỳ mang thai, từ đó, tỷ lệ bà mẹ đi khám thai ít nhất 3 lần được tăng từ 90% đầu kỳ lên đến 92% cuối kỳ dự án và đến nay, 81% các bà mẹ mang theo cuốn sổ này trong mỗi lần đi khám thai.
Nội dung cuốn sổ nói trên có 4 phần: Thông tin cơ bản, chăm sóc thai nghén, chăm sóc trong đẻ, sau đẻ và chăm sóc sơ sinh và cuối cùng là chăm sóc sức khoẻ trẻ em. Đối với các bà mẹ, việc theo dõi bắt đầu từ khi mang thai đến khi sinh đẻ và 6 tuần sau đẻ. Đối với trẻ em, việc theo dõi bắt đầu từ khi được sinh ra đến 6 tuổi.
BS Nguyễn Đức Vinh, Vụ Sức khoẻ bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết “Sản phẩm của dự án - Sổ Theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em - đã giúp cho chúng tôi rất nhiều trong việc theo dõi tình trạng phát triển của trẻ để có thể kịp thời có can thiệp dự phòng cần thiết. Ngoài ra, nó còn giúp chúng tôi thống kê, báo cáo chính xác tình hình sức khoẻ, bệnh tật trong cộng đồng dân cư, giảm bớt gánh nặng cho cán bộ y tế cơ sở khi có thể loại bỏ được một số giấy tờ trùng lắp như Phiếu theo dõi thai hoặc Phiếu khám thai, Phiếu tiêm chủng, Biểu đồ tăng trưởng...”.
Tại cuộc hội thảo, ông Toda Takao, Tổng Giám đốc Phát triển nguồn lực của JICA kể lại một câu chuyện rất xúc động về gia đình ông, về người vợ quá cố nói lời sau cùng dặn dò người chồng giữ gìn tiếp cuốn sổ theo dõi sức khoẻ gia đình... Cho đến nay, 2 con ông đã lớn, người 21 tuổi, người 17 tuổi vẫn nâng niu 2 cuốn Sổ Theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em như báu vật, như một trong những kỷ niệm thiêng liêng nhất trong gia đình mà người mẹ để lại.
“Đây là truyền thống của người Nhật chúng tôi - ông Takao nhấn mạnh - Triết lý của nó nói lên sự tự chủ của các bậc làm cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Đến nay chúng tôi vẫn muốn được tiếp tục được duy trì nó như báu vật. Kể từ khi chúng tôi áp dụng cuốn sổ này, các hành vi của các bà mẹ Nhật Bản được thay đổi rất nhiều...”.
Từ năm 1942, trong Thế chiến thế giới thứ hai, Sổ tay Bà mẹ lần đầu tiên được giới thiệu ở Nhật Bản. Năm 1949, nó được bổ sung nội dung phần sức khoẻ trẻ em và được đổi tên thành Sổ Theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em. Cho đến nay, cuốn sổ đã được triển khai áp dụng tại hơn 30 nước trên thế giới.
Từ cuộc hội thảo này, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các địa phương căn cứ tình hình, điều kiện của mình lập kế hoạch tổ chức triển khai cuốn sổ nói trên.
“Làm sao để các bà mẹ có thể tự giác bỏ tiền ra mua cuốn sổ này như mua những viên thuốc trong những lần đi khám bệnh” - GS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh. Ông cũng lưu ý, qua đợt thí điểm này, có một hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới là khi trẻ càng lớn thì gia đình, người mẹ lại càng ít quan tâm ghi chép quá trình phát triển của trẻ.