UBND, Ủy ban MTTQ quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội vừa phối hợp tổ chức hội nghị tìm giải pháp thực hiện giảm nghèo trên địa bàn quận năm 2017. Trong đó sẽ có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực như thí điểm mỗi phường chọn một hộ gia đình có sức lao động tặng một chiếc xe máy để chạy xe ôm tạo thu nhập ổn định.
Hỗ trợ người nghèo bằng cách tặng xe máy để thoát nghèo (ảnh minh họa).
Khảo sát, nắm chắc mức sống
Quận Nam Từ liêm có tổng số 858 hộ nghèo với 2.720 nhân khẩu, 356 hộ cận nghèo với 1.165 nhân khẩu, 33 hộ có mức sống trung bình với 104 nhân khẩu.
Năm 2016, với sự chỉ đạo quyết liệt và thực hiện đồng bộ các chế độ, chính sách, giải pháp giảm nghèo hiệu quả, toàn quận đã giảm được 200 hộ nghèo, từ 858 hộ nghèo xuống còn 658 hộ nghèo tương đương giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,85% xuống còn 1,42%, hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo của TP Hà Nội.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giảm nghèo vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần tiếp tục khắc phục. Theo đó, đây là năm đầu tiên thực hiện chuyển đổi phương pháp tiếp cận nghèo từ đơn chiều sang đa chiều và là năm đầu tiên thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo quốc gia bền vững giai đoạn 2016 – 2020, do đó các hoạt động, chương trình, chính sách triển khai còn chậm.
Ông Trần Thanh Long - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm, Trưởng ban giảm nghèo của quận cũng chỉ ra tồn tại trong công tác giảm nghèo là việc sử dụng các quỹ hỗ trợ chưa linh hoạt, còn số dư lớn, do đó, Ban Chỉ đạo giảm nghèo các phường cần sớm tổ chức Hội nghị bàn cụ thể giải pháp giảm nghèo, đặc biệt hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, đảm bảo mục tiêu vận động nhiều quỹ và sử dụng quỹ hiệu quả.
Đối với nhu cầu giới thiệu hỗ trợ việc làm các đối tượng hộ nghèo, yêu cầu UBND các phường chủ động lập danh sách, điều kiện cụ thể từng trường hợp chuyển các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời gửi phòng LĐ TBXH quận là cầu nối giới thiệu tới các nơi có nhu cầu tuyển dụng phù hợp.
Hỗ trợ thiết thực, cụ thể
Từ những kinh nghiệm trong thực hiện chương trình giảm nghèo qua các giai đoạn, để giảm nghèo bền vững và hiệu quả, UBND quận đã chỉ đạo 10 phường khảo sát, phân loại, nắm chắc mức sống, điều kiện sống, lao động việc làm của hộ nghèo để có biện pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực.
Qua đó, nắm được hoàn cảnh sống của từng hộ nghèo và thu nhập của từng người cũng như nhu cầu hợp pháp, chính đáng của họ để triển khai hỗ trợ giúp đỡ thiết thực như: Giúp vốn để làm ăn, giúp giới thiệu học nghề hoặc tìm việc làm phù hợp với sức khỏe, điều kiện làm việc của người nghèo; giúp kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh hay kinh nghiệm nuôi dạy, giáo dục con cái.
Ông Phùng Mạnh Dũng, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc quận Nam Từ Liêm, người trực tiếp đề ra các giải pháp thiết thực giảm nghèo trên địa bàn quận cho biết: Hiện nay quỹ Vì người nghèo của cấp quận, cấp phường có số tiền do nhân dân ủng hộ tương đối lớn. Quan điểm của Mặt trận là tiền vận động được không phải để gửi kho bạc lấy thành tích, mà phải hỗ trợ sớm cho hộ nghèo.
Theo ông Dũng, nên trang bị cho người nghèo cần câu chứ không cho người ta con cá. Mặt trận đã thực hiện rà soát trên tổng số 645 hộ nghèo, trong đó có 298 hộ nghèo vĩnh viễn, không có cơ hội thoát nghèo rơi vào đối tượng người già cô đơn, không có sức lao động. Những hộ đó quận và phường sẽ trích quỹ người nghèo hỗ trợ thường xuyên từ 5-10kg gạo/ tháng.
Số người nghèo còn lại thì rà soát xem là bao nhiêu hộ có sức lao động nhưng không có phương tiện sản xuất hoặc kinh doanh, khi đó sẽ hỗ trợ bằng phương tiện, dụng cụ chứ không cấp tiền, cấp vốn. Vì vốn thì từ trước tới nay quỹ Vì người nghèo không có quy định cho vay.
“Năm 2017, Mặt trận sẽ thí điểm mỗi phường chọn một hộ gia đình có sức lao động tặng một chiếc xe máy để chạy xe ôm có thu nhập ổn định và sau một thời gian sẽ thoát nghèo. Còn những gia đình nghèo trong ngõ, được địa phương tạo điều kiện ra chợ buôn bán thì sẽ rà soát để hỗ trợ dụng cụ bán hàng, miễn phí thuế… Như vậy người nghèo mới có cơ hội thoát nghèo”, ông Dũng cho biết.