Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP HCM; Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP HCM đã cơ bản đồng thuận sau khi phản biện, góp ý Dự thảo “Đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP HCM”. Tuy nhiên xung quanh đề án thu phí này vẫn còn một số ý kiến băn khoăn. PV Đại Đoàn kết đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM, Tổ trưởng tổ công tác về đề án.
PV: Thưa ông, căn cứ vào đâu để triển khai đề án thu phí?
Ông Trần Quang Lâm: TP HCM là địa phương có cảng tổng hợp Quốc gia, đầu mối khu vực loại I, gồm 04 khu bến chính: Khu bến trên sông Sài Gòn; khu bến Cát Lái trên sông Đồng Nai; khu bến trên sông Nhà Bè; khu bến Hiệp Phước trên sông Soài Rạp, với 41 bến cảng có tổng chiều dài cầu cảng là14.679 mét.
Hiện tại thành phố đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm nên hạ tầng giao thông đường bộ kết nối các khu cảng biển chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch. Mặt khác, hệ thống giao thông thủy, các tuyến đường thủy nội địa kết nối đến cảng biển chưa được đầu tư đạt quy hoạch do vướng công trình vượt sông, chưa góp phần giảm tải cho giao thông đường bộ.
Thực trạng trên đã ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác cảng và xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua cảng biển, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, làm tăng chi phí vận tải, chi phí logistic, hạn chế phần nào năng lực cạnh tranh và sự phát triển của thành phố.
Tân cảng Cát Lái giai đoạn hiện nay phải khống chế số lượt tàu vào là 81 tàu/tuần, Khu cảng Hiệp Phước khai thác hiện nay chưa đạt công suất theo quy hoạch, năm 2019 đạt 7,86 triệu tấn, quy hoạch đến 2020 là 32,8 triệu tấn.
Vì vậy, việc đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối với cảng biển là hết sức cần thiết để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua cảng biển nói riêng và phát triển thành phố nói chung. Về mặt pháp lý, phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND TP HCM và được thực hiện thu, nộp theo quy định.
Việc thu phí cửa khẩu cảng biển TP HCM cần thực hiện theo mô hình nào, thưa ông?
- Sau khi khảo sát và nghiên cứu mô hình khai thác cảng biển Hải Phòng tương đồng như cảng biển TP HCM, Sở GTVT TP HCM nhận thấy thực hiện thu phí cửa khẩu cảng biển theo mô hình của thành phố Hải Phòng là phù hợp.
Thành phố Hải Phòng đã thực hiện mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển từ năm 2016 đến nay, để hỗ trợ chi phí đầu tư và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố. Kết quả đã đầu tư xây dựng hoàn thành các cầu vượt, nút giao, cầu vượt sông và trục đường kết nối trực tiếp cảng.
Những công trình này đã góp phần cho việc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu ngày càng tốt hơn, giảm các chi phí và thời gian vận chuyển do không còn tình trạng ùn tắc giao thông, giúp Hải Phòng vươn lên vị trí số 2 về lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng chỉ sau TP HCM, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 15%/năm. Mô hình khai thác cảng biển TP HCM tương đồng như cảng biển của Hải Phòng.
Như vậy, chủ trương của TP HCM thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn là phù hợp với quy định và thực tiễn đang triển khai.
Vậy theo ông, Đề án này thực hiện vào thời điểm nào? Và nếu được HĐND TP HCM thông qua thì tiền thu phí sẽ được đầu tư vào mục đích gì?
- Theo tiến độ dự kiến sẽ trình đề án và dự thảo Nghị quyết của HĐND TP HCM trong kỳ họp vào tháng 12/ 2020. Nếu được thông qua, Đề án sẽ triển khai thực hiện thu phí vào quý II/ 2021.
Toàn bộ số tiền thu phí được nộp vào ngân sách thành phố, Sở Tài chính là cơ quan đầu mối được giao quản lý và bố trí sử dụng có mục tiêu đối với nguồn phí này, chỉ dùng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông kết nối cảng biển theo danh mục dự án đề xuất của Sở Giao thông vận tải hàng năm hoặc trung hạn được cấp có thẩm quyền thông qua.
Trân trọng cảm ơn ông!