50 năm trước, vào tháng 3/1972, một kế hoạch đã được công bố để biến Sentosa từ một căn cứ quân sự bỏ hoang của Anh trở thành một hòn đảo thiên đường tại Singapore.
Văn phòng của kiến trúc sư 91 tuổi Alan Choe - một nhà quy hoạch đô thị đã nghỉ hưu, tại Khu phố Tàu Telok Ayer giống như giấc mơ của một nhà thiết kế nội thất.
Ông thường ngồi sau chiếc bàn gỗ lớn, đối diện một bức tranh Trung Quốc, treo cạnh những tác phẩm điêu khắc bằng gỗ. Qua cửa kính là một hồ cá koi nhỏ, xung quanh là những lọ hoa trang trí và một bức tường trồng cây xanh.
Minh chứng rõ ràng nhất về sự nghiệp lừng lẫy của ông Choe là một khung tranh có kích thước khiêm tốn trên bức tường phía sau.
Đó chính là Huy chương Vàng năm 2004 từ Viện Kiến trúc sư Singapore - một vinh dự cao nhất của viện, được trao cho các kiến trúc sư đáng kính, những người đã có đóng góp "lâu dài và đáng kể".
Alan Choe cũng chính là người đã có công biến Sentosa từ một căn cứ quân sự bỏ hoang của Anh trở thành hòn đảo du lịch nổi tiếng.
Trên thực tế, nếu không có ông, hòn đảo Sentosa ngày nay thay vì các sân golf, khu nghỉ dưỡng và công viên giải trí rực rỡ, hãy hình dung một mớ hỗn độn gồm đường ống, xe tăng và các khu công nghiệp ngột ngạt.
Trở lại hòn đảo năm 1967
Vào giữa năm 1967, ông Choe đã chuẩn bị một bài báo thuyết phục Bộ trưởng Tài chính Singapore lúc bấy giờ là Goh Keng Swee rằng, Pulau Blakang Mati - tên gọi của đảo Sentosa lúc đó - nên là một “lá phổi xanh” của thành phố.
Trước đó, Chính phủ đảo quốc sư tử đã đạt được thỏa thuận với công ty năng lượng Esso về việc xây dựng một nhà máy lọc dầu trên đảo với kế hoạch mở rộng thành một khu phức hợp hóa dầu.
Tiến sĩ Albert Winsemius, lúc đó là cố vấn kinh tế của Chính phủ, tin rằng đây sẽ là một sai lầm khi xét đến sự gần gũi của hòn đảo với đất liền. Vì vậy, ông đã cùng kiến trúc sư lên kế hoạch thay đổi.
“Vấn đề là chúng tôi sẽ ngăn chặn dự án bằng cách nào?”, ông Choe nhớ lại.
“Tôi đã nói với Tiến sĩ rằng tôi không thể nghĩ đến bất cứ điều gì khác. Điều duy nhất mà hòn đảo này có thể làm với vị trí là ‘lá phổi xanh’ duy nhất chúng tôi - đó là biến nơi đây thành một hòn đảo du lịch”.
Trong "khoảng thời gian có hạn" lúc đó, ông Choe đã phác thảo một kế hoạch "rất cơ bản" để xoay chuyển hòn đảo, hoàn chỉnh với một bến phà mang tính biểu tượng, các khu nghỉ dưỡng và điểm tham quan.
Dù đã nhiều thập kỷ trôi qua, nhưng ký ức của ông Choe về khoảng thời gian đó vẫn còn nguyên vẹn. Niềm đam mê của ông dành cho dự án vẫn tỏa sáng, đặc biệt là khoảnh khắc Tiến sĩ Winsemius trở lại với tin tức: “Alan, chúng ta đã thành công!”.
Ông Choe cười lớn: “Tôi đã rất ngạc nhiên, vì tôi nghĩ kế hoạch chỉ đơn giản để ngăn ông Goh đưa trang trại xe tăng vào đó. Họ cười nhạo ý tưởng nhưng cuối cùng nó đã thành công. Vì vậy, tôi rất hạnh phúc”.
Esso sau đó đã đồng ý chuyển nhà máy lọc dầu đến Jurong, và vào tháng 1/1969, kế hoạch đã được công bố để biến Blakang Mati thành một “khu nghỉ mát trên hòn đảo nhiệt đới và thiên đường trên Biển Nam Đảo”, theo một bài báo trên infopedia Singapore.
Một cuộc thi để đổi tên hòn đảo đã được phát động vào tháng 11/1969, và cái tên Sentosa, có nghĩa là ‘sự yên bình’ trong tiếng Mã Lai, đã được lựa chọn. Cái tên này được cho là phù hợp với hình ảnh của Singapore như một điểm thu hút khách du lịch và có hiệu lực từ tháng 9/1970.
Vào tháng 3/1971, Chính phủ tuyên bố sẽ phát triển Sentosa thành một điểm đến nghỉ dưỡng thu hút khách du lịch hàng đầu ở Singapore. Đến tháng 3/1972, một kế hoạch trị giá 124 triệu SGD đã được công bố.
Hòn đảo trước lúc "sóng yên biển lặng"
Sự can thiệp của Kiến trúc sư Choe và Tiến sĩ Winsemius có thể được coi là một bước ngoặt đối với hòn đảo Sentosa, nơi sau đó đã trải qua một số thời kỳ hỗn loạn.
Trong thời kỳ đầu thuộc địa Anh, hòn đảo đã bị càn quét bởi một dịch bệnh bí ẩn, bây giờ được cho là bệnh sốt rét, đã giết chết hầu hết các nhân viên tại một trạm tín hiệu của Anh. Đến năm 1848, dân số khoảng 60 người của hòn đảo đã giảm xuống chỉ còn hai hộ gia đình Bugis.
Sang thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, một bãi biển trên đảo đã được sử dụng làm nơi xử tử người Singapore gốc Hoa như một phần của Thảm sát Túc Thanh.
Một phần của hòn đảo cũng bị biến thành trại tù binh, với khoảng 400 quân đồng minh và xạ thủ được giam giữ trong doanh trại pháo binh.
Năm 1947, hòn đảo trở thành căn cứ của một trung đoàn Pháo binh Hoàng gia - nơi tổ chức huấn luyện quân sự cơ bản. Trung đoàn này đã bị giải tán một thập kỷ sau đó, trước khi các đơn vị bộ binh Gurkha chuyển đến hòn đảo.
Năm 1963, Bộ Chiến tranh Anh bàn giao hòn đảo Pulau Blakang Mati cho Singapore như một phần của sự hình thành Liên bang Malaysia. Từ năm 1967, cùng với sự rút lui gần như hoàn toàn của các lực lượng Gurkha, hòn đảo này đã thuộc quyền quản lý của quốc gia Singapore độc lập.
Trong thời kỳ sau đó, một số bộ và cơ quan chính phủ tại quốc đảo sư tử đã tìm kiếm cho hòn đảo những mục đích sử dụng khác nhau, bao gồm làm cảng và khu liên hợp công nghiệp, khu du lịch với sòng bạc, cũng như các cơ sở quân sự.
Đây cũng là lúc Chính phủ đã đạt được thỏa thuận với Công ty năng lượng Esso. Phần còn lại, như đã kể phía trên, đó là lịch sử.
Giám đốc điều hành của Sentosa Development Corporation (SDC), bà Thien Kwee Eng, nói rằng: “Nếu lịch sử rẽ sang một hướng khác, Sentosa có thể sẽ kỷ niệm ngày thành lập nhà máy lọc dầu”.
Những ngày đầu
Vào tháng 9/1970, một công ty của Mỹ đã đến hòn đảo để thực hiện một nghiên cứu khả thi về sự chuyển đổi của Sentosa. Họ tin rằng dự án này trong tương lai sẽ thu hút lượng lớn khách du lịch cho quốc đảo sư tử, với các điểm tham quan được đề xuất bao gồm sân golf, nhà hát ngoài trời, bảo tàng, thủy cung và "vịnh cướp biển".
Kiến trúc sư Choe đã ngay lập tức nhận ra chướng ngại to lớn phía trước. Trong khi một số khu vực trên đất liền do Anh bàn giao lại có thể dễ dàng trở thành một điểm tham quan, hòn đảo Sentosa là một trường hợp khác.
“Sentosa luôn là một hòn đảo quân sự. Khi chúng tôi nhận lại đảo, không có tiền, không có đường. Vì vậy, chúng tôi đã bắt đầu bằng cách tận dụng lại rất nhiều tòa nhà cũ được người Anh sử dụng để đóng quân”, ông nói.
Kiến trúc sư đã đề nghị tái sử dụng một số không gian trống xây dựng các điểm tham quan, thủy cung và bảo tàng tượng sáp gần bến phà. Những công trình cũ còn sót lại sẽ được bảo tồn vì giá trị lịch sử.
Dự án lớn đầu tiên trên hòn đảo vào tháng 2/1974 chính là hệ thống cáp treo nối Sentosa với Núi Faber trên đất liền. Một tháng sau, vào tháng 3/1974, sân golf Sentosa đã mở cửa đón khách.
Các điểm tham quan khác đã hoàn thành trong suốt thập kỷ sau đó, bao gồm thủy cung, bảo tàng hàng hải, đầm phá bãi biển Palawan và đài phun nước Thịnh Vượng nổi tiếng, chính thức mở cửa vào tháng 6/1982. Ngoài ra còn có Pháo đài Siloso, một điểm tham quan lịch sử được xây dựng từ quá trình bảo tồn các đường hầm dưới lòng đất, hầm chứa đạn, ụ súng và trụ đèn rọi của quân đội cũ.
Những "cơn bão" không ngừng
Đến năm 1983, bi kịch ập đến hòn đảo. Vào tối ngày 29/1, "derrick" (tháp lưới thép) của một tàu khoan dầu đã va vào đường cáp treo Sentosa, làm bật tung hai cáp treo và rung chuyển dữ dội một cáp khác. Bảy người chết và 13 người khác bị mắc kẹt.
Sau thảm họa, số lượng du khách đến Sentosa giảm đáng kể. Ông Choe nhớ lại: “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ về những giàn khoan dầu này và đã xảy ra một thảm kịch rất tồi tệ”.
Vào những năm 1990, một kế hoạch trị giá 750 triệu SGD đã được đưa ra để xây dựng thêm nhiều khách sạn nghỉ dưỡng và các điểm tham quan chính. bên cạnh việc cải thiện cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, một số điểm tham quan ra mắt vào những năm 1990 đã bị chỉ trích là đắt đỏ, lỗi thời và thiếu hấp dẫn, và cuối cùng đã phải đóng cửa do vắng khách.
Để giảm bớt sự phụ thuộc của đảo Sentosa vào du lịch để kiếm doanh thu, ông Choe đã khởi xướng dự án khu dân cư ‘Sentosa Cove’ vào năm 1996, nhằm thu hút cư dân thường trú đến hòn đảo này.
Nhưng dự án cũng đã bị đình chỉ trong bối cảnh tài sản sụt giảm vào những năm 1990 và cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. Sentosa Cove sau đó đã ra mắt vào năm 2003. Khu bảo tồn rộng 117 ha có tổng cộng 2.600 ngôi nhà bao gồm các biệt thự, dinh thự và chung cư nhìn ra biển.
Hòn đảo Sentosa sau đó đã có nhiều hơn những thay đổi, phát triển rực rỡ và trở thành một điểm đến lý tưởng như thời điểm hiện tại.
Cho đến khi đại dịch Covid-19 tấn công Singapore, hòn đảo Sentosa đã lại vấp phải vô số khó khăn. Tuy nhiên, vào tháng 1/2022, Tổng cục Du lịch Singapore đã chỉ ra những dấu hiệu phục hồi trong lĩnh vực du lịch, so với cùng kỳ năm ngoái, một mức tăng trưởng đáng kể trong ba quý cuối năm 2021.
Tương lai của hòn đảo
Các nhà quy hoạch hiện tại cho biết, họ có kế hoạch sẽ đưa hòn đảo Sentosa "đi xa hơn nữa" và giúp Singapore xây dựng hình ảnh rực rỡ hơn nữa như một điểm đến du lịch lý tưởng, trở thành "anh cả" đối với các điểm du lịch khác tại Singapore.
Nhưng một lần nữa, KTS Alan Choe luôn nhấn mạnh về tầm quan trọng giữa cân bằng nhu cầu thương mại với việc duy trì bản sắc của hòn đảo Sentosa lịch sử. “Trước khi nghỉ hưu, tôi đã nói với người kế nhiệm rằng, cứ hễ ai chặt 1 cây thì phải trồng vào đó 100 cây để thay thế. Và điều thứ hai, tất cả các tòa nhà đều không được cao hơn ngọn cây tại hòn đảo”.
“Đối với việc kiếm tiền, có rất nhiều thứ chúng ta có thể khai thác. Bản thân hòn đảo này là một trung tâm tài chính, có vị trí địa lý thuận lợi, có sự quản trị tốt, có luật pháp và trật tự. Vì vậy, chúng ta không bao giờ được từ bỏ “lá phổi xanh”, một thứ mà nếu mất đi, chúng ta sẽ rất khó để tái tạo”, ông Choe nói.