Bộ GDĐT đã chính thức công bố danh mục SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là thời điểm các địa phương bắt tay vào quy trình lựa chọn sách.
Năm học 2022-2023, cả nước tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 3, 7 và 10. Danh mục 3 bộ SGK đã chính thức được Bộ GDĐT công bố. Thời điểm này, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận SGK đối với các địa phương, các nhà trường và giáo viên là yêu cầu được đặt ra. Bởi thực tế, ở những năm trước, thời gian tiếp cận, lựa chọn SGK không nhiều khiến các địa phương, giáo viên lúng túng.
SGK lớp 3, 7, 10 có gì mới?
Đến thời điểm này, Bộ GDĐT đã triển khai thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” sang năm học thứ hai, ở các lớp 1, 2 và lớp 6. Năm học 2022 - 2023, chương trình sẽ tiếp tục thực hiện ở lớp 3, 7 và 10.
Để chuẩn bị cho việc này, Bộ GDĐT đã phê duyệt danh mục SGK mới của các lớp 3, 7 và 10 và chuẩn bị tập huấn chương trình cho đội ngũ giáo viên.
Theo danh mục SGK được phê duyệt lần này, lớp 3 có 43 sách của 11 môn học và hoạt động giáo dục; lớp 7 gồm 40 sách giáo khoa của 12 môn học và hoạt động giáo dục và lớp 10 gồm 44 SGK của 14 môn học và hoạt động giáo dục.
So với chương trình hiện hành, các nhà biên soạn SGK theo Chương trình GDPT mới đánh giá, nhiều môn học đã giảm bớt các nội dung khó, hàn lâm và thay đổi về cách tiếp cận.
Bàn về điểm mới của SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018; Tổng chủ biên, kiêm chủ biên SGK Tiếng Việt lớp 3 - Bộ sách Cánh Diều cho hay: “Chúng tôi đều thống nhất phương châm “Mang cuộc sống vào bài học - Đưa bài học vào cuộc sống”.
Thực học thực nghiệp thể hiện ở mỗi môn một khác. Nhưng ở tất cả các sách bao giờ cũng đi từ thực tế, từ phân tích thực tế rút ra các bài học. Đem bài học vào thực tiễn”.
Với tư cách là Chủ biên Chương trình GDPT mới môn Ngữ văn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho hay, điểm mới của môn Ngữ Văn là thay đổi cách tiếp cận.
“Tôi thường nói với giáo viên, các thầy cô dạy gì cũng được nhưng học sinh đọc văn bản phải hiểu, phải viết được, diễn đạt trung thành ý nghĩ của cá nhân và người nghe hiểu được; văn phong trong sáng, rõ ràng, áp dụng được nhiều kiến thức vào cuộc sống. Theo tôi, đổi mới phải bám sát cuộc sống, vì đây là văn hóa phổ thông, không phải đào tạo ra nhà phê bình văn học hay nhà văn”, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ.
Đối với môn Toán, GS. TSKH Đỗ Đức Thái, Chủ biên Chương trình GDPT mới môn Toán cho hay, từng bài học trong Toán lớp 3, lớp 7 và lớp 10 của chương trình mới đã cụ thể hoá những nhu cầu cần đạt một cách rõ ràng, rành mạch và trong sáng về mặt sư phạm.
Ông Thái nêu, chẳng hạn trong mạch kiến thức thống kê ở THCS, đối với lớp 6, 7, 8 không có vẽ biểu đồ mà nội dung đó ở lớp 9. Nếu giáo viên bám sát, hiểu được, cụ thể hoá được những yêu cầu của môn Toán, giáo viên sẽ không bắt học sinh vẽ biểu đồ từ lớp 6.
Môn Toán lớp 12 cũng vậy, sẽ bỏ hết những phần kỹ thuật tính toán khó vì tích phân khi ứng dụng trong cuộc sống là những tích phân tính toán đơn giản.
“Nhìn chung, nội dung mang hướng giảm tải. Nhưng giảm tải phải được hiểu là bỏ những kiến thức hàn lâm, giữ lại những phần cần thiết cho học sinh trong cuộc sống, nền tảng cơ bản cho bậc học cao hơn, không cắt bỏ một cách cơ học, không đúng về mặt sư phạm”, GS. TSKH Đỗ Đức Thái nhấn mạnh.
Đẩy nhanh tiến độ tiếp cận SGK
Thời điểm này, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận SGK đối với các địa phương, các nhà trường và giáo viên là yêu cầu được đặt ra. Bởi thực tế, ở những năm trước, thời gian tiếp cận, lựa chọn SGK không nhiều khiến nhiều giáo viên lúng túng.
Trong thời gian triển khai chương trình mới nhiều nhà trường, giáo viên - những người trực tiếp triển khai thực hiện chương trình, SGK mới đã nêu nhiều ý kiến góp ý về vấn đề lựa chọn sách.
Cô giáo Phan Hồng Hạnh, giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, việc tôn trọng ý kiến của giáo viên trong lựa chọn SGK là vô cùng quan trọng.
Trên thực tế, đặc điểm của học sinh các vùng miền không giống nhau cũng như điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế của các địa phương cũng khác nhau.
Vì vậy, giáo viên là người nắm bắt rất rõ tâm lý của học sinh, đặc điểm năng lực của từng học sinh và cũng là người tiếp cận trực tiếp các bộ SGK. Đấy chính là kênh tham mưu rất tốt cho UBND cấp tỉnh, các Sở, ban ngành, thành phố để đưa ra quyết định sáng suốt nhất.
Quan điểm về lựa chọn SGK, bà Hà Ngọc Thuỷ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, không có bộ SGK nào bị giảm chất lượng do việc lựa chọn. Quan niệm về SGK cũng cần đôi chút thay đổi. SGK nên hiểu là tài liệu tham khảo để thầy cô dạy theo chương trình.
“Từ đó cho thấy các trường và thầy cô nếu có thể thì không nên lựa chọn một bộ SGK duy nhất mà có thể tham khảo, tận dụng song song nhiều bộ. Bởi chất lượng đến từ giáo dục chứ không phải là lựa chọn bộ sách nào”, bà Thủy nói.
Giám sát việc thực hiện chương trình, SGK mới thời gian qua, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá, việc lựa chọn SGK của các địa phương về cơ bản đúng theo hướng dẫn của Bộ GDĐT. Tuy nhiên vẫn có những nơi còn máy móc. Tức là chỉ chọn một bộ sách theo quan điểm xã hội hoá. Nhưng khi xác định SGK là tài liệu thì không nên coi chỉ chọn một bộ mà cần tôn trọng đăng ký từ các cơ sở giáo dục.
Về việc đưa chương trình vào thực hiện trong năm học này, bà Hoa chia sẻ với các địa phương cũng như các NXB vì chúng ta đã triển khai trong một bối cảnh phức tạp. Từ khâu biên soạn, thẩm định và lựa chọn đến việc tập huấn giáo viên, đưa SGK đến tay giáo viên và học sinh là một thách thức rất lớn khi chúng ta thực hiện yêu cầu về giãn cách.
“Qua nhiều ý kiến góp ý, chúng tôi cho rằng Bộ GDĐT nên rà soát và hướng dẫn cụ thể hơn để các địa phương trong quá trình chọn SGK lớp 3, 7, 10 tới đây cần hiểu một cách linh hoạt hướng dẫn của Bộ và trên nền tôn trọng ý kiến cơ sở”, bà Hoa cho hay.