Hà Nội là địa phương mới nhất vừa công bố danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2021 - 2022 trên địa bàn. Hơn 30 tỉnh thành khác đến nay vẫn chưa công bố danh mục này dù hạn chót Bộ GDĐT đặt ra là ngày 5/4.
Không đồng phục
Tại Hà Nội, lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội cho biết, danh mục SGK lớp 2 và lớp 6 vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt căn cứ từ kết quả bỏ phiếu kín từ các hội đồng chọn SGK từng môn học của mỗi khối lớp với nguyên tắc cuốn sách nào có tỷ lệ trên 50% số thành viên lựa chọn sẽ được đưa vào danh sách trình UBND thành phố phê duyệt.
Cụ thể, danh mục SGK lớp 2 gồm 19 cuốn ở 9 môn học và hoạt động giáo dục (gồm cả bắt buộc và tự chọn). Về SGK lớp 6 mới, Hà Nội phê duyệt 28 cuốn cho 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc… Đáng chú ý, với sách Tiếng Việt lớp 2, Hà Nội chỉ chọn duy nhất cuốn SGK của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam, thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống trong tổng số 3 SGK Tiếng Việt lớp 2 được Bộ GDĐT phê duyệt.
Trong khi đó, năm học 2020 - 2021, Hà Nội có khoảng 50% số trường tiểu học chọn SGK Tiếng Việt của bộ sách Cánh Diều. Như vậy, tới năm học này, tất cả các trường sẽ chuyển học thống nhất một sách của môn học này.
Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, hai môn Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm lớp 2, mỗi môn có 1 cuốn; Toán, Đạo đức, Tự nhiên Xã hội, Giáo dục thể chất mỗi môn 2 cuốn và môn tự chọn là Tiếng Anh có 6 đầu sách. Tương tự, danh mục SGK lớp 6 gồm 28 cuốn cho 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, đa số đều có từ 2 cuốn trở lên trừ môn Tin học, Giáo dục thể chất, Mỹ thuật, Công nghệ mỗi môn có 1 cuốn.
Theo ông Thái Văn Thành- Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An, danh mục SGK lớp 2, lớp 6 được UBND tỉnh phê duyệt có cả 3 bộ sách: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh Diều; trong đó chủ lực là bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống hầu như được chọn ở tất cả các môn học. Còn lại, mỗi môn học đều chọn 2 bộ sách. Riêng SGK lớp 1 vẫn giữ nguyên kết quả chọn của năm trước - chủ yếu chọn bộ Cánh Diều…
Trong khi đó, nhiều tỉnh thành khác mới hoàn tất khâu đề xuất lựa chọn SGK từ các cơ sở giáo dục. Phòng GDĐT các huyện, thành phố đã tập hợp danh sách đề xuất báo cáo về sở GDĐT. Lý giải cho việc tiến độ chọn SGK chậm hơn dự kiến, một trong những lý do đại diện Sở GDĐT Thái Bình đưa ra là đội ngũ giáo viên vừa thực hiện giảng dạy, vừa nghiên cứu nhiều đầu sách, tham gia công tác chuyên môn khác, tham gia tập huấn các mô đun triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thận trọng trong chọn SGK là quan trọng bởi với SGK lớp 1, chúng ta đã có bài học kinh nghiệm của năm học trước. Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm sau chọn SGK nên nếu các địa phương thông báo danh sách lựa chọn quá muộn liệu có ảnh hưởng đến các khâu tiếp theo?
Học sinh chỉ phải mua một đầu sách
Theo lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội, căn cứ trên danh mục SGK đã được phê duyệt, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố sẽ lựa chọn 1 bộ SGK đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục để sử dụng chính thức cho trường mình, thông báo để phụ huynh biết và mua cho con em. Như vậy, với những môn học có hơn một cuốn sách được phê duyệt, các trường cần tiếp tục thống nhất chọn dạy sách nào để học sinh chủ động mua sách cho năm học mới, tránh tình trạng thiếu sách khi mua sát năm học mới.
Sở GDĐT TP HCM cũng lưu ý học sinh chỉ phải mua 1 đầu sách và giáo viên hướng dẫn học sinh học tập dựa trên cuốn sách ấy. Nhưng giáo viên thì được quyền tham khảo nhiều quyển sách khác nhau để xây dựng kế hoạch bài học phù hợp với đối tượng học sinh.
Trong số các đầu sách mà UBND địa phương phê duyệt, hiệu trưởng trường tiểu học, THCS sẽ là người quyết định lựa chọn SGK sử dụng trong đơn vị của mình. Theo đó, hiệu trưởng chọn SGK dựa trên cơ sở ý kiến đề xuất của hội đồng bộ môn, tổ trưởng chuyên môn của trường. Mỗi trường có thể lựa chọn cả 2, 3 quyển sách để dạy phù hợp với tình hình, năng lực, trình độ của học sinh mỗi lớp nhưng trên tinh thần mỗi học sinh chỉ phải mua 1 đầu sách.