Dù qua rất nhiều cơ quan thẩm định nhưng SGK mới vẫn để lọt nhiều “sạn”. Một số chuyên gia đặt câu hỏi, liệu có hay không những tiêu cực trong quá trình thẩm định, phát hành SGK.
“Sạn” trong SGK được nhắc tới rất nhiều trong suốt 2 năm học qua từ khi Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được triển khai.
Trong đó, những tranh cãi xung quanh việc sách Tiếng Việt lớp 1, bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam bỏ chữ cái P ra khỏi danh mục vẫn chưa lắng xuống. Và sau cùng của những tranh cãi trái chiều này, bài học nào được rút ra, vấn đề này được khắc phục như thế nào vẫn là một dấu hỏi.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trong những ngày vừa qua, sau bức thư ngỏ của ông Đào Quốc Vịnh gửi Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phản ánh việc sách Tiếng Việt 1, tập một thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam không dạy âm “p” (âm “pờ”), chữ “p”, dư luận xã hội đã dậy sóng theo nhiều chiều.
Nội dung phản ánh của ông Vịnh đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT quan tâm và yêu cầu các cơ quan liên quan vào cuộc kiểm tra và xem xét để sớm có giải pháp khắc phục.
Đương nhiên, “sạn” thì phải sửa, lỗi phải lọc nhưng bản chất của vấn đề vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Trước lý giải của PGS. TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên Sách Tiếng Việt 1 của bộ Kết nối tri thức và cuộc sống, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông cho rằng, cách giải thích của ông Tổng chủ biên chưa hướng đúng vào trọng tâm của dư luận.
Tuy nhiên, GS. TS Mai Ngọc Chừ, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1 lại nêu quan điểm đồng tình với nhóm tác giả.
Theo ông Chừ, hội đồng thẩm định đã thông qua có nghĩa là chấp nhận, hội đồng đã trình lên Bộ trưởng Bộ GDĐT. Bộ trưởng đã ký có nghĩa là Bộ trưởng chấp nhận.
Nói như quan điểm của GS. TS Mai Ngọc Chừ có thể hiểu rằng, dù sách có “sạn” nhưng Bộ trưởng đã ký thì sản phẩm của họ vẫn được chấp nhận!?...
Về vấn đề này, bày tỏ quan điểm với Đại Đoàn Kết Online, GS. TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, Luật Giáo dục 2019 có quy định, về vấn đề SGK, trách nhiệm cuối cùng thuộc về Bộ trưởng ký ban hành. Nếu trong quá trình thẩm định SGK để xảy ra sai sót thì Bộ trưởng không thể đứng ngoài cuộc mà phải là người chịu trách nhiệm chính.
Theo GS. TS Phạm Tất Dong, SGK là một phương tiện góp phần đào tạo nhân cách cho người học dựa trên những kiến thức. Từ đó truyền cho thế hệ trẻ hình thành tri thức, nhân cách. Vì vậy, vấn đề liên quan tới SGK được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Ngoài chứa đựng tri thức, SGK cũng là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt mà khách hàng chính là phụ huynh, học sinh. Nên hàng hóa đó phải bảo đảm cả về mặt hình thức lẫn nội dung. Những người làm ra sản phẩm đó không thể để người tiêu dùng sử dụng sản phẩm kém chất lượng và phải chịu trách nhiệm, chỉnh sửa nội dung khi có sai sót.
Cũng theo GS Dong, nếu SGK có những sai sót không thể chấp nhận được thì ngành giáo dục cần nghiêm túc nhìn nhận, tìm hướng khắc phục, xử lý những người có trách nhiệm liên quan.
Liệu có hay không lợi ích nhóm?
Các chuyên gia đều khẳng định, chủ trương “một chương trình, nhiều SGK” là một chủ trương đúng đắn, tạo điều kiện để phụ huynh học sinh, các cơ sở giáo dục được lựa chọn bộ sách mà mình yêu thích, tránh độc quyền trong xuất bản SGK.
Tuy nhiên, trước quá nhiều hạt sạn không đáng có đã được dư luận xã hội phản ánh thời gian qua, có thể thấy khâu thẩm định, góp ý, lựa chọn và phát hành SGK mới đang tồn tại những bất cập.
Theo quy định tại Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT về quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông, Hội đồng lựa chọn SGK do UBND tỉnh, thành phố trục thuộc trung ương thành lập, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn SGK.
Thực hiện theo quy định tại Thông tư 25, UBND các tỉnh sẽ lựa chọn danh mục SGK phù hợp với địa phương. Cũng theo quy định, một cuốn sách trước khi phát hành phải qua nhiều khâu thẩm định từ chủ biên viết sau đó đến tổng chủ biên, tổng biên tập NXB thẩm định, duyệt...; sau cùng mới đến Hội đồng thẩm định Quốc gia.
Qua từng đấy khâu thẩm định, lựa chọn nhưng SGK mới vẫn để lọt nhiều “sạn” khiến dư luận xã hội đặt ra câu hỏi liệu có hay không những tiêu cực hay lợi ích nhóm trong vấn đề này?
Nhìn nhận về vấn đề này, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, hiện nay nhiều đơn vị đua nhau làm SGK dẫn tới cuộc cạnh tranh không lành mạnh.
Bên cạnh đó, người đứng đầu các địa phương được quyền đưa ra quyết định cuối cùng lựa chọn, sử dụng sách phù hợp với tình hình địa phương chứ không phải giáo viên-những người dạy học trực tiếp.
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ đặt câu hỏi, liệu có hay không tiêu cực hay lợi ích nhóm trong khâu lựa chọn sách. Điều này cũng đã được báo chí nhắc tới thời gian qua.
“Cơ quan quản lý cần làm rõ trách nhiệm và có chế tài xử lý về những sai sót trong SGK. Bên cạnh đó, cần phải thay đổi cơ chế trong việc lựa chọn, thẩm định SGK. Có thể thời gian đầu triển khai chương trình mới còn vội vã nhưng đến thời điểm này sau 2 năm rồi, ngành giáo dục phải có kế hoạch, thực nghiệm, xem xét kỹ lưỡng về vấn đề SGK”, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ cho hay.
Đồng tình với quan điểm trên, GS. TS Phạm Tất Dong đánh giá, các khâu thẩm định, góp ý, lựa chọn, phát hành SGK mới đang rất lỏng lẻo, dẫn tới những sai sót không đáng có.
GS. TS Phạm Tất Dong nêu quan điểm: “Rắc rối lớn nhất của chương trình GDPT mới hiện nay là vấn đề SGK. Trong khi chúng ta đòi hỏi người học phải học thật thì SGK lại dạy người học nội dung không hay, thậm chí chưa đúng. Vậy người học sẽ học thật như thế nào.
Tôi cho rằng, tới đây, Quốc hội sẽ đánh giá, nhìn nhận lại vấn đề này. SGK không đơn giản là thứ dạy học sinh ê a. Nếu để lọt sai sót, trách nhiệm đầu tiên thuộc về người đứng đầu nhưng đã xử lý phải xử lý hàng loạt những cá nhân có liên quan, trong đó có cả người đứng đầu các địa phương. Nếu không tháo gỡ thì tôi e rằng, năm học tiếp theo sẽ lại vướng phải những nhùng nhằng".
Thầy Đào Quốc Vịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) – người có bức tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn về việc sách Tiếng Việt 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam chưa dạy chữ P đứng trước nguyên âm, cho biết, biên soạn SGK, nhất là SGK tiểu học, là một việc làm rất khó. Ngoài kiến thức về ngữ văn, người viết còn cần có hiểu biết về giáo dục học, tâm lý học, dân tộc học và nhiều lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn khác.
Trong quá trình biên soạn có thể có những lỗi nhất định do vô ý, nhưng tuyệt đối không được tự ý xa rời Chương trình giáo dục. Đặc biệt, khi đã có lỗi, có sai sót thì cần phải cầu thị, tiếp tục thực hiện phương châm "Tất cả vì học sinh thân yêu!"
Thầy Vịnh hy vọng rằng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là một trong những chuyên gia về khoa học ngữ văn và thấu hiểu những khó khăn trong công tác dạy tiếng phổ thông cho con em đồng bào các dân tộc ít người, sẽ sớm dưa ra các giải pháp kịp thời để thầy và trò ở cấp tiểu học có những cuốn sách giáo khoa đúng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà Bộ GDĐT đã ban hành.