Sau sự cố một phụ huynh và học sinh đuối nước trong quá trình trải nghiệm bắt ngao tại Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội vừa yêu cầu các trường học tuyệt đối không tổ chức các hoạt động trải nghiệm tự phát. Cùng với đó, VQG Xuân Thủy cũng đã dừng các hoạt động tham quan, trải nghiệm sau sự cố nói trên.
Từ sự việc này, Sở GDĐT Hà Nội đề nghị các trường trực thuộc, các phòng GDĐT và các nhà trường thực hiện nghiêm túc quy định liên quan, có phương án bảo đảm an toàn cho học sinh khi tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động trải nghiệm, dã ngoại, tuyệt đối không tự tổ chức các hoạt động trải nghiệm mang tính tự phát.
Sở GDĐT Hà Nội cũng đề nghị các nhà trường chủ động kiểm tra, rà soát các điều kiện bảo đảm an toàn của đơn vị như cây xanh, điện lưới, cống, bể, tường rào... nhất là trong mùa mưa bão sắp tới. Khi học sinh nghỉ hè, nhà trường vẫn cần thường xuyên có biện pháp nhắc nhở, khuyến cáo học sinh không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, hố công trình, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; không tự ý hoặc rủ nhau đi tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng.
Trước đó, vào hồi tháng 3/2023, đã có 50 học sinh Trường Tiểu học Kim Giang (Hà Nội) đã bị ngộ độc thực phẩm trong chuyến dã ngoại do nhà trường tổ chức.
Lâu nay, ngoài các nỗi lo mỗi khi có vụ việc xảy ra thì nhiều phụ huynh và học sinh đều thấy rằng, các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường mang lại nhiều kiến thức thực tế. Bên cạnh đó, học sinh còn được tham quan những di tích lịch sử, làng nghề và hiểu hơn về lịch sử của đất nước… Điều quan trọng hơn cả mà nhiều học sinh đều thích thú, đó là qua mỗi chuyến đi, các em hiểu thêm về bạn bè, học được nhiều kỹ năng trong giao tiếp, hợp tác và làm việc nhóm.
Theo hướng dẫn của Bộ GDĐT tạo tại văn bản số 3535/BGDĐT-GDTH, hoạt động trải nghiệm được thực hiện từ năm học 2020 - 2021 trên cả nước, thời lượng 105 tiết/năm học. Nội dung này được thực hiện thông qua 4 loại hình hoạt động chủ yếu gồm: Sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề, hoạt động câu lạc bộ. Bộ GDĐT khuyến khích tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường đối với cơ sở giáo dục có đủ điều kiện nhưng cần bảo đảm mục tiêu giáo dục, an toàn cho học sinh.
Tại Hà Nội, ở cấp học phổ thông, Sở GDĐT Hà Nội đã có quy định cụ thể với các trường nhằm tăng cường quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trong đó có hoạt động tham quan. Theo đại diện Phòng Chính trị tư tưởng và Khoa học công nghệ (Sở GDĐT Hà Nội), về cơ bản, các trường học trên địa bàn thành phố đều thực hiện đúng quy trình quy định, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, đồng thuận của cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ở một vài nơi vẫn xảy ra rủi ro vì nhiều nguy cơ phát sinh.
Nhìn lại một số vụ việc đáng tiếc đã xảy ra trong thời gian gần đây, có nhiều nguyên nhân khiến học sinh bị tai nạn thương tích như: Học sinh hiếu động, không tuân thủ quy định chung, hay sự phối hợp trong quản lý, giám sát học sinh, giám sát quy trình chưa chặt chẽ... Như vậy, công tác bảo đảm an toàn cho học sinh trong các hoạt động ngoài nhà trường rất cần có sự chung tay, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình.
Nhận định về việc quản lý hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong các trường học hiện nay, chuyên gia Lê Kim Anh – Trường ĐH Giáo dục ( ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Trên thực tế việc quản lý hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp chưa được thực hiện một cách có hiệu quả. Quản lý hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh trong trường học còn bộc lộ những hạn chế về phát triển chương trình hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp của nhà trường, lập kế hoạch, tổ chức nhân sự, kiểm tra đánh giá, quy trình quản lý còn chưa rõ ràng… nên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chưa hình thành được năng lực cho học sinh. Do đó, nếu đề xuất và áp dụng các biện pháp quản lý hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh theo hướng tiếp cận năng lực, sẽ nâng cao được chất lượng hoạt động hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.