Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm chức năng.
Mối nguy từ thực phẩm chế biến sẵn
Theo nhận định chung, trong 6 tháng đầu năm nay, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) đã được chú trọng hơn, tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu về ATTP, nhất là trong các hoạt động: Giết mổ gia súc, gia cầm; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất thực phẩm; quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe không đúng quy định…
Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể thời gian khiến người dân lo lắng. Đáng chú ý là vụ ngộ độc thực phẩm khiến 230 người tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) phải nhập viện trong tháng 5 vừa qua. Nguyên nhân chính gây ra ngộ độc thực phẩm là do người dân đã ăn phải các món ăn bị nhiễm vi sinh vật vượt mức cho phép. Các món ăn chay người dân sử dụng hôm đó gồm nem chay, mỳ căn, đậu khuôn chiên, cá kho chay, sườn xá xíu, chả chay kho, mì căn xào thịt bò, chả phù chúc, nui xào.
Hay một trường hợp khác, ngày 7/6, tại Bình Phước, hơn 100 người đã phải nhập viện sau khi tham dự 1 bữa tiệc cưới với những đồ ăn được chế biến sẵn. Sau tiệc cưới, trở về nhà, nhiều khách có triệu chứng nôn ói, khó thở, chóng mặt, tiêu chảy nghi bị ngộ độc thực phẩm được người thân đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế thị xã Phước Long, các bệnh viện ở Bình Phước, Đăk Nông, Lâm Đồng, TPHCM.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế): mối nguy lớn nhất gây ra ngộ độc tập thể chính là từ các suất ăn chế biến sẵn. Qua kiểm tra, khảo sát, khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm là do sử dụng suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến.
Thêm vào đó, nhiều cơ sở cung cấp suất ăn sẵn sử dụng các nguyên liệu, thực phẩm từ nơi khác vẫn chuyển đến, không được bảo quản tốt, không rõ nguồn gốc. Những cơ sở này đa số có quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản thực phẩm… rất thủ công.
Để ngăn chặn xảy ra ngộ độc thực phẩm, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong yêu cầu các địa phương bố trí cán bộ đặc trách, nắm chắc các cơ sở, xây dựng kế hoạch kiểm soát phù hợp đối với từng khu chế xuất, khu công nghiệp, từng bếp ăn tập thể.
Cùng với đó là nghiên cứu đề xuất chính sách can thiệp về giá thành tối thiểu, khuyến cáo về định mức dinh dưỡng của một suất ăn sẵn cho công nhân. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm cho đơn vị, phải ký cam kết với y tế địa phương, ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp.
Mạnh tay xử lý
Nhằm sớm khắc phục các tồn tại hạn chế nêu trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 14/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tiến hành tổng kết việc thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm theo Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2020.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ NNPTNN chủ động làm việc với các cơ quan liên quan của Quốc hội để phối hợp tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 43/2017/QH14 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020; hoàn thành và kịp báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội (cuối năm 2020); làm việc với UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức tổng kết Chương trình phối hợp giữa Chính phủ và MTTQ về vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước tháng 10/2020.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ: Y tế, NNPTNN, Công Thương, Tư pháp nghiên cứu tháo gỡ các vướng mắc trong quy định của pháp luật nhằm đẩy mạnh xử lý theo quy định của pháp luật hình sự đối với các vụ việc vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm. Bộ TTTT tăng cường xử lý các vi phạm trong việc quảng cáo thực phẩm trên các trang web, mạng xã hội theo quy định của pháp luật.