Tiếp theo chiến dịch “giành lại vỉa hè”, TP HCM tiếp tục công bố quy hoạch siêu phố đi bộ rộng 221 ha, với chu vi lên tới 7,35 km. Đề án quy hoạch đang trong quá trình sở ngành chức năng xem xét đề cương và hoàn chỉnh để trình UBND thành phố trước 30/4. Tuy nhiên, ngay khi đưa ra lấy ý kiến, dư luận đã lo ngại bởi hiện thời nạn kẹt xe vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ nhìn từ trên cao.
Đề án về “siêu phố đi bộ” do Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, thuộc ĐH Việt Đức lập; Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam là đơn vị lập Quy hoạch về phát triển GT-VT thành phố đến năm 2020, trong đó khu vực “siêu phố đi bộ” bao gồm nhiều tuyến đường như Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Hai Bà Trưng, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Lê Lợi…
Hầu hết các tuyến đường này đều nằm tại trung tâm Q.1, TP HCM, là các nút giao thông quan trọng trong nội vi của thành phố, kết nối giữa khu vực trung tâm với các quận/huyện phía Tây, Nam và phía Đông của thành phố
Về lý thuyết, tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện nay đang được vận hành khá suôn sẻ, với việc điều tiết giao thông hợp lý trên các trục giao cắt giữa đường Lê Thánh Tôn, Tôn Đức Thắng, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa và các đường chạy ngang qua phố đi bộ trước đây.
Tuy nhiên, việc muốn xây dựng đường Nguyễn Huệ thành một trục cơ sở để kết nối với Nhà thờ Đức Bà, đường Lê Duẩn với Dinh Độc lập, Bưu điện Thành phố, không phải là câu chuyện dễ dàng, nhất là trong bối cảnh việc điều tiết giao thông trên các tuyến Lê Lợi, Đồng Khởi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Nguyễn Du, Lý Tự Trọng thường xuyên gặp khó khăn do nằm trên các trục huyết mạch đổ về trung tâm thành phố.
Nghĩa là, một vấn đề rất lớn là muốn có “siêu phố đi bộ”, thành phố buộc phải điều tiết giao thông không đi vào gần 20 tuyến đường trung tâm kể trên.
Một bài toán được nhìn nhận khó hơn cả chiến dịch “giành lại vỉa hè” mà Q.1 và các quận trung tâm của thành phố đang nỗ lực triển khai, hoặc ít nhất cũng cần phải có chiến lược dài hơi thông qua quy hoạch hạ tầng giao thông khu vực trung tâm thành phố. Nhưng, ngay cả việc này cũng là không tưởng khi dự tính nguồn kinh phí cho giải tỏa, đền bù “khu đất vàng” sẽ lên đến con số nhiều ngàn tỷ đồng.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học-kỹ thuật-môi trường Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM là người sớm lên tiếng đề nghị ngành GT-VT thành phố cần có nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học, tránh để xảy ra mâu thuẫn với các quy hoạch đang tồn tại, nhất là chồng chéo với các dự án bãi đỗ xe trong khu vực trung tâm thành phố hiện nay.
Việc cấm xe vào gần 20 tuyến đường trung tâm sẽ đặt ra bài toán không hề đơn giản để điều tiết giao thông, trong khi lượng xe cộ lưu thông không giảm đi, mà còn sẽ tiếp tục tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông khu vực trung tâm thành phố.
PGS TS Nguyễn Lê Ninh cũng khuyến nghị việc xây “siêu phố đi bộ” liệu có cần thiết khi vấn đề nan giải hiện nay là tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông chưa được giải quyết. Và, người dân cần ưu tiên mở rộng các tuyến giao thông, tạo thành nhiều làn đường khác nhau cho các phương tiện giao thông để giảm ùn tắc giao thông vào khu vực trung tâm thành phố.
Các lo ngại cũng đặt ra về việc hạ tầng bãi để xe cho “siêu phố đi bộ” hơn 221 ha của thành phố? Vấn đề này, theo Kiến trúc sư Khương Văn Mười, thuộc Hội Kiến trúc sư Việt Nam, không phải là chuyện dễ dàng.
Bởi vì, nếu bố trí nhiều bãi đỗ xe nhỏ, thay vì bãi đỗ xe lớn, lại dễ gây ra hệ quả ngược là ùn tắc giao thông cục bộ trên các tuyến đường trung tâm, chưa kể thành phố phải xây dựng các hệ thống về phòng cháy chữa cháy, xe cứu thương thường trực để vào siêu phố đi bộ.
Cũng theo Kiến trúc sư này, hiện thành phố còn thiếu bãi đậu xe nên nếu nói về ưu tiên quy hoạch thì phải là xây các bãi đậu xe ngầm, bãi đậu xe thông minh để giải quyết vấn đề thiếu bãi đậu xe của thành phố. Còn việc quy hoạch phố đi bộ là lâu dài, cần phải tính toán thận trọng và hợp lý.
PGS TS Phạm Xuân Mai, giảng viên Khoa Kỹ thuật giao thông (Trường ĐH Bách khoa TP HCM, người từng tham vấn nhiều chính sách liên quan đến hạ tầng giao thông và xe cá nhân tại TP HCM bày tỏ lo ngại khi việc quy hoạch siêu phố đi bộ chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến người dân, mà trực tiếp là các hộ kinh doanh, buôn bán nằm trong khu vực quy hoạch. Nếu quy hoạch không tính toán kỹ thì sẽ ảnh hưởng trước tiên đến các hộ buôn bán, kinh doanh tại khu vực trung tâm.
Xét cho cùng, khi “văn hóa đi bộ” của các đô thị ở Việt Nam còn chưa phổ biến thì việc thận trọng trong quy hoạch là cần thiết, tránh nóng vội để “bằng bạn bằng bè” nhưng lại không trúng vào nhu cầu mà người dân đang cần thì chẳng khác nào các dự án, khu đô thị mọc ra chỉ để “phơi sương”. Do đó, các nhà quy hoạch cần phải đặt nặng vấn đề lợi ích của người dân trước khi tính toán đến các siêu dự án dù vẫn đang nằm trên giấy.