Ngày 15/1, Hội thảo sinh thái và văn hóa Nam Bộ trong văn học Việt Nam diễn ra tại 2 điểm cầu: Đại học Văn Lang (TP HCM) và Viện Văn học (Hà Nội), trực tuyến qua Google Meet.
Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, hội thảo là bằng chứng cho thấy sự nhạy bén của giới nghiên cứu và giảng dạy văn học về những vấn đề cốt yếu liên quan đến phát triển bền vững; cảnh báo và thức tỉnh con người nhằm hướng tới một môi trường tốt đẹp, giàu tính nhân văn.
Dịp này, PGS.TS La Khắc Hòa đã nêu chất liệu từ tác phẩm của 5 nhà văn Nam Bộ gồm Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Trang Thế Hy, và Nguyễn Ngọc Tư để “bàn về văn học từ góc nhìn sinh thái”.
Khẳng định mình chỉ là nhà nghiên cứu văn học chứ không phải nhà nghiên cứu sinh thái, TS La Khắc Hòa đưa ra so sánh rằng trong khi văn chương phía Bắc mà đại biểu là Nguyễn Tuân tả thiên nhiên như những kỳ quan, cảnh quan, thì thiên nhiên trong văn chương Nam Bộ như môi trường cộng sinh của con người.
Cũng dùng văn chương làm chất liệu để gióng lên tiếng nói về môi trường sinh thái, hội thảo còn 2 tham luận đặt cơ sở khảo cứu trên các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Nỗi bất an sinh thái trước sức ép phát triển kinh tế (Qua một số tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư) của ThS Đặng Thị Thái Hà (Viện Văn học).
Một nội dung đáng chú ý, cũng là một cảnh báo đáng quan tâm mà văn học nghệ thuật không thể đứng ngoài cuộc là sự bất đồng về quan niệm sinh thái giữa các nền văn hóa, các hoàn cảnh xã hội dẫn đến cách diễn giải khoa học, cách tiếp cận, xử lý vấn đề thiên nhiên về quản lý xã hội còn nhiều bất cập.
Ở lĩnh vực này, sau khi GS Triệu Bạch Sinh (Đại học Bắc Kinh) trình bày tham luận “Cơ sở lý tính của chủ nghĩa sinh thái” với việc chỉ ra tư tưởng sinh thái của nhân loại đã trải qua 3 thời đoạn: con người tự nhiên, con người môi trường, con người sinh thái.
Tại Hội thảo, GS Huỳnh Như Phương nêu câu hỏi rằng: Trước việc môi trường sinh thái đang khủng hoảng như hiện nay, các nước châu Á chúng ta có nên tham gia vào các thiết chế quốc tế bảo vệ môi trường không? Đây lại cũng là một câu hỏi lớn khó tìm câu trả lời trong khuôn khổ một cuộc hội thảo.
Với những tham luận chất lượng của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, tại hội thảo quốc tế về văn học sinh thái lần này, Ban tổ chức kỳ vọng sẽ là cơ hội để thúc đẩy phát triển của nghiên cứu văn học nói riêng và khoa học xã hội nhân văn nói chung ở Việt Nam.