Một báo cáo của cơ quan tài chính Cifas, Vương quốc Anh cảnh báo trung tâm tài chính London có nguy cơ trở thành trung tâm rửa tiền của thế giới. Đi kèm với đó cơ quan này cũng cho biết tỷ lệ tội phạm rửa tiền là giới trẻ nhất là sinh viên tăng đột biến ở mức kỷ lục.
Dễ bị dẫn dụ
Theo báo cáo của Cifas, các ngân hàng đang cực kỳ lo ngại việc “những người trẻ tuổi đang ngày càng bị bọn tội phạm nhắm đến như những “con mồi” và nhằm tìm kiếm lợi nhuận bất chính thông qua tài khoản ngân hàng của họ. Dữ liệu cho thấy, 62% các trường hợp nghi ngờ, có gian lận tiền được liên quan đến những người dưới 30 tuổi.
“Nhiều người dường như không nhận thức được rủi ro khi nộp đơn đăng ký tại một quảng cáo tuyển dụng để được cung cấp tiền dễ dàng hoặc trả lời một bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội hoặc để ai đó chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của họ và sau đó đi hoán đổi lại”, theo Cifas.
Gần đây nhất, 3 sinh viên đại học trong độ tuổi từ 20 đến 28 đã bị kết án 38 tháng tù giam sau khi họ giúp tội phạm rửa số tiền 64.500 bảng Anh bị đánh cắp trong một vụ lừa đảo từ một phụ nữ ở độ tuổi 80. Tội phạm chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng của sinh viên sau đó được trả lại, nhưng những sinh viên đã phải vào tù.
Trong khi đó, ngân hàng lớn nhất của Anh Lloyds cho biết, họ đã đóng băng 41 triệu bảng tiền mặt trong hơn 41.000 tài khoản bị nghi ngờ có nhiều tiền kể từ năm 2018 và trong 3 tháng qua, cứ 10 người được xác định là lừa tiền thì có 7 người dưới 30 tuổi.
“Các bạn trẻ, nhất là sinh viên, rất dễ bị dẫn dụ liên quan đến hoạt động rửa tiền phi pháp” - truyền thông Anh dẫn lời các quan chức điều tra.
Qua những vụ việc này, các ngân hàng Anh đã phải kêu gọi sinh viên cảnh giác “với bất cứ hành động nào liên quan đến hoạt động tài chính mờ ám”. Đồng thời, cảnh báo sinh viên không bao giờ cho phép một công ty sử dụng tài khoản ngân hàng của họ để chuyển tiền tới.
“Cũng nên tránh tiếp cận các quảng cáo trên mạng xã hội cung cấp kế hoạch làm giàu nhanh chóng và nói chuyện với người mà họ không tin tưởng nếu họ cảm thấy áp lực khi nhận tiền vào tài khoản ngân hàng của mình”.
Lan rộng và nguy hiểm
Một cuộc điều tra do tờ The Independent (Anh) và tổ chức phi chính phủ nghiên cứu về tội phạm có tổ chức và tham nhũng được đăng tải trên tờ Independent mới đây cho hay, các công ty “bình phong” ở Anh đang là trung tâm của cuộc điều tra về hoạt động rửa tiền lớn nhất châu Âu.
Năm 2014, một vụ việc gây chấn động khi 20 tỷ USD được cho là tiền của hoạt động phạm tội và tham nhũng được “hợp pháp hóa” thông qua hoạt động của các công ty. Ít nhất 19 công ty từ Birmingham đến Belize nằm trong diện điều tra của các cơ quan chức năng. Vasile Sarco, một nhân viên điều tra tại Moldova nói với The Independent, “số tiền được chuyển từ Nga và các công ty được thành lập tại Anh là công cụ rửa tiền”. Khi phát hiện “điểm đến” cuối cùng của những đồng “tiền bẩn” ở Anh, ông Vasile Sarco đã liên hệ và đề nghị sự giúp đỡ của cảnh sát Anh.
Theo một báo cáo, các công ty ở Anh đã thực hiện nhiều giao dịch kinh doanh giả mạo. Một trong những hình thức rửa tiền được tội phạm sử dụng là gây ra những rắc rối và đâm đơn kiện nhau. Một thẩm phán tại Moldova cho biết, những quốc gia Đông Âu nhỏ có hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện sẽ luôn bảo vệ các công ty yêu cầu bồi thường.
Tuy nhiên, thay vì chuyển tiền từ các công ty hợp pháp, tiền chủ yếu được chuyển từ Nga, nơi các băng nhóm buôn bán ma túy, mại dâm, buôn người hoạt động khá mạnh. Đầu tiên, số tiền này sẽ được chuyển vào tài khoản các công ty “bình phong” của Anh ở Moldova trước khi được chuyển đến một ngân hàng ở Latvia. Những đồng tiền sau khi “ra” khỏi ngân hàng ở Latvia đã trở thành “tiền sạch”.
Truyền thông Anh cũng vừa đăng tải một điều tra về một nhóm tội phạm có tổ chức, thu gom tiền mặt từ các đầu mối buôn ma túy tại Anh và nhiều nước châu Âu, sau đó thực hiện rửa tiền thông qua mua bán vàng trên thị trường chợ đen đồng thời nhận định: “Tội phạm rửa tiền đang rất nguy hiểm và lan rộng”.