Việc chấn chỉnh hành vi, thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC-VC) đối với người dân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt qua Đề án Văn hóa công vụ. Mới đây, Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh đã có tờ trình Chủ tịch UBND TP về chấn chỉnh hành vi, thái độ ứng xử của CB, CC-VC trong giao tiếp với công dân và thi hành công vụ. Việc này tuy là câu chuyện không mới, thế nhưng lại thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.
Người dân nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh).
Quan tâm là bởi chuyện CB, CC-VC thiếu chuẩn mực trong ứng xử với dân đã được bàn luận ở khắp các quán cà phê, trà đá vỉa hè. Ở đâu người ta cũng nghe dân ta thán về tệ quan liêu, hách dịch với dân. Như cách đây chưa lâu xảy ra vụ Bí thư xã Thành Công (Phổ Yên, Thái Nguyên) lớn tiếng chửi dân là “ngu và bố láo” đã khiến dư luận phản ứng dữ dội. Nhưng chưa dừng ở đó, một Trưởng Công an xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) còn có hành động đánh một người dân phải nhập viện trong lúc làm việc; hay việc một Chánh Thanh tra ở Sở Y tế Kon Tum dùng cuốc bổ vào đầu người dân chỉ vì một va chạm nhỏ;…là những câu chuyện phản ánh những ứng xử thiếu chuẩn mực của một bộ phận CB, CC-VC trong bộ máy hành chính ở không ít địa phương.
Là “công bộc” của dân, đáng ra CB, CC-VC phải nhận thức được hành vi của mình tuân thủ theo các nguyên tắc trách nhiệm và phục vụ phải được đặt trên hết. Hành vi ứng xử lệch chuẩn của một số người đã khiến “một con sâu làm rầu nồi canh”, thể hiện sự thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện, cũng như ý thức, hiểu biết về vai trò, vị trí, chức năng của người CB, CC-VC.
Trước thực tế như vậy, TP HCM là địa phương sớm ý thức vấn đề xây dựng văn hóa công sở, khi triển khai thí điểm từ sớm việc đánh giá sự hài lòng của người dân tại một số đơn vị trên địa bàn TP (Q.9, Tân Phú và huyện Củ Chi). Các thủ tục thí điểm đều thuộc danh mục cải cách hành chính, đối với cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ; đăng ký cấp GCN đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế; các thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYTcho trẻ em; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú. Mặc dù vậy, sơ kết về công tác này, chính lãnh đạo TP HCM cũng thừa nhận là các quận huyện đã làm nhiều năm nay nhưng không thống nhất, mỗi nơi làm một kiểu dẫn đến chưa đạt yêu cầu sự hài lòng của người dân.
Chính vì vậy, trong tờ trình vừa được Sở Nội vụ TP HCM tham mưu cho UBND TP thì yêu cầu bắt buộc đối với CB, CC-VC phải thực hiện “4 xin, 4 luôn” khi tiếp dân. Trong đó, “4 xin” là xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; và “4 luôn” là luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.
Việc CB, CC-VC khi giao tiếp với dân phải tôn trọng, lắng nghe, cầu thị, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân là các quy tắc cần thiết khi xây dựng văn hóa công sở. Kể cả, việc CB, CC-VC khi giao tiếp với dân qua điện thoại cũng phải giữ được các chuẩn mực cơ bản, như xưng tên, chức danh, chức vụ, cơ quan, đơn vị công tác. Bên cạnh đó, cùng với khen thưởng thì các trường hợp vi phạm quy định về văn hóa công vụ cũng cần phải xem xét, xử lý nghiêm khắc theo quy định. Thậm chí, đối với mỗi một CB, CC-VC phải coi các chuẩn mực “4 xin, 4 luôn” như là tiêu chí “nằm lòng” của mình về đạo đức công vụ. Về phía cơ quan quản lý, cũng từ đó mà có căn cứ, cơ sở trong việc bình xét thi đua, đề nghị khen thưởng hàng năm. Không những vậy, mục tiêu cao nhất của xây dựng văn hóa công sở vẫn nhắm đến tiêu chí về sự hài lòng của chính người dân và doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và tổ chức cung cấp dịch vụ công. Nói như Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, thì xây dựng văn hóa công sở nhằm vào mục tiêu cao nhất, là “làm sao để người dân khi bước đến cơ quan hành chính phải cảm thấy vui hơn”.
TP HCM cũng là địa phương đầu tiên của cả nước đang thí điểm cơ chế chi trả lương tăng thêm áp dụng bởi cơ chế đặc thù riêng (Nghị quyết 54 của Quốc hội). Chính vì vậy, việc thực hiện các chuẩn mực văn hóa công sở càng trở nên cấp thiết, song song với các nhiệm vụ về xây dựng đô thị thông minh và đô thị sáng tạo. Từ mô hình của TP HCM, việc tăng lương, phụ cấp cho CB, CC-VC sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương trên cả nước. Thế nhưng, dư luận và người dân kỳ vọng rằng, cùng với các hậu đãi ấy, được trích ra từ chính nguồn thuế/phí hàng năm của người dân và doanh nghiệp, sẽ được ứng xử lại một cách văn minh, chuẩn mực.