Tổng số ca nhiễm Covid-19 trên phạm vi toàn thế giới đã vượt qua con số 25 triệu trong hôm 30/8, trong lúc mà Ấn Độ đánh dấu số ca nhiễm mới virus Corona chủng mới trong ngày cao kỷ lục thế giới.
Cột mốc mới đáng sợ
Dữ liệu mới nhất cho thấy số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tiếp tục xu hướng tăng và có sự chuyển dịch của tâm dịch, trong đó Ấn Độ trở thành nước nhận được sự chú ý nhất, vượt qua cả Mỹ và khu vực Mỹ Latin xét về mức độ tác động của dịch.
Trong hôm Chủ nhật vừa qua, số ca nhiễm mới ở Ấn Độ lên tới 78.761, vượt qua mức kỷ lục mà Mỹ ghi nhận vào giữa tháng 7 là 77.299 ca - theo Reuters.
Sự gia tăng đột biến số ca nhiễm mới ở Ấn Độ đã nâng tổng số ca nhiễm trên toàn cầu lên 25.074.751. Số ca nhiễm Covid-19 chính thức trên toàn cầu giờ cao ít nhất là gấp 5 lần tổng số ca nhiễm bệnh cúm nặng ghi nhận mỗi năm - theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Trên toàn thế giới, hiện có tổng cộng hơn 840.000 ca tử vong vì dịch Covid-19, vượt qua con số ca tử vong trong khoảng 290.000 - 650.000 do bệnh cúm ghi nhận thường niên.
Ấn Độ - nước đông dân thứ hai thế giới, hiện đang là nước thứ ba chỉ sau Mỹ và Brazil xét về tổng số ca nhiễm Covid-19, nhưng nếu tính về tốc độ tăng số ca nhiễm thì lại đứng đầu bảng kể từ giữa tháng 7 đến nay. Bất chấp số ca nhiễm tăng mạnh, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫn thúc đẩy bình thường hóa các hoạt động thường nhật để giảm bớt tác động đối với nền kinh tế.
Mỹ Latin hiện là khu vực có số ca nhiễm cao nhất thế giới, mặc dù một số quốc gia trong khu vực này bắt đầu chứng kiến số ca nhiễm giảm nhẹ. Diễn biến dịch ở Brazil “đã ổn định, nhưng vẫn ở mức độ rất nguy hiểm với gần 1.000 ca tử vong và 40.000 ca nhiễm mỗi ngày”, ông Christovam Barcellos, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Y tế công Fiocruz nói và cho rằng: “Và Brazil vẫn chưa đến đỉnh dịch”.
Ở Mỹ, con số ca nhiễm mới, ca tử vong, tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ xét nghiệm dương tính đều đang giảm, nhưng lại xuất hiện thêm một số điểm nóng dịch ở khu vực Trung Tây. Ngay cả các nước như New Zealand và Hàn Quốc, trước đây đã kiềm chế được dịch, giờ lại phải đối mặt với nhiều ổ dịch mới.
Đeo khẩu trang sẽ là bắt buộc đối với người dân đi bằng phương tiện giao thông công cộng bắt đầu từ ngày 31/8 ở New Zealand. Tại Hàn Quốc, chính quyền cũng đưa ra nhiều biện pháp mới nhằm ngăn chặn đà lây lan của Covid-19 ở một số khu vực thuộc Seoul, vùng đông dân nhất nước này.
Tốc độ gia tăng số ca nhiễm mới của toàn cầu, tuy nhiên, giảm nhẹ. Tốc độ tăng số ca nhiễm trong ngày đã giảm xuống còn khoảng 1,2% trong tháng 8. Để so sánh, tốc độ tăng này là 1,7% trong tháng 7 là 1,8% trong tháng 6 là 2,1% trong tháng 5 là 4,6% trong tháng 4 và 7,7% trong tháng 3.
Giới chuyên gia y tế nhấn mạnh rằng các dữ liệu chính thức gần như chắc chắn là chưa tính đủ các ca nhiễm và tử vong, đặc biệt là ở những quốc gia có khả năng xét nghiệm hạn chế.
Mặc dù đại dịch Covid-19 gây ra thiệt hại còn thua xa so với đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, từng khiến khoảng 500 triệu người nhiễm và ít nhất 10% trong số này tử vong, giới chuyên gia vẫn lo ngại rằng dữ liệu sẵn có không thể phản ánh đúng tầm ảnh hưởng của đại dịch hiện nay.
Châu Âu tuần hành “chống corona”
Bất chấp những con số đáng sợ mới được công bố, vẫn có nhiều cuộc tuần hành diễn ra thường xuyên để phản đối chính quyền áp dụng lệnh phong tỏa và các biện pháp giãn cách xã hội, thường là vì lý do kinh tế. Tuy nhiên, các cuộc tuần hành đôi lúc cũng mang hơi hướng cực đoan, bởi những người reo rắc thuyết âm mưu và làn sóng chống tiêm vaccine.
Hôm 29/8, ở thủ đô Berlin của Đức, khoảng 18.000 người đã tụ tập để tuần hành phản đối các lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn đà lây của Covid-19 nhưng cảnh sát sau đó đã giải tán đám đông bởi rất nhiều người không tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội.
Nhiều người biểu tình giơ cao quốc kỳ Đức và những biểu ngữ phản đối Thủ tướng Angela Merkel thường thấy trong các cuộc tuần hành của đảng Sự thay thế cho nước Đức (AfD). Nhiều người thậm chí còn rêu rao các thuyết âm mưu về vaccine, đeo khẩu trang và mạng 5G.
Các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra ở London (Anh) và Zurich (Thụy Sĩ), nơi mà người biểu tình mang theo những biển hiệu ủng hộ phong trào cực hữu Qanon-bên thường xuyên đưa ra những thuyết âm mưu đáng sợ và quỷ dữ và các âm mưu “nhà nước ngầm” - mà không đưa ra bằng chứng cụ thể.