Không ít nhà bán lẻ ngoại đang tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Mong muốn cạnh tranh sòng phẳng với bán lẻ nước ngoài, các nhà bán lẻ trong nước cũng lên kế hoạch phát triển điểm bán, ứng dụng chuyển đổi số nhằm gia tăng trải nghiệm tốt cho người tiêu dùng.
Bán lẻ nước ngoài đổ bộ
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 4 tháng đầu năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành bán buôn, bán lẻ xếp thứ 4 với tổng số vốn đăng ký đạt gần 372 triệu USD. Trong khi đó, theo Bộ Công thương, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường khoảng 142 tỷ USD. Dự báo, tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP.
Mới đây, Tập đoàn Central Retail Corporation (CRC) - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan công bố khoản đầu tư lớn, trị giá 50 tỷ bath (1,45 tỷ USD) vào Việt Nam. Khoản đầu tư này sẽ triển khai giai đoạn từ 2023-2027, với mục tiêu 600 cửa hàng trong năm 2027. Giám đốc điều hành Yol Phokasub cho biết, CRC coi Việt Nam là một thị trường tiềm năng.
Không chỉ có “ông lớn” bán lẻ CRC lên kế hoạch đầu tư tại thị trường Việt Nam, nhiều nhà bán lẻ ngoại cũng tăng cường rót vốn cho ngành hàng bán lẻ. Trước đó, MM Mega Market cũng mở 3 kho cung ứng mới trong vòng 12 tháng gần đây tại Sa Pa (tháng 5/2022), Bình Thuận (tháng 7/2022), và Thanh Hóa (tháng 3/2023).
Ông Bruno Jousselin - Tổng Giám đốc điều hành của MM Mega Market Việt Nam cho rằng, đơn vị liên tục mở rộng các trạm trung chuyển hàng hóa, kho cung ứng thực phẩm ở các tỉnh. Việc đầu tư này nhằm đang dạng hóa nguồn cung ứng và tăng chất lượng sản phẩm.
Tương tự, Aeon Malls có kế hoạch mở rộng 30 Aeon Malls vào năm 2030, 100 Aeon MaxValu Supermarket tại Hà Nội vào năm 2025 và mở rộng sang thời trang nhanh với thương hiệu My Closet (tháng 9/2022). Ngoài việc mở rộng đầu tư của các hệ thống bán lẻ hiện đại, Cushman & Wakefield Việt Nam ghi nhận, “đợt sóng” mở rộng của ngành thời trang sau một quãng thời gian chậm nhiệt. Điển hình là cửa hàng MUJI thứ 5 (2.000m2) khai trương tại Vincom Mega Mall Thảo Điền (TPHCM) và ít nhất 2 cửa hàng mới đã được lên kế hoạch trong thời gian tới. Trong khi đó, cửa hàng UNIQLO thứ 16 (1.700m2) khai trương tại Thiso Mall vào ngày 30/3. Cửa hàng thứ 17 sẽ được mở tại AEON Mall Tân Phú Celadon (1.600m2). Khảo sát mới đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản Jetro cho thấy, 100% doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng trong năm nay. Trong đó đó, 80% doanh nghiệp (DN) cho biết sẽ mở rộng mạng lưới bán lẻ trong 1 - 2 năm tới.
Bán lẻ Việt không đứng yên
Không đứng yên, các nhà bán lẻ nội cũng ra sức lên kế hoạch phát triển thị trường, nắm bắt xu hướng và kịp thời chuyển đổi số để thích ứng xu hướng tiêu dùng mới. Tới nay ngành bán lẻ Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo hướng phát triển nhanh chóng và hiện đại.
Về phát triển thị trường, WinCommerce dự kiến mở thêm 1.000 cửa hàng và đạt doanh thu cấp cửa hàng tăng 25% năm nay. Đồng thời chuyển hướng sang mô hình nhỏ (cửa hàng đa tiện ích, siêu thị mini) ở cả thành thị và nông thôn. Hiện đơn vị này đang có hơn 3.400 điểm bán trên cả nước. Saigon Co.op là nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam, hiện đang sở hữu nhiều mô hình bán lẻ hiện đại nhất cả nước. Năm 2022, đơn vị dẫn đầu thị trường bán lẻ, chiếm 35,8% thị phần bán lẻ hiện đại khối nội, doanh thu hơn 31.000 tỷ đồng, đón tiếp 1 triệu lượt khách hàng đến tham quan và mua sắm mỗi ngày. Saigon Co.op đã hình thành nên hệ sinh thái đa dạng và phong phú trên nền tảng cốt lõi là phân phối bán lẻ với hơn 800 điểm bán trên 43 tỉnh thành, bao gồm: kết nối các mô hình hợp tác xã, thành lập công ty logistics, xuất nhập khẩu, đầu tư, sản xuất, thương mại điện tử, khai thác và kết nối các vùng nguyên liệu. Tiếp đà phát triển, trong năm 2023, Saigon Co.op đặt doanh số phấn đấu năm 2023 tăng 4% so với cùng kỳ; phát triển 50 - 60 điểm bán mới…
“Mục tiêu đến năm 2025, Saigon Co.op đạt 1.000 điểm bán, tạo trải nghiệm mua sắm mới lạ, hiện đại cho khách hàng” - ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op chia sẻ.
Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), hệ thống phân phối Việt Nam đang chiếm ưu thế so với DN ngoại cả về điểm bán lẫn tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng. DN bán lẻ trong nước chiếm 70 - 80% số điểm bán. WinMart, Co.op Mart, Bách hóa Xanh đang sở hữu hàng nghìn điểm bán.
Bên cạnh việc phát triển điểm bán, các nhà bán lẻ nội đã kịp thời chuyển đổi số để thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới, tạo sự thuận tiện cho khách hàng.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Saigon Co.op đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh và trong chăm sóc khách hàng, qua đó mở rộng kết nối giúp khách hàng có trải nghiệm xuyên suốt trong toàn hệ thống của siêu thị. Đơn vị đặt mục tiêu số 1 về mảng bán lẻ siêu thị bằng việc đẩy mạnh số hóa và thương mại điện tử, tích hợp công nghệ AI nhằm tìm hiểu khách hàng và nâng cao trải nghiệm. Năm 2022, doanh số bán hàng trực tuyến cao hơn kế hoạch đề ra là 3,5%.
Chuyển đổi số không chỉ trực tiếp giúp DN nắm bắt, tăng trải nghiệm của khách hàng trên môi trường số, chuyển đổi số giúp DN tối ưu hóa vận hành, quản lý hệ thống, phát triển nhân sự… từ đó tăng khả năng cạnh tranh của nhà bán lẻ trên thị trường. Theo OVUM - Công ty tư vấn và phân tích độc lập, không có ngành công nghiệp nào trải qua nhiều thay đổi từ chuyển đổi số như ngành bán lẻ. Những chuyển dịch trong thị trường bán lẻ càng quyết liệt hơn và trở thành yếu tố quyết định để một cửa hàng hoặc một DN tồn tại được hay không.