Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục thu hút sự thâm nhập của các tập đoàn bán lẻ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) bán lẻ nội đang nỗ lực triển khai nhiều kế hoạch kinh doanh thể hiện rõ thế chủ động trên sân nhà.
Hấp dẫn nhà đầu tư
Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), khoảng 55% DN Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Trong đó, gần 60% DN quan tâm đến lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ, tiêu dùng. Dự báo, trong 5 - 10 năm tới, Việt Nam là nước đứng đầu tỷ lệ tăng trưởng tầng lớp trung lưu trong khu vực Đông Nam Á.
Ông Mizushima Kozo, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP HCM khẳng định, thành phố có nhiều điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và nhà đầu tư quốc tế nói chung. Đơn cử như, đối với các DN đầu tư cơ sở sản xuất, TP HCM cung cấp nguồn lao động trẻ và dồi dào, mức lương nhìn chung vẫn thấp so với các nước trong khu vực.
“Ngoài ra, TP HCM đang nổi lên trở thành thị trường tiêu thụ hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Với quy mô dân số lớn nhất cả nước, thu nhập bình quân đầu người ở mức cao, tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh mẽ, những yếu tố này đưa TP HCM trở thành một thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng”, ông Mizushima Kozo lý giải thêm.
Nói về thị trường bán lẻ Việt Nam, ông Vivek Kaul - Giám đốc Ngành bán lẻ của CBRE tại châu Á cho rằng, Việt Nam vẫn là thị trường mục tiêu hàng đầu mà các nhà bán lẻ khảo sát để mở rộng hoạt động kinh doanh
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục thu hút sự thâm nhập của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Hoạt động đầu tư góp vốn, mua bán và sáp nhập giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước diễn ra liên tục, làm thay đổi cấu trúc và cục diện của ngành bán lẻ.
Mới tham gia thị trường bán lẻ nhưng đại diện Nova Consumer cũng khẳng định, không tranh giành thị phần với bất kỳ nhà bán lẻ nào bởi dư địa trên thị trường còn rất lớn. Đại diện đơn vị này thống kê, mức tiêu thụ bình quân/người tại Việt Nam còn rất thấp, chỉ bằng 60% một số nước. Trong khi đó, con số này ở các nước phát triển cao gấp 3 - 4 lần. Bên cạnh đó, đại dịch bùng phát cũng thúc đẩy nhanh xu hướng tiêu dùng mới.
Doanh nghiệp Việt giữ vững thị trường
Chia sẻ về kinh doanh trong ngành bán lẻ thời gian gần đây, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon co.op khẳng định, trong năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngành bán lẻ tiếp tục bị tác động mạnh khi giảm đến -3,8% so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ năm 2015, riêng TP HCM giảm đến -21,9%. Phát triển mạng lưới của Saigon Co.op bị ảnh hưởng lớn do dịch…
Tuy đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đơn vị này đặt mục tiêu, mở mới từ 3 - 5 mô hình siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại; mô hình bán lẻ nhỏ 80-100 điểm.
Là một trong những “con chim đầu đàn” của ngành bất động sản, Novaland mới đây vươn dài đôi cánh để đầu tư đa ngành, trong đó phải kể đến mảng bán lẻ. Hiện đơn vị này đã mở 3 cửa hàng Nova Market theo hình thức siêu thị nhỏ bày bán thực phẩm, đồ uống, rau củ tươi sống. Để phát triển thị trường bán lẻ, từ đầu năm đơn vị này công bố hàng loạt thương hiệu F&B. Đây chính là cơ hội lớn cho các nhà bán lẻ hiện đại.
Theo kế hoạch phát triển, ông Nguyễn Thế An, Giám đốc Quan hệ Định chế Tài chính NovaGroup co hay: “Mục tiêu của tập đoàn, năm 2022 mở 300 cửa hàng với nhiều quy mô khác nhau. Đến năm 2025 sẽ phát triển nhanh hơn với 2.000 điểm bán”. Ngoài hai DN trên, nhiều DN bán lẻ Việt Nam đang cố gắng phát triển và mở rông thị trường hiệu quả nhất có thể.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm 2022 của TP HCM ước đạt 266.942,2 tỷ đồng, giảm 4,8% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 161.342,9 tỷ đồng, tăng 4,79% so cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 60,44% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn.