Đánh giá cao tiềm năng phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam, song các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, vẫn có những gam màu tối, sáng riêng.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam từng nhận định, bán lẻ Việt Nam luôn tăng trưởng ở 2 chữ số (hơn 10%), cao hơn tăng trưởng GDP của đất nước từ 1,5 đến 2 lần. Với mức tăng trưởng trên cho thấy, không có nhiều ngành có mức tăng trưởng như thị trường bán lẻ.
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư cũng như bán lẻ trong khu vực. Thị trường liên tục chứng kiến hàng loạt các thương vụ mua bán sáp nhập.
Có thể kể đến như việc Berli Jucker mua lại Metro Cash & Carry Vietnam. Đây là hợp đồng mua bán và sáp nhập lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Sau đó không lâu, Central Group Thái Lan mua lại Nguyễn Kim cùng BigC Vietnam. Lotte Mart (Hàn Quốc) khá thành công với hàng loạt các siêu thị và trung tâm thương mại khắp cả nước. Emart cũng chính thức gia nhập sân chơi tại TPHCM với trung tâm mua sắm trị giá 60 triệu USD. Từ Nhật Bản, Aeon từng bước mở rộng mạng lưới cả nước 5 trung tâm; Takashimaya cũng đã hiện diện tại vị trí đắc địa trung tâm TPHCM.
Đánh giá cao tiềm năng phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam, song các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thị trường bán lẻ vẫn có những gam màu tối với sự cạnh tranh và đào thải khá khắc nghiệt. Thay đổi trong thói quen tiêu dùng, cạnh tranh khốc liệt từ thương mại điện tử,…khiến việc phát triển được một mô hình bán lẻ phù hợp với thị trường mục tiêu trở thành yếu tố quyết định sự thành bại của một thương hiệu.
Trong khi các nhà bán lẻ ngoại bộc lộ một số sai sót trong mô hình kinh doanh thì doanh nghiệp bán lẻ nội đang có những tiến bộ đáng kể. Đơn cử, Saigon Co.op không ngừng mở rộng mạng lưới bán lẻ với 127 siêu thị trên cả nước. Sự lớn mạnh của nhà bán lẻ nội này thể hiện rõ khi cùng một ngày tổ chức khai trương 4 siêu thị. Thậm chí, trong vòng 1 tháng đơn vị này liên tục đưa vào hoạt động thêm 5 siêu thị Co.opmart, 2 cửa hàng thực phẩm Co.op Food, 7 cửa hàng bách hóa hiện đại Co.op Smile, 2 cửa hàng tiện lợi 24/7 Cheers.
Tương tự, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn cũng phát triển mạnh hệ thống bán lẻ. Ngoài trung tâm thương mại, siêu thị, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn còn phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi (Satrafoods), hệ thống cửa hàng ăn uống (Satra F&B). Trong đó, sự phát triển mạnh nhất phải kể đến hệ thống Satrafoods với gần 200 cửa hàng.
Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, có 2 từ dùng để nói về tương lai bán lẻ Việt Nam gồm công nghệ và sáng tạo. Nếu không có công nghệ, không có sáng tạo bán lẻ Việt Nam sẽ không phát triển được trong bối cảnh thế giới hội nhập sâu rộng như hiện nay.
Đề cập đến tính hiệu quả trong phát triển thị trường bán lẻ, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng khẳng định, để nắm bắt được cơ hội thành công, các đơn vị điều hành bán lẻ cần nghiên cứu kỹ, nhận biết rõ hơn xu hướng phát triển của thị trường bán lẻ trong thời gian tới. Theo đó, nên tập trung vào các nhóm ngành ăn uống và giải trí nhằm tăng lưu lượng khách, xu hướng phát triển không gian bán lẻ xanh, việc áp dụng công nghệ,… đồng thời nỗ lực sáng tạo khác nhằm nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng.