Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động toàn diện và sâu sắc làm thay đổi nhiều mặt của đời sống. Lĩnh vực văn hóa cũng nằm trong bối cảnh đó. Để bảo đảm cho sự nghiệp xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững thì chính sách pháp luật văn hóa cần tiếp tục được củng cố, hoàn thiện.
Sức ảnh hưởng mạnh mẽ
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ và làm thay đổi nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội của các nước trên thế giới và Việt Nam. Sự ứng dụng rộng rãi những thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là sự gia tăng của nền kinh tế số, kinh tế sáng tạo, sự “thông minh hóa” quá trình sản xuất, phân phối, tiêu dùng… Tất cả đang thách thức những quan điểm pháp lý truyền thống, đòi hỏi hệ thống pháp luật cần phải có những điều chỉnh tương ứng. Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực văn hóa cũng nằm chung trong bối cảnh đó.
Một trong những lĩnh vực hoạt động phổ biến trong đời sống văn hóa xã hội ở nước ta, có ảnh hưởng mạnh mẽ tới tư tưởng, tình cảm, nhận thức của nhiều cá nhân đó là hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Sự tác động của khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, của quá trình giao lưu văn hóa và hội nhập kinh tế đã đưa nghệ thuật biểu diễn không chỉ trở thành sản phẩm tinh thần đáp ứng nhu cầu của quần chúng mà còn trở thành một bộ phận của kinh tế thị trường phát triển năng động, sáng tạo.
Ông Lê Thanh Liêm - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, cùng với sự tiến bộ đó là những xu hướng mới trong sinh hoạt cộng đồng, gia đình và xã hội, khu dân cư thông minh… dễ làm mất đi bản sắc văn hóa cộng đồng truyền thống. Điều này đặt ra những thách thức về quy định của pháp luật đối với việc bảo tồn di sản văn hoá truyền thống, công tác văn hóa cơ sở, công tác gia đình… đòi hỏi phải được nghiên cứu hiện trạng kinh tế - xã hội và nhu cầu sống, làm việc của người dân, để tạo cơ sở pháp lý phù hợp với sự hỗ trợ ở nhiều cấp độ ứng dụng công nghệ thông minh, nhưng vẫn phải bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống.
Đối với hệ thống pháp luật về văn hóa, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể kể đến một số sản phẩm, dịch vụ văn hóa có xu hướng chuyển dần sang công nghệ số, không gian mạng thách thức các quy định mang tính truyền thống.
“Để làm được điều đó đòi hỏi một hệ thống pháp luật thích hợp, tạo thuận lợi cho việc phát triển và ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền con người, tăng cường hiệu quả của Nhà nước pháp quyền. Vì vậy, một vấn đề luôn được đặt ra ở các diễn đàn về cách mạng công nghiệp 4.0 chính là cần hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam nói chung và hệ thống pháp luật về văn hóa nói riêng để thích ứng với yêu cầu này” - ông Liêm nhấn mạnh.
Hoàn thiện để phù hợp và phát triển
Tại hội thảo "Thực trạng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về văn hóa trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư" diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa cũng đã có những cái nhìn thẳng thắn về thực trạng hệ thống pháp luật còn thiếu và yếu về văn hóa hiện nay. Đồng thời đề ra nhiều giải pháp hoàn thiện pháp luật về văn hóa trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, phải đẩy nhanh tốc độ cơ cấu lại nền kinh tế, ban hành chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thúc đẩy thích nghi, áp dụng các công nghệ mới củng cố nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động để làm chủ các công nghệ mới đã được tiếp thu áp dụng. Cùng với đó khuyến khích, tạo điều kiện để khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuyển đổi số. Đồng thời tăng cường hợp tác đa phương, hợp tác với các quốc gia trong khu vực; nâng cao, cải thiện cơ sở hạ tầng số.
Theo các chuyên gia, để đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phải hướng tới đồng thời hai mục tiêu. Thứ nhất, thúc đẩy kinh tế - xã hội nhanh chóng tiếp cận tới cách mạng công nghiệp 4.0 và thứ hai, hạn chế tối đa các hệ quả mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTTDL cho rằng, hành lang pháp lý cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật phải dần được hoàn thiện phù hợp với đời sống thực tiễn. Chúng ta nhìn thẳng vào thực tế sẽ thấy việc ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 vào nghệ thuật biểu diễn còn nhiều hạn chế. Ứng dụng công nghệ còn có thể giải quyết khó khăn thiết thực trong công tác quản lý biểu diễn nghệ thuật, như vấn đề thương mại điện tử, quyền tác giả và quyền liên quan đối với tác phẩm nghệ thuật hiện nay.
“Điều cấp thiết đặt ra là các chương trình nghệ thuật biểu diễn phải tìm thấy nhiều phương thức khác nhau để tiếp cận, phục vụ công chúng một cách nhanh chóng, phù hợp và hấp dẫn nhất. Muốn vậy, những người làm nghệ thuật phải đổi mới từ tư duy” - ông Dương nói.