Nằm trong khuôn khổ của hoạt động giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia cấp Bộ Tư lệnh năm 2019, ngày 28/8, tại An Giang diễn ra Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện mô hình kết nghĩa giữa cụm dân dư hai bên biên giới Việt Nam - Campuchia và khánh thành Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia.
Khánh thành Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia.
Thực hiện chủ trương của hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Campuchia về xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển; từ năm 2015 đến nay, hai nước Việt Nam và Campuchia đã tổ chức kết nghĩa giữa chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang và nhân dân hai bên biên giới.
Đến nay, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã tổ chức cho 23/98 Đồn Biên phòng của Việt Nam kết nghĩa với 16 Đồn Cảnh sát Bảo vệ biên giới và 4 Tiểu đoàn Bộ đội Biên phòng của Campuchia; đã tham mưu triển khai ở 6/10 tỉnh của Việt Nam kết nghĩa với 6/9 tỉnh biên giới của Campuchia, được 38 cặp cụm dân cư hai bên; qua đó, nhằm tăng cường giao lưu tình cảm láng giềng, hữu nghị, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, cùng nhau bảo vệ đường biên giới chung của hai nước.
Theo ông Dương Văn Hòa, Chủ tịch UBND thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang (Việt Nam), từ khi tổ chức kết nghĩa giữa khóm Xuân Bình, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang (Việt Nam) với ấp Tà Rưng, xã Phnomdel, huyện Kirivong, tỉnh Takeo (Campuchia), hoạt động thăm thân giữa người dân hai bên thêm thuận lợi, mối quan hệ thân tộc và tình nghĩa hàng xóm của nhân dân hai bên biên giới cũng được củng cố, hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa thuận lợi hơn, qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên.
Ông Tiên Sa Rết, Xã trưởng xã Phnomdel, huyện Kirivong, tỉnh Takeo (Vương quốc Campuchia) cho biết, hoạt động kết nghĩa giữa hai nước Việt Nam - Campuchia đã giúp tăng cường, thắt chặt tình cảm, quan hệ đoàn kết, hữu nghị giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, cùng chung sức xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển thịnh vượng.
An Giang là tỉnh có đường biên giới dài gần 100 km, tiếp giáp với hai tỉnh Takeo và Kandal (Vương quốc Campuchia), qua 5 năm thực hiện mô hình kết nghĩa giữa cụm dân dư hai bên biên giới Việt Nam - Campuchia, tỉnh An Giang đã tổ chức kết nghĩa được 5/17 cụm dân cư trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia; các nội dung kết nghĩa được cụ thể hóa, sát với thực tế từng địa bàn và phù hợp với phong tục tập quán của nhân dân hai bên biên giới.
Bênh cạnh đó An Giang còn chủ động phối hợp với các tỉnh Takeo, Kandal phía Vương quốc Campuchia luân phiên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Hội trại giao lưu Hữu nghị thanh niên An Giang và thanh niên tỉnh Takeo, Kandal; Hội chợ thương mại dịch vụ tuyến biên giới, mở rộng giao thương hàng hóa; Tập huấn cho nông dân Campuchia kỹ thuật canh tác nông nghiệp theo công nghệ mới; Cấp học bổng đào tạo đại học cho sinh viên Campuchia... qua đó, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân khu vực biên giới...
Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia (tại khóm Xuân Bình, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đưa vào sử dụng là công trình thể hiện tình hữu nghị, hợp tác giữa Bộ Quốc phòng hai nước cũng như nhân dân các ấp giáp biên giới Việt Nam và Campuchia; góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết, cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển...