Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần huy động các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai các giải pháp phòng chống, ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh tay chân miệng tại địa phương.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, báo cáo giám sát của các địa phương từ đầu năm 2017 đến nay cho thấy, cả nước ghi nhận 43.162 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 20.063 trường hợp nhập viện, không có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện giảm 1,9%.
Tuy nhiên, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng trong các tuần gần đây có chiều hướng tăng và xu hướng sẽ tăng cao trong thời gian tới do đang là mùa dịch và học sinh vào năm học mới.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế vừa ban hành văn bản khẩn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường phòng chống dịch bệnh.
Trong công văn này, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần huy động các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai các giải pháp phòng chống, ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh tay chân miệng tại địa phương.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở y tế tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch lan rộng, kéo dài.
Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, quan tâm các bệnh nhân nặng nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại các bệnh viện và trong các cơ sở điều trị; chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc… cho công tác phòng chống dịch.
Sở giáo dục-đào tạo cần chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng tại trường học, đặc biệt là các trường mẫu giáo, nhà trẻ…
Bộ Y tế cũng đề nghị các trường học ngay từ đầu năm học mới cần thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường, cung cấp đủ nước sạch, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục để tổ chức khám, điều trị, xử lý kịp thời ổ dịch…