Hiện nay nhiều ngư dân có tàu cá vỏ thép do hoạt động không hiệu quả dẫn đến nợ nần, trong đó có ngư dân sản xuất giỏi, đã từng được biểu dương khen thưởng. Đó là ngư dân Phạm Trí Thức, trú xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi.
Nhiều năm trước, ngư dân Phạm Trí Thức là tấm gương điển hình để mọi ngư dân trong tỉnh Quảng Ngãi noi theo học tập. Vì ông Thức là ngư dân kiên cường bám biển, sản xuất giỏi, tạo nhiều công ăn việc làm cho bạn tàu và được tặng nhiều bằng khen, giấy khen từ Trung ương đến địa phương.
Khi ông Thức còn là chủ 3 con tàu vỏ gỗ thì hoạt động khá thuận lợi, với sản lượng đánh bắt hải sản mỗi năm đạt khoảng 150 tấn, mang về thu nhập cao cho gia đình cùng các bạn thuyền, giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho ngư dân. Thế nhưng, giờ đây ông phải lâm cảnh nợ nần, đứng trước nguy cơ mất tàu, thậm chí có thể mất nhà.
Ông Thức cho biết, năm 2014 Nghị định 67 (NĐ67) ra đời, ông đã quyết định bán 3 tàu vỏ gỗ hơn 6 tỷ đồng chuyển sang đóng tàu vỏ thép, vì nghĩ rằng, tàu vỏ thép chắc chắn, hiện đại với nhiều ưu thế sẽ bám biển được dài ngày, an toàn, đánh bắt hiệu quả hơn tàu gỗ.
Đến cuối năm 2016, con tàu vỏ thép QNg 91999 TS, công suất 829CV của ông đã được ra đời. Con tàu trị giá 16,6 tỷ đồng, trong đó ngân hàng cho vay 15,8 tỷ đồng, còn ông Thức đối ứng 800 triệu đồng chưa tính mua trang bị ngư lưới cụ và các thiết bị máy móc cần thiết để đưa con tàu đi vào hoạt động hành nghề lưới rê.
“Tôi đã cầm cố ngôi nhà và bán luôn 3 tàu gỗ để đầu tư đóng con tàu vỏ thép QNg 91999 TS, lắp ráp máy sản xuất nước biển thành nước đá và máy lọc nước biển thành nước ngọt. Tôi hy vọng tàu vỏ thép hiện đại sẽ vươn khơi bám biển được dài ngày, sản lượng đánh bắt hải sản hiệu quả, kiếm nguồn thu nhập cao cho gia đình và trả nợ ngân hàng. Thế nhưng bao kỳ vọng, hoài bão thì giờ tôi rất thất vọng về con tàu vỏ thép. Gia đình tôi không còn gì nữa, ngôi nhà là nơi ở của gia đình cũng sắp bị cơ quan thi hành án đem rao bán đấu giá, tôi lo sợ gia đình mình không còn chỗ ở, trở thành người vô gia cư” - ông Thức nói.
Theo ông Thức, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại, đầu tiên năm 2017 ông và bạn tàu mới làm quen với tàu vỏ thép. Nghĩ thì đơn giản nhưng khi điều khiển con tàu là cả vấn đề. Vì vậy, việc đánh bắt trên biển gặp nhiều khó khăn, thuyền viên lúng túng khi hành nghề trên tàu, trong khi đó hải sản ngày càng cạn kiệt, thời tiết khắc nghiệt, sóng to gió lớn, hiệu quả khai thác không cao, khi có sản phẩm thì đầu ra khó khăn và giá cả thấp, còn nhu yếu phẩm, xăng dầu tăng giá và bao nhiêu thứ khác nữa.
“Tháng 6/2018 tôi bị ngân hàng kiện vì không thể trả được khoản nợ gốc và lãi vay 300 triệu đồng/quý. Để giải quyết số tiền này tôi tiếp tục vay mượn bà con hàng xóm được 300 triệu đồng để trả cho ngân hàng và trở lại biển khơi. Tuy nhiên việc làm ăn cũng không hiệu quả, do tàu liên tục bị sự cố, hải sản đánh bắt ngày càng khó khăn, đến cuối năm 2018, ngân hàng một lần nữa khởi kiện tôi ra tòa vì mất khả năng chi trả” - ông Thức buồn bã nói và cho biết, năm 2018 tàu ông gặp lốc xoáy cuốn bay và hư hỏng 158 tấm lưới và nhiều thiết bị khác, thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.
Ông cứ nghĩ mua bảo hiểm thì sẽ được giải quyết. Thế nhưng bảo hiểm từ chối không chi trả, ông cũng không được vay tiền để có điều kiện sắm ngư lưới cụ mới tiếp tục ra khơi. Năm 2021, con tàu QNg 91999 TS của ông trị giá hơn 16 tỷ đồng đã được ngân hàng bán đấu giá với số tiền gần 2 tỷ đồng vì ông không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng theo hợp đồng”.
Ngư dân Nguyễn Tâm từng là bạn tàu của ông Thức cho rằng: “Chúng tôi thật không ngờ, ông Thức là chủ 3 tàu cá lớn bằng gỗ, nổi tiếng nhất vùng, tạo điều kiện cho anh em làm ăn bao nhiêu năm, giờ đây lâm cảnh khốn khó, nợ nần. Nếu ông Thức vẫn giữ 3 con tàu gỗ khi xưa, tôi chắc chắn ông vẫn là người ăn nên làm ra nhất vùng. Buồn cho ông mà cũng buồn cho chúng tôi không được quần tụ bên nhau để ra khơi bám biển.”
Từ một ngư dân tiêu biểu, mỗi năm đánh bắt trên 150 tấn hải sản, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người đã trắng tay còn lâm cảnh nợ nần, mất luôn phương tiện mưu sinh và có nguy cơ mất nhà.
Xin lấy lời ông Thức để kết thúc bài viết này: “Cả đời tôi kiên cường bám biển, vượt qua bao nhiêu gian khó, nhọc nhằn, không ngờ giờ đây không biết khi nào mới có điều kiện trở lại biển khơi. Nỗi đau quá lớn đối với tôi”.
“Giờ tôi mong muốn các ngành chức năng xem xét, tạo điều kiện để cho gia đình tôi có chỗ ở, giờ mà lấy ngôi nhà của tôi thì không biết sinh sống ở đâu. Ngoài ra, tàu gặp rủi ro thì phải có chính sách gia hạn nợ để tôi có điều kiện, có thời gian vươn khơi đánh bắt trở lại để trả nợ cho ngân hàng, chứ tôi mới có 1 năm đầu tiên mà phía ngân hàng đã thu tàu tôi rồi, việc làm này tôi thấy nghiệt ngã quá”- ông Thức nói.
(Còn nữa)