Tại Quảng Nam, ngư dân Trần Văn Liên, trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, cũng từng là một ngư dân sản xuất giỏi ở địa phương, nhưng hiện tại đang lâm vào tình cảnh nợ nần, kiện tụng kéo dài nhiều năm qua. Và thật trớ trêu khi ông Liên chưa 1 lần nhận được con tàu vỏ thép.
Theo ngư dân Trần Văn Liên, trước đây, ông được hỗ trợ đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 (NĐ67). Để đóng được con tàu này, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Quảng Nam yêu cầu vốn đối ứng nên ông đã bán con tàu vỏ gỗ, cầm cố nhà cửa để làm vốn đối ứng và phía ngân hàng cho ông vay hơn 7,6 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là con tàu vỏ thép hình thành từ vốn vay mang số hiệu QNa 94679 TS và toàn bộ máy móc, trang thiết bị trên tàu. Khi tàu sắp hoàn tất, ông đã cầm sổ đỏ ngôi nhà vay ngân hàng thêm 500 triệu đồng để ký hợp đồng thuê lao động, mua nhu yếu phẩm, ngư lưới cụ chuẩn bị vươn khơi.
Oái oăm thay, khi tàu QNa 94679 TS đóng xong, mới hạ thủy lần đầu để tiến hành chạy thử thì xảy ra sự cố hư hỏng máy nổ, cả 2 công ty đóng tàu và bán máy không giải quyết sự việc này, vì thế từ đó đến nay ông chưa một lần được nhận con tàu để vươn khơi như mình hằng mong ước.
Thế nhưng, việc vay vốn ngân hàng đến hạn phải trả nợ và việc tàu nằm bờ do hư hỏng máy khiến ông không thể ra khơi. Gia đình ông rơi vào tình cảnh khó khăn, nợ nần, mất luôn cả phương tiện mưu sinh.
Do các bên không nhận trách nhiệm nên ông Liên quyết định kiện Công ty CP đóng tàu Bảo Duy và Công ty CP Tập đoàn Liên Á (đơn vị bán máy tàu) ra tòa. Tòa án đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Liên và yêu cầu Công ty Bảo Duy phải bồi thường thiệt hại với số tiền 2,8 tỷ đồng. Nhưng sau khi thua kiện, Công ty Bảo Duy đã có đơn kháng cáo không đồng ý bồi thường và đề nghị Công ty CP Tập đoàn Liên Á phải bồi thường vì cho rằng Công ty Bảo Duy không có lỗi.
“Ngày 30/1/2018, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Quảng Nam đã xử phiên phúc thẩm kết luận chấp nhận kháng cáo của Công ty Bảo Duy, buộc Công ty Liên Á hoàn trả lại cho tôi số tiền hơn 1,5 tỷ đồng và nhận lại hệ thống máy đẩy thủy bị hư hỏng” - ông Liên nói.
Ông Liên cũng cho biết thêm, sau đó, giai đoạn Giám đốc thẩm, TAND tối cao TP Đà Nẵng cũng tuyên y án phúc thẩm. Thế nhưng con tàu vẫn không được lắp máy mới, ông cũng không nhận được tàu. Lúc này ông lại bị Công ty Bảo Duy khởi kiện, TAND huyện Thăng Bình thụ lý ngày 12/7/2018. Theo nội dung đơn kiện, công ty này yêu cầu ông phải thực hiện nghĩa vụ thanh lý hợp đồng hơn 7,5 tỷ đồng, số tiền ứng để khắc phục sự cố là hơn 3,5 tỷ đồng và lãi phạt do chậm thanh toán hơn 360 triệu đồng.
“Nhưng oái oăm là họ thực hiện không đúng hợp đồng thì lấy gì thanh lý hợp đồng. Bởi vì tôi chưa nhận được con tàu. Nếu tôi được nhận tàu, có tàu ra khơi đánh bắt hải sản bán trả nợ cho họ, cho ngân hàng thì đâu đến nỗi, nhưng phía công ty vẫn chưa hoàn thành hợp đồng, chưa hoàn chỉnh con tàu để bàn giao cho tôi mà họ lại đi kiện tôi” - ông Liên than thở.
Đến giờ, tàu thì chưa nhận được mà ông Liên phải vướng vào kiện tụng, mất tàu, mất công ăn việc làm, nợ nần chồng chất?
“Tôi ước mơ một lần cầm lái đưa con tàu vỏ thép vươn khơi ra biển Hoàng Sa, Trường Sa nhưng mơ ước vẫn chỉ là mơ ước. Tôi mong muốn, nếu các bên vẫn quyết định thanh lý tàu thì hãy trả lại số tiền gốc 750 triệu đồng vốn đối ứng, để tôi có tiền đóng tàu khác đi biển” - ông Liên nói
“Sau hơn 3 năm theo đuổi vụ kiện, gia đình tôi từ là một gia đình khá giả ở địa phương, giờ lâm vào tình cảnh nợ nần, phải đi làm thuê kiếm sống thì làm sao có khả năng trả nợ ngân hàng. Ngân hàng họ cũng không tiếp tục hỗ trợ cho tôi vay để xử lý rủi ro theo NĐ67 mà chuyển sang nợ xấu. Vì thế con tàu vỏ thép vẫn nằm bờ nhiều năm qua tại cảng Thọ Quang, TP Đà Nẵng, còn tôi hàng ngày phải đi kiếm việc làm thuê” - ông Liên chia sẻ, đồng thời bày tỏ mong muốn: “Các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo hướng dẫn tạo điều kiện cho tôi tiếp tục được vay vốn để tôi có thể hoàn thành con tàu, có điều kiện vươn khơi bám biển mưu sinh, giải quyết những khó khăn trước mắt. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc, cần có trách nhiệm yêu cầu các công ty đóng tàu, lắp máy hoàn thành con tàu và bàn giao cho tôi”.
Thế nhưng ngân hàng BIDV chi nhánh Quảng Nam lại khẳng định: không cho ngư dân Trần Văn Liên tiếp tục vay vốn, nguyên nhân là do năng lực tài chính, quản lý tàu của ông Liên tiếp theo không đáp ứng được, nên phải thực hiện theo NĐ17, trong đó quy định, quá trình đóng tàu ngư dân không đủ khả năng về tài chính, năng lực hoàn thiện con tàu ra khơi thì phải thanh lý tàu. Việc thanh lý này được thỏa thuận giữa ngân hàng, người đóng tàu, ngư dân. Sau khi thanh lý xong sẽ chuyển sang cho người tiếp theo, được gọi là ngư dân mới và tiếp tục thực hiện NĐ67.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ đúng, sai của các bên liên quan, cần hỗ trợ để ngư dân Trần Văn Liên vươn khơi bám biển.
(Còn nữa)