Chính trị

Số tiền nhận hối lộ trên 5 triệu USD là lớn nhất từ trước đến nay

H.Vũ 23/11/2023 09:59

Chiều 22/11, Ban Nội chính Trung ương tổ chức cuộc họp thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chủ trì buổi họp báo có các ông: Đặng Văn Dũng - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Văn Yên - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương.

anh-bai-trang-31.jpg
Ông Nguyễn Văn Yên - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Việt Thắng.

Kiểm tra, xử lý nhiều tổ chức, cá nhân sai phạm

Thông báo nội dung cuộc họp, ông Đặng Văn Dũng cho biết, ngày 22/11, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến đối với: Kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Kết quả chỉ đạo giám sát, làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tài sản công, định giá, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Từ sau Phiên họp thứ 23 đến nay, Ban Chỉ đạo tiếp tục theo dõi, chỉ đạo 68 vụ án, 45 vụ việc; đã khởi tố mới 12 vụ án/45 bị can, khởi tố bổ sung 238 bị can trong 23 vụ án; kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung 20 vụ án/369 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 15 vụ án/252 bị can; xét xử sơ thẩm 13 vụ án/194 bị cáo; xét xử phúc thẩm 13 vụ án/82 bị cáo. Từ sau Phiên họp 24 đến nay, đã khởi tố mới 3 vụ án/9 bị can, khởi tố bổ sung 95 bị can trong 12 vụ án; kết luận điều tra 7 vụ án/174 bị can, kết luận điều tra bổ sung 3 vụ án/21 bị can; truy tố 5 vụ án/71 bị can; xét xử sơ thẩm 2 vụ án/38 bị cáo; xét xử phúc thẩm 5 vụ án/11 bị cáo.

Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; các vụ việc nổi cộm, có nhiều dư luận, liên quan đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kê khai tài sản, thu nhập. Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành 9 cuộc kiểm tra đối với các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; chỉ đạo kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 76 tổ chức đảng liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC. Đến nay, đã hoàn thành 3 cuộc kiểm tra. Qua kiểm tra, đã xử lý kỷ luật đối với 26 tổ chức đảng, 57 đảng viên, trong đó có 7 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (gồm: 3 nguyên Bí thư Tỉnh uỷ; 4 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh).

Từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã chuyển 480 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đến các cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu, phấn đấu từ nay đến hết năm 2023 kết thúc xác minh, xử lý 10 vụ việc; ban hành cáo trạng truy tố 5 vụ án; xét xử sơ thẩm 7 vụ án, xét xử phúc thẩm 3 vụ án. Nhất là, phấn đấu ban hành cáo trạng truy tố đối với 2 vụ án: (1) Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan; (2) Vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan. Đưa ra xét xử sơ thẩm 4 vụ án trọng điểm: (1) Vụ án xảy ra tại Học viện Quân y Bộ Quốc phòng (liên quan đến hợp tác, nghiên cứu sản xuất kit test Covid-19 với Công ty Việt Á); (2) Vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương và các đơn vị, địa phương có liên quan; (3) Vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; (4) Vụ án xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op).

Đánh giá đúng tính chất, mức độ, bản chất sai phạm

Trả lời báo chí về việc nhận hối lộ tại các đoàn thanh tra, kiểm tra tại ngân hàng SCB, ông Nguyễn Văn Yên cho biết: Các đoàn thanh tra, kiểm tra là những đoàn đại diện của các cơ quan có chức năng phát hiện và xử lý sai phạm. Đặc biệt, thanh tra còn có chức năng chuyên trách chống tham nhũng, tiêu cực. Tất cả các đoàn thanh tra, kiểm tra đến giờ này theo phản ánh của kết luận điều tra thì dù ít dù nhiều có nhận tiền, quà; đặc biệt trưởng đoàn thanh tra nhận trên 5 triệu USD.

Theo ông Yên, quá trình điều tra để kết luận điều tra, vụ án đã được Ban Chỉ đạo theo dõi sát sao chặt chẽ, có hệ thống. Đặc biệt Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Viện, Kiểm sát, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao phối hợp rất chặt chẽ trong lãnh đạo chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương, nghiên cứu đánh giá phân tích đúng tính chất, mức độ, bản chất sai phạm.

Những trường hợp sai phạm và nhận tiền lớn đã gây hậu quả, đặc biệt đã bị khởi tố, đề nghị truy tố. Một số đối tượng còn lại cân nhắc tính chất mức độ, nguyên nhân hoàn cảnh bối cảnh nhận tiền. Số tiền nhỏ, không có động cơ, nhận tiền vào lễ tết. Nếu quy vào nhận hối lộ phải căn cứ vào đặc trưng và cấu thành của hành vi đưa hối lộ. Giữa đưa và nhận phải có cam kết thoả thuận làm cái gì đó để có lợi cho bên đưa, hoặc phải đem lại lợi ích cho bên đưa.

Trường hợp vi phạm trong đoàn kiểm tra đã được “cân lên đặt xuống”, phân tích đánh giá kỹ lưỡng. Có một số đối tượng rơi vào tình cảnh không có thoả thuận, không có cam kết, không có đòi hỏi, nhận tiền với số lượng ít vào dịp lễ tết, bồi dưỡng nhận quà. Căn cứ vào chính sách hình sự, chủ trương của Đảng, chính sách nhân đạo giữa công - tội, bối cảnh thì một số trường hợp này không xử lý về mặt hình sự, nhưng xử lý nghiêm bằng hình thức khác là kỷ luật Đảng và hành chính. Đây là hình thức xử lý thấu tình đạt lý. “Đến thời điểm này có thể khẳng định số tiền nhận hối lộ trên 5 triệu USD là lớn nhất từ trước đến nay” - ông Yên nói.

Đối với vụ án Vạn Thịnh Phát có xử vắng mặt đối với các đối tượng đã truy nã, bỏ trốn hay không? ông Yên cho hay: Chủ trương xử lý cán bộ bỏ trốn truy nã đã được Ban Chỉ đạo chỉ đạo nhất quán. Đối với đối tượng là người Việt, quốc tịch Việt Nam có đủ căn cứ chứng minh phạm tội, đủ căn cứ đưa ra xét xử thì tiếp tục xét xử vắng mặt. Đây là chủ trương thống nhất, không chỉ vụ án này mà nhất quán với bất cứ đối tượng nào.

Trả lời về việc nhiều đối tượng hiện đang truy nã, từ chủ trương của Đảng vậy các cơ quan chức năng xây dựng cơ chế để xử lý như thế nào? ông Yên cho biết, đây là chủ trương lớn. Để ban hành cơ chế quy định chính sách xử lý đối với diện đối tượng này phải có thời gian. Các cơ quan chức năng đang rất tích cực, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đôn đốc phối hợp, cơ chế này đang được nghiên cứu tổng kết đánh giá, có thể rút ra được cơ chế như là án lệ để sau này có các vụ tương tự thì có thể xét xử.

Về chủ trương phân hóa xử lý đối với các đối tượng trong vụ án FLC như thế nào? ông Yên cho hay: Chủ trương phân hóa đối tượng để xử lý trong các vụ án mà Ban Chỉ đạo theo dõi chỉ đạo đã được hình thành trong nhiều vụ án. Nổi bật là chủ trương phân hoá đối tượng xử lý trong các vụ án liên quan đến kit xét nghiệm của công ty Việt Á thì Ban Chỉ đạo đã có chủ trương. Hiện vụ án xảy ra tại lĩnh vực đăng kiểm, Ban Chỉ đạo tiếp tục thống nhất và giao cho các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương nghiên cứu để tham mưu ban hành và giao cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì việc ban hành. Trên cơ sở đó, hướng dẫn tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng trong toàn quốc áp dụng thống nhất dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo và các cấp ủy, tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo cơ quan này, để bảo đảm chủ trương phân hoá được áp dụng đúng, không bị lợi dụng, làm sai để bỏ lọt đối tượng.

“Sẽ xem xét phân hoá đối tượng, nếu như không có động cơ tham nhũng, tiêu cực trong vụ án, không có động cơ, mục đích thúc đẩy để hành vi phạm tội tiếp tục xảy ra và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ được nghiên cứu để phân hóa. Ví như người làm công hưởng lương lệ thuộc, phụ thuộc hoàn toàn vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của thủ trưởng. Có trường hợp khi thực hiện hành vi phạm tội nhưng ở thời điểm đó không biết hành vi của mình là vi phạm, rồi trường hợp chủ động khắc phục hậu quả, tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong phát hiện điều tra xử lý, hoặc lập công lớn thì các trường hợp này đã được quy định trong chính sách hình sự” - ông Yên cho hay.

Thời gian tới sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm 4 vụ án trọng điểm: (1) Vụ án xảy ra tại Học viện Quân y Bộ Quốc phòng (liên quan đến hợp tác, nghiên cứu sản xuất kit test Covid-19 với Công ty Việt Á); (2) Vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương và các đơn vị, địa phương có liên quan; (3) Vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; (4) Vụ án xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op).
Đồng thời ban hành cáo trạng truy tố đối với 2 vụ án: (1) Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan; (2) Vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoản BOS và các công ty có liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Số tiền nhận hối lộ trên 5 triệu USD là lớn nhất từ trước đến nay