Ở Việt Nam, tỷ lệ thừa cân và béo phì đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua - từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020 và trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện trên thế giới có 6,5 triệu người béo phì cần điều trị, số tiền điều trị cho béo phì rất lớn. Tỷ lệ tử vong liên quan tới béo phì gấp 2 lần tỷ lệ tử vong của ung thư vú và đại trực tràng cộng lại. Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt ở khu vực thành phố. Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% (năm 2010) lên 19% (năm 2020).
Thống kê của Bộ Y tế, riêng năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Trước đó, Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng đã công bố tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TPHCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.
TS. BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, bệnh béo phì làm cơ thể mất cân đối, nặng nề, chậm chạp, đi lại khó khăn, trẻ dễ mắc bệnh trầm cảm, tự ti, khó hòa nhập cộng đồng... Người béo phì thường đi kèm với cholesterol cao, gây xơ hóa lòng mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Ở người béo phì tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi nuôi cơ thể và lâu dài gây quá tải cho tim, do đó người béo phì dễ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, các bệnh về đường tiêu hóa. Người béo phì thường bị rối loạn nhịp thở, ngáy, khó thở khi gắng sức, ngừng thở khi ngủ, béo phì càng nặng rối loạn nhịp thở càng nhiều. Người thừa cân, béo phì dễ bị thoái hóa khớp, loãng xương, cong xương đùi, đau nhức triền miên do trọng lượng cơ thể gây áp lực lên xương khớp, dễ mắc bệnh gút....
Theo GS. TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nguyên nhân chính gây béo phì tại Việt Nam là do đời sống của người dân tăng lên, mức sống bắt đầu tiếp cận với các nước phát triển. Các thực phẩm giàu năng lượng, đồ ăn nhanh đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên bàn ăn. Trong khi đó, thức ăn có lợi cho sức khỏe như rau xanh, hoa quả lại bị thiếu, được thay bằng gà rán, các loại thức ăn nhanh, nước ngọt... những thức ăn này là nguyên nhân gây thừa cân, béo phì.
Các bác sĩ khuyến cáo, điều trị các bệnh lý thừa cân, béo phì là một điều trị đa chuyên khoa: Dinh dưỡng, hoạt động thể lực, điều trị thuốc giảm cân, phẫu thuật, tư vấn điều trị tâm lý. Với những bệnh nhân trẻ tuổi cần điều trị sớm để không ảnh hưởng đến chế độ vận động và sức khỏe sinh sản sau này.
Còn đối với trẻ nhỏ, chuyên gia y tế cho biết những trẻ chủ yếu nuôi bằng sữa mẹ, bú sữa mẹ ít có nguy cơ béo phì hơn sữa bò. Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, nên tạo cho trẻ thói quen ăn rau từ nhỏ, không cho trẻ ăn quả ngọt, uống nước ngọt... Đối với trẻ lớn giáo dục cho trẻ lối sống lành mạnh, ăn uống hợp lý, năng vận động, luyện tập thể dục, thể thao. Thường xuyên theo dõi cân nặng và chiều cao của trẻ để có thể can thiệp kịp thời, tránh béo phì.