Các chuyên gia của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đồng tình với đề xuất bỏ cơ chế nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
“Thủ phạm” gây khan hiếm nguồn cung vàng
Thời gian qua, các cơ chế, chính sách về quản lý, phát triển thị trường vàng trong nước được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm, không ngừng bổ sung và hoàn thiện. Trong đó có Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2014. Qua đó, thị trường vàng cơ bản có sự phát triển ổn định, có những đóng góp hết sức hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư.
Theo đánh giá của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà, Nghị định 24 đã giúp thị trường vàng miếng được sắp xếp lại căn bản, trật tự, kỷ cương. Nhiều thời điểm giá vàng biến động phức tạp nhưng hoạt động của thị trường vẫn tương đối ổn định so với giai đoạn trước, không gây áp lực sang thị trường ngoại tệ chính thức như trước đây. Một phần nguồn lực vàng trong dân đã được chuyển hóa để phát triển kinh tế.
Cùng với đó, thị trường vàng trang sức mỹ nghệ được sắp xếp, sàng lọc lại, chỉ còn các DN làm ăn chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu chặt chẽ về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN sản xuất với mô hình công nghệ hiện đại, năng lực sản xuất tiếp cận thị trường quốc tế.
Bộ Công thương cũng nhận định, hiện nay, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ đã có nhiều phát triển, đóng góp nhiều đối với kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, vướng mắc, tồn tại của thị trường vàng miếng hiện nay là chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC so với các loại vàng khác. DN kinh doanh vàng mua vào vàng miếng SJC ở mức cao và cũng bán vàng miếng SJC ở mức cao, hưởng chênh lệch mua – bán, không hưởng lợi từ việc chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và quốc tế.
Với thị trường vàng, từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường, nên vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các loại vàng trang sức mỹ nghệ này còn được đem xuất khẩu. Ngoài ra, do nguồn cung bị giảm, giá vàng thế giới tăng cao, các DN phải dự trữ vàng do không biết giá vàng thế giới biến động như thế nào. Việc mua nguyên liệu giá cao thì sẽ phải bán với giá cao hơn. Nói cách khác, độc quyền vàng miếng SJC được coi là “thủ phạm” gây ra khan hiếm nguồn cung, dẫn tới chênh lệch giá vàng kéo dài, tạo bất ổn thị trường vàng. Giải pháp giải quyết vấn đề này là cho phép các DN được nhập khẩu vàng nguyên vật liệu để sản xuất vàng trang sức, đồng thời xóa bỏ cơ chế độc quyền vàng.
Ở góc độ DN, ông Nguyễn Đức Anh - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải cho rằng, nếu bỏ độc quyền vàng, đầu tiên là tạo cơ hội cho các DN có đủ điều kiện theo các quy định của Nhà nước có thể nhập khẩu vàng về để tập trung sản xuất trang sức. Khi đó sẽ giúp cho các DN yên tâm hơn trong việc đầu tư sản xuất trang sức, mỹ nghệ phục vụ khách hàng.
"Với việc tiếp cận nguồn nguyên liệu thì DN cũng sẽ an toàn hơn, tránh được các rủi ro pháp lý khi mua nguyên liệu từ các nguồn trôi nổi" - ông Đức Anh nhận định.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng lại cho rằng, không phải DN nào cũng có thể được Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng, mà phải đáp ứng được các điều kiện nhà quản lý đặt ra.
Giá vàng sẽ hạ nhiệt?
Định hướng giải pháp quản lý thị trường vàng, ông Hà cho hay, về cơ chế sản xuất vàng miếng, trên cơ sở phân tích ý kiến của các bộ, ngành, đại biểu Quốc hội và một số chuyên gia, xem xét điều chỉnh phương án sản xuất vàng miếng theo hướng bỏ cơ chế nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số DN đáp ứng đủ điều kiện. Đồng thời với phương án này, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.
Về vấn đề này, theo ông Lực, khi bỏ độc quyền vàng miếng SJC, giá vàng trong nước sẽ về sát với thế giới hơn. Bởi hiện nay, nhu cầu đầu cơ vàng đã giảm hơn trước rất nhiều, cơ bản chủ yếu là tích trữ, tích cóp và thừa kế.
“Do đó, tăng cung thì cung cầu về vàng cân bằng hơn, đương nhiên giá vàng sẽ giảm xuống, sẽ được điều tiết rất đáng kể và sát hơn so với quốc tế" - ông Lực nhận định và lưu ý cần phải quan tâm hơn nữa việc kiểm soát được buôn bán lậu và buôn bán, kinh doanh vàng giả.
Giới chuyên gia cho rằng, nếu có nhiều sản phẩm khác, thị trường phong phú hơn thì chắc chắn giá vàng SJC sẽ giảm, dù còn cao hơn giá vàng thế giới nhưng mức chênh lệch ở tỷ lệ vừa phải. Khi đó, người tiêu dùng có lợi, thị trường sẽ ổn định hơn.
Phân tích kỹ hơn, TS Võ Trí Thành cho rằng, câu chuyện về thị trường vàng liên quan đến 3 yếu tố: Chính sách tiền tệ, cán cân thanh toán quốc tế và quyền sở hữu, giao dịch bình thường của thị trường vàng. Đối với chính sách tiền tệ, vàng hóa theo nghĩa là phương tiện thanh toán đã giảm rất mạnh, nên có thể bỏ được quy định nhà nước độc quyền vàng miếng. Cùng với đó có thể cho kinh doanh vàng.
Tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chiều 28/3, do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, nhiều ý kiến đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Theo ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, nếu bỏ độc quyền vàng miếng SJC ngay lập tức sẽ có những tác động nhất định tới thị trường vàng Việt Nam; giá vàng miếng có thể giảm ngay vài triệu đồng/lượng; thị trường sẽ bình ổn hơn.