Theo ghi nhận, trong 23 trường đại học (ĐH) công lập được giao thí điểm tự chủ, ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội là trường đầu tiên không có cơ quan chủ quản. Đại diện nhà trường chia sẻ, với cơ chế không có cơ quan chủ quản, trường được chủ động nhiều hơn và ít phải báo cáo hơn.
Tự chủ ĐH tạo ra động lực tự thân của từng trường, trong đó có tự chủ về tuyển sinh. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Ở thời điểm hiện tại câu chuyện về tự chủ ĐH đang được quan tâm hơn bao giờ hết, thì nhiều băn khoăn cũng đang được đặt ra: Nếu không sớm tháo gỡ những nút thắt, thì tự chủ ĐH tuy là chủ trương lớn và được nhiều kỳ vọng nhằm tạo ra sự đổi thay ở bậc đào tạo này, nhưng thực tế triển khai rất ì ạch, chẳng khác nào chuyện “bình mới rượu cũ”.
Sớm gỡ cơ chế ràng buộc
Đơn cử như trường hợp Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, theo lãnh đạo nhà trường, quá trình thoát ly cơ quan chủ quản xuất phát từ việc bị đặt trong tình thế không thể khác. Bởi năm 2015 Tập đoàn Dệt may Việt Nam cổ phần hóa. Theo luật, khi đó Tập đoàn không thể là cơ quan chủ quản của một trường ĐH công lập được nữa. Do đó, trường được Thủ tướng cho phép thí điểm trở thành trường ĐH công lập đầu tiên không có cơ quan chủ quản.
Chia sẻ với báo chí, ông Hoàng Xuân Hiệp- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ở cơ chế không có cơ quan chủ quan thì hoạt động chủ động hơn. Mọi việc chỉ cần thông qua Hội đồng trường và trong Hội đồng trường đó đã có ý kiến của đại diện cơ quan quản lý tham gia, trường xử lý rất nhanh, không phải báo cáo qua nhiều cấp. Từ năm 2015 bỏ cơ quan chủ quản, quyền tự chủ nâng lên, trường tự chủ mở rộng ngành đào tạo cũng như ký kết hợp đồng với doanh nghiệp.
Dẫu thế, hiện trong quá trình chủ quản, nhà trường cũng vẫn còn vướng nhiều cái khó. Không phải cho đến bây giờ, sau câu chuyện ồn ào của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, những nút thắt trong tự chủ ĐH mới được nhắc tới, mà từ nhiều năm trước đó, trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội đã đề cập tới vấn đề này.
Theo đó, Nghị quyết 77 của Chính phủ cho phép 14 trường ĐH - CĐ được tự chủ thí điểm trong giai đoạn 2014 - 2017. Trong số 14 trường được giao thí điểm, ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội được Chính phủ cho thí điểm luôn cơ chế bỏ bộ chủ quản, tức là không trực thuộc bộ, ngành nào. Khi ấy, đây là trường duy nhất tại Việt Nam được thực hiện cơ chế này.
Ông Hiệp nhiều lần phân tích, tự chủ, bỏ bộ chủ quản là một mô hình mới nhưng vẫn được thực hiện trong quy chế, luật cũ. Cụ thể, có 3 vấn đề liên quan đến tự chủ: đầu tư, nhân lực, tài chính. Nhưng nhân lực bổ nhiệm, trả lương vẫn nằm trong quy định, luật hiện hành. Đầu tư cũng chưa được tự chủ. Học phí thu vẫn theo khung quy định của nhà nước… Do đó, nếu tăng quyền tự chủ cho các trường ĐH, phải sớm gỡ tất cả các cơ chế đang ràng buộc này. Nếu không quy định rõ, không trường nào dám làm…
Cần rà soát tổng thể
Tự chủ ĐH tạo ra động lực tự thân của từng trường, tạo ra sự năng động giữa các trường, tránh sự trì trệ. Đồng thời, tự chủ ĐH cũng khiến trách nhiệm của các trường cao hơn, tự lo lắng những điều trước đây Nhà nước phải bao cấp. Nhưng để tự chủ hoàn toàn thì vai trò của các Hội đồng trường cần được nâng cao hơn nữa, không thể mãi “bù nhìn” như ở nhiều trường hiện nay. Đó là khẳng định của GS.TS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐHCĐ Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT.
Lấy ví dụ về trường ĐH Tôn Đức Thắng, GS.TS Trần Hồng Quân cho rằng trước đây Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) giao quyền tự chủ cho trường rất sớm và trên thực tế trường đã làm được. Đó là điển hình rất tốt để nhân rộng đến các mô hình khác. Đánh giá cao mô hình này, GS Quân cho rằng hiện có một số vấn đề giữa nhà trường với cơ quan chủ quản cần được giải quyết sớm để ổn định tổ chức và nhân sự, tiếp tục phát triển.
Chia sẻ quan điểm này, ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT cho rằng, cần hiểu đúng về việc thoát ly cơ quan chủ quản. Không thể có trường nào đứng lơ lửng không có cơ quan chủ quản, bởi vì nó là trường nhà nước. Trường công thuộc sở hữu Nhà nước do nhà nước quản lý, thì Nhà nước phải được cụ thể bằng cơ quan nào, không thể chung chung. Tự chủ là xóa bỏ cơ chế, chứ không phải xóa bỏ tổ chức để thực hiện chuyện đó. Tức là, cơ quản chủ quản vẫn tồn tại nhưng quản lý trường thông qua hội đồng trường.
Đẩy mạnh tự chủ ĐH là xu hướng tất yếu đã được khẳng định không chỉ của riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới. Trong đó, đối với 23 trường ĐH đã thực hiện thí điểm tự chủ, cần một cuộc rà soát tổng thể nhìn nhận lại vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, hội đồng trường và hiệu trưởng đã được quy định rất rõ trong Luật Giáo dục ĐH và các văn bản liên quan, nhưng trên thực tế đã phát huy đến đâu.
Từ câu chuyện Hội đồng trường chưa có thực quyền, chưa phát huy hết vai trò của mình, GS Quân nhận định đó là vấn đề mang tính phổ biến diễn ra ở nhiều trường không riêng gì ĐH Tôn Đức Thắng. Khi có chuyện xảy ra, Hội đồng trường tự mình co lại, trở lại thói quen quản lý cũ, chấp nhận hoàn toàn giảm quyền lực của Hội đồng trường đi, xét về bản chất đó là giảm quyền tự chủ. Vì vậy, cần phải thay đổi, tìm ra phương thức hợp lý nhất để nâng cao vai trò của Hội đồng trường.
Đẩy mạnh giám sát
Tại những nước phát triển, tự chủ ĐH được coi là thuộc tính, quyền tự nhiên của các trường. Ở Việt Nam, mô hình ĐH tự chủ được bắt đầu với sự thành lập của ĐH Quốc gia Hà Nội (năm 1993) và ĐH Quốc gia TP HCM (năm 1995). Hiện hai trường này hoạt động theo cơ chế không có cơ quan chủ quản. Như đã nói ở trên, trong 23 ĐH công lập được giao thí điểm tự chủ, ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội là trường đầu tiên không có cơ quan chủ quản. Cơ chế không có cơ quan chủ quản, theo giải thích của Bộ GDĐT là chuyển thẩm quyền quyết định các vấn đề về quản lý, điều hành trường ĐH của cơ quan chủ quản cho Hội đồng trường, trừ việc thành lập Hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường. Theo đó, các ĐH không có Bộ chủ quản sẽ tự chủ và tự chịu trách nhiệm các vấn đề về tổ chức bộ máy, nhân sự; đào tạo; hợp tác quốc tế; tài chính...
Mới đây, Chính phủ vừa có nghị quyết đồng ý cho phép thí điểm mở rộng quyền tự chủ của 3 trường ĐH. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GDĐT xây dựng cơ chế thí điểm mở rộng quyền tự chủ cho 3 trường ĐH là ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP HCM và ĐH Bách khoa Hà Nội. Các trường này sẽ được mở rộng quyền tự chủ trong quản lý tài chính, tài sản và sử dụng tài sản công, giấy phép cho lao động nước ngoài, kéo dài tuổi hưu của Chủ tịch Hội đồng trường...
Tất nhiên, đó là chủ trương, những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện cho thấy rõ những bất cập cần sớm được tháo gỡ. Theo GS.TS Trần Đức Viên -Chủ tịch Hội đồng trường - Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Việc lùm xùm hiện nay giữa TLĐLĐVN với Trường ĐH Tôn Đức Thắng là một dịp tốt để Ban soạn thảo Nghị định qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2018 chỉnh sửa, bổ sung thêm những điều cần thiết trước khi xin ý kiến rộng rãi và ban hành chính thức. Muốn vậy, Nghị định phải bám sát tinh thần của Nghị quyết TƯ 6-NQ/TƯ, Nghị quyết TƯ 19- NQ/TƯ, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi và Quyết định 105 của Ban Chấp hành Trung ương.
Khi kết lại loạt bài này, chúng tôi muốn lưu ý là không phải cho tới bây giờ, mà từ nhiều năm trước, khi trò chuyện về vấn đề tự chủ ĐH, GS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khi ấy đã phân tích rằng: Chủ trương tự chủ tiến tới bỏ bộ chủ quản là một chủ trương đúng đắn. Nhưng bỏ bộ chủ quản không có nghĩa là buông lỏng quản lý mà giao quyền bộ chủ quản đó cho chủ thể khác là Hội đồng trường. Vì vẫn giữ cơ chế một người làm, một người giám sát kiểm tra. Vậy thì vai trò của Bộ GDĐT trong việc tự chủ ở đâu? Theo GS Đào Trọng Thi, Bộ phải ban hành được văn bản quản lý. Hay nói cách khác ban hành hệ thống hành lang pháp lý. Bộ trở thành cơ quan giám sát kiểm tra việc thực hiện hành lang pháp lý đó. Nếu trường vi phạm thì sẽ bị xử lý.