Hiện vẫn còn tình trạng chậm, muộn trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) của người nộp thuế, gây bức xúc trong dư luận. Bộ Tài chính mới đây đã yêu cầu ngành thuế cần khẩn trương thực hiện việc hoàn thuế GTGT.
Hoàn thuế điện tử đạt 99%
Tổng cục Thuế cho biết, trong thời gian vừa qua, Tổng cục Thuế đã triển khai hoàn thuế điện tử đạt 99% với gần 80% số hồ sơ hoàn thuế GTGT thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau được cơ quan thuế giải quyết hoàn nhanh chóng trong vòng 6 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị hoàn của người nộp thuế (NNT).
Để đẩy nhanh hơn nữa việc hoàn thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế khẩn trương có trách nhiệm bố trí đầy đủ nguồn lực, đôn đốc các đơn vị trực thuộc khẩn trương hoàn thành việc kiểm tra hoàn thuế đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế đã tiếp nhận từ NNT và được phân loại thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau, đảm bảo giải quyết hồ sơ hoàn thuế của NNT đúng thời hạn quy định, đúng đối tượng và trường hợp được hoàn thuế theo quy định của pháp luật thuế và pháp luật quản lý thuế.
Đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT đã kiểm tra, xác định số thuế đủ điều kiện hoàn thì khẩn trương ban hành quyết định hoàn thuế cho DN, đảm bảo đúng thời hạn quy định. Đối với các hồ sơ hoàn thuế GTGT đang có vướng mắc, phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp (DN), cần tổ chức đối thoại ngay với hiệp hội, DN trong thời gian từ ngày 29/5 đến ngày 2/6/2023 để làm rõ vướng mắc, có hướng dẫn xử lý.
Nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cũng cho biết doanh thu xuất khẩu của DN luôn cao hơn doanh thu nội địa, nên tháng nào DN cũng làm thủ tục hoàn thuế GTGT. DN nhận hóa đơn điện tử của đối tác, thực hiện bảng kê hoàn thuế; nhưng khi thực hiện hoàn thuế, bên xuất hóa đơn có sửa đổi, hủy hóa đơn nhưng không báo cho người mua nên rất khó khăn cho DN. Từ thực tế này, DN kiến nghị cần có quy định cụ thể về những trường hợp này, để các DN sử dụng hóa đơn hoàn thuế thuận lợi, đúng quy định.
Chậm hàng nghìn tỷ đồng tiền hoàn thuế
Theo chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập, các thị trường chính của ngành gỗ đang bị giảm sút là Mỹ và châu Âu. Còn các sản phẩm trung gian của ngành gỗ, như ván, dăm, viên nén đang có thị trường rất tốt, tập trung chủ yếu ở thị trường Đông Bắc Á (chủ yếu là đồ nội thất) và Trung Bắc Á.
Nhưng các DN xuất khẩu sang thị trường này đang bị hoàn thuế chậm. "Chúng tôi mong muốn Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành gỗ để khai thông vấn đề hoàn thuế GTGT của DN sử dụng nguồn gỗ rừng trồng trong nước"- ông Lập kiến nghị.
Theo ước tính của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, lượng thuế GTGT của các DN sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã lên tới con số 2.000 tỷ đồng, với hàng trăm DN hiện chưa được hoàn thuế. Điều này dẫn đến thực trạng một số DN phải dừng xuất khẩu; một số DN hoạt động cầm chừng. Nếu tình trạng chậm hoàn thuế GTGT tiếp tục kéo dài, nhiều DN sẽ phải đóng cửa. Kéo theo hàng triệu hộ gia đình trồng rừng sẽ bị ảnh hưởng.
Còn theo Hiệp hội sắn Việt Nam, số thuế GTGT của ngành sắn chưa được hoàn khoảng 1.000 tỷ đồng và có thể là cao hơn nữa trong thời gian tới nếu không được tháo gỡ chính sách liên quan đến hoàn thuế.
Cơ quan thuế cho biết, trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế, đối với các hồ sơ cần thực hiện xác minh, đơn vị này chủ yếu xác minh đến DN trung gian bán hàng trực tiếp cho DN hoàn thuế (DN F1).
Cụ thể như sau: Trong 548 hồ sơ cơ quan thuế thực hiện xác minh các DN trung gian, có 490 hồ sơ xác minh đến DN trung gian F1 (chiếm tỷ lệ 89,4% trên tổng số hồ sơ thực hiện xác minh), 45 hồ sơ xác minh đến DN trung gian F2 (8,2%), 03 hồ sơ xác minh đến DN trung gian F3 (0,55%), 05 hồ sơ xác minh đến DN trung gian F4 (0,95%), 05 hồ sơ xác minh đến DN trung gian cuối cùng, tức người dân, hộ trồng rừng (chiếm tỷ lệ 0,9% tổng số hồ sơ thực hiện xác minh).
Qua công tác xác minh, Tổng cục Thuế cho biết, đã phát hiện 264 DN trung gian bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an. “Qua rà soát thông tin dữ liệu tổng thể của cả ngành Thuế đối với các DN kinh doanh mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ thì có đến 7.609 DN bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động. Đáng chú ý, có 24 DN nằm trong vụ án đã khởi tố, điều tra về tội mua bán hóa đơn bất hợp pháp trong thời gian qua” – Tổng cục Thuế cho biết.
Trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ của 9 DN trực tiếp đề nghị hoàn thuế GTGT mặt hàng gỗ và sản phẩm làm từ gỗ, dăm gỗ, viên nén gỗ sang cơ quan công an để phối hợp điều tra, xác minh (không kể các DN trung gian bán hàng cho DN hoàn thuế nêu trên). Nguyên nhân do DN có dấu hiệu sử dụng hoá đơn khống để hoàn thuế, DN mua hàng của DN có rủi ro cao về thuế.