Đề án nghiên cứu quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh thương mại điện tử đang được Tổng cục Thuế hoàn thiện và trình Bộ Tài chính lấy ý kiến.
Theo Dự thảo đề án, cá nhân bán hàng qua Facebook sẽ phải đăng ký kinh doanh với Bộ Công Thương, cơ quan quản lý hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) để làm căn cứ kê khai, nộp thuế. Cơ chế đăng ký qua mạng cụ thể sẽ do 3 bộ Tài chính, Khoa học - Công nghệ, Thông tin và Truyền thông trao đổi, thống nhất.
Phía Tổng cục Thuế cũng chia sẻ thông tin, Đề án sẽ bổ sung các quy định pháp lý để làm căn cứ quản lý, giám sát và thu thuế hoạt động kinh doanh qua mạng đối với cá nhân, doanh nghiệp.
Năm 2017 ngành thuế xác định lập lại kỷ cương trong toàn ngành. Theo đó, nhiều giải pháp đã được ngành đưa ra nhằm siết chặt quản lý thu, đáng chú ý là việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật hay giải pháp về vấn đề chống chuyển giá và chống thất thu thuế.
Đặt trong bối cảnh xu hướng bán hàng qua mạng, kinh doanh trên mạng xã hội Facebook ngày càng mạnh, nếu cơ quan thuế tìm được phương pháp thu thuế ở mảng “vô tiền khoáng hậu” này, nguồn thu hàng năm sẽ tăng.
Tổng cục Thuế cũng cho biết cơ quan thuế sẽ phối hợp với ngành ngân hàng, công thương, thông tin truyền thông để đưa ra chính sách phù hợp với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng từng chia sẻ, hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh bằng hình thức nào đều phải nộp thuế, tương tự cá nhân kinh doanh có thu nhập trên 100 triệu đồng đã phải nộp thuế.
Bản chất kinh doanh qua Facebook cũng là phương tiện kinh doanh. Song cũng cần thừa nhận rằng, kinh doanh trên Facebook là hình thức mới, nên ngành thuế cần đẩy mạnh tuyên truyền, để người nộp thuế tuân thủ đúng pháp luật và sau đó mới tính đến thanh, kiểm tra.
Các tiến bộ hiện đại trong công nghệ thông tin đã tạo ra nhiều loại hình kinh doanh có quy mô lớn và hoạt động kinh doanh trên một khoảng cách xa hơn so với mô hình kinh doanh truyền thống. Và kinh doanh trên mạng xã hội đang là một xu hướng.
Nếu như các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đều đã đăng ký và có nộp thuế thì nhiều cá nhân chưa tự giác. Nguyên nhân là do, toàn bộ quá trình kinh doanh diễn ra thông qua thiết bị điện tử kết nối internet nên nhiều chủ tài khoản mạng xã hội dễ dàng ẩn danh hoặc nặc danh để giao dịch. Việc bán hàng cũng không nhất thiết phải cần cửa hàng, cửa hiệu nên quản lý thuế với những đối tượng này rất khó.
Lãnh đạo Cục Thuế TP HCM thừa nhận, hoạt động bán hàng qua facebook hầu như chưa thu được thuế. Vì vậy Sở Công thương TP HCM cho rằng, nên cần có sự phối hợp của các ban ngành làm việc với Facebook để có cơ chế hỗ trợ trong việc kiểm soát nguồn thu.
Được biết, kế hoạch cụ thể về việc thu thuế có thể sẽ được TP HCM cho triển khai ngay trong tháng này. Nếu sớm áp dụng, TP HCM sẽ là địa phương đi tiên phong trong thu thuế kinh doanh qua Facebook.
Giới chuyên gia cho rằng, người kinh doanh trên Facebook cũng phải thực hiện các trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT theo quy định của pháp luật như cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin gồm tên, địa chỉ, số điện thoại của người bán, mã số thuế cá nhân (nếu có)… cho chủ sàn giao dịch TMĐT khi đăng ký sử dụng dịch vụ; Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định khi bán hàng hóa; Đảm bảo tính chính xác, trung thực về thông tin của hàng hóa, dịch vụ…
Từ việc đăng ký hợp pháp đó của người kinh doanh trên Facebook, thì cơ quan thuế sẽ tiến hành thu thuế theo quy định trong Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng cần ban hành các văn bản chế tài cụ thể đối với người vi phạm.