Đời sống thực chúng ta thở bằng không khí, trên mạng thì thở bằng nội dung”, câu ví von này của Bộ trưởng Bộ Thông tin -Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khái quát một mảng đời sống của ngày hôm nay, rằng người ta nhiều khi chỉ chăm chăm“nuôi”mạng bằng việc post ảnh cho độc đáo, đăng một cái tin mới hơn người khác. Tới mức khi nhìn thấy một tai nạn, thay vì giúp người bị nạn, người ta chỉ nghĩ đến chụp ảnh, livestream vụ tai nạn để post lên trang cá nhân trên mạng xã hội.
Cũng Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề cập đến một cuộc chuyển dịch vĩ đại: chuyển dịch từ không gian thực vào không gian ảo. Nhắc đến nhận định về cuộc chuyển dịch này để hiểu đang có một sự thật là chúng ta đang dần dần từ bỏ đời sống thực để sống trong một không gian ảo, tuy rằng cũng đầy đủ hỉ nộ ái ố, nhưng dù có phát triển đến đâu, thế giới ấy nhiều khi không thay thế được những việc chúng ta cần phải làm trong đời sống thực, như là việc hít thở không khí để sống vậy.
Sống trên không gian ảo, tức là quen với khái niệm “chém gió”, tức là đôi khi ảo tưởng vào những “like” và “comment” và tưởng rằng mọi việc đều có thể giải quyết bằng vài ba cái “tút” trên mạng, lâu dần thành ra đôi khi “quên” cả việc đời sống cần những hành động cụ thể. Sống ảo mãi dần dần thành ra đôi khi bất nhẫn, thành ra vô cảm với cuộc đời. Chuyện này chúng ta đã nói nhiều trong những năm qua. Chả khó để đưa ra vô vàn ví dụ. Như là thấy đám đánh nhau thì chụp ảnh, quay clip, livestream… thay cho việc can ngăn. Đã xuất hiện nhiều clip với cảnh cực kỳ đau đớn như là học sinh đánh bạn, các bạn khác đứng xung quanh chụp ảnh, quay phim và chỉ trỏ bình phẩm. Một sự vô cảm đến rùng mình. Đã xuất hiện những clip nhìn thấy người bị tai nạn không giúp người mà thản nhiên giơ điện thoại ra chụp ảnh, quay clip như là một trò tiêu khiển…
Thực ra, đến giờ này thì mạng xã hội với đời thực cũng không còn mấy khoảng cách nữa rồi. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mạng xã hội trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống”. Cũng như đời thực, mỗi tài khoản cá nhân về bản chất như là thứ thể hiện cá nhân mỗi con người, người ta phải có trách nhiệm với phát ngôn và hành vi của mình. Nhưng cũng đừng vì thế mà lại cho rằng chỉ cần đạo đức bằng tuyên ngôn trên mạng là đủ. Ở trên mạng người ta có quyền tô vẽ cho mình những chân dung tuyệt tác, nhưng sự thật chỉ có một, rằng sự tử tế hay đạo đức phải được chứng minh bằng hành vi, hành động cụ thể. Cuộc đời cần việc giúp người bị nạn dựng lại cái xe, băng bó vết thương, gọi xe cấp cứu chứ cuộc đời không cần clip hay livestream về một vụ tai nạn kinh hoàng.
Nói điều này lại phải xem lại thái độ của chúng ta. Tất cả những người tham gia mạng xã hội đang có quan điểm thế nào, chúng ta có like, có xem, có chia sẻ những hình ảnh trực tiếp hoặc clip về một đám cháy, một đám đánh nhau hay một tai nạn giao thông hay không? Khi chúng ta còn đang làm những việc ấy là mặc nhiên cổ vũ cho những hành vi sống ảo, dẫn đến vô cảm với đời thực…
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từng có một câu nói nổi tiếng “Người là thật phải thật với người”. Mỗi chúng ta hôm nay đều vẫn đang là những con người thật bằng xương bằng thịt, cho nên chúng ta cần những hành vi, hành động, những đối xử thuộc về con người cụ thể trong đời thực. Mặc dù không thể phủ nhận rằng đến một lúc nào đó trí tuệ nhân tạo sẽ phát triển tới một mức độ khủng khiếp. Nhưng cũng không phải vì thế mà con người trở thành những kẻ vô cảm, lạnh lùng với chính thế giới thực của con người.
Đúng là có đôi khi chúng ta có thể cảm thấy rằng ở trên mạng xã hội chúng ta cũng tìm thấy niềm vui, hạnh phúc. Nhưng không ai có thể nói rằng chỉ ở trên mạng là đầy đủ cho một cuộc sống tốt đẹp. Chúng ta vẫn phải hít thở không khí và đối diện với một đời sống thực. Ở đó cần những yêu thương thực, cần sự giúp đỡ những người gặp nạn một cách rất thực. Nhìn thấy một người bị ngã thay vì rút điện thoại ra livestream, chụp ảnh hãy chìa ra một bàn tay, không điện thoại, không nghĩ đến like và comment, bởi vì đó mới đích thực là hành vi của con người với con người.
Với tốc độ phát triển không ngừng, sức mạnh ảo mà thật của cộng đồng mạng xã hội cũng như những tác động của nó tới đời sống thực là không thể phủ nhận. Đặc biệt, với một lượng lớn những người trẻ tuổi tham gia tương tác trên mạng xã hội khi tâm sinh lý vẫn chưa ổn định, chưa đủ kiến thức xã hội và bản lĩnh vững vàng thì việc chạy theo những ảo tưởng trên mạng là có thật. Sự chuyển dịch vĩ đại của đời sống, từ cuộc đời thực vào không gian ảo, đáng tiếc thay đang lấy đi của chúng ta những hành vi và cảm xúc con người. Cuộc sống thật đang cần chúng ta nhận ra điều ấy, để điều chỉnh nhận thức và hành vi.