Xã hội

Sống thực hay sống ảo?

NGỌC HÀ 26/05/2024 07:24

Gần đây, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ liên quan tới việc chụp ảnh, quay clip, livestream các hoạt động nhảy múa, tập thể dục thể thao hay đơn giản là check-in “sống ảo” liên tục xảy ra. Việc bất chấp an toàn giao thông để câu like, câu view tiếp tục là câu chuyện được đặt ra khi con người đang sống gần như không thể thiếu mạng xã hội mỗi ngày.

thay-anh-chinh-trang-6.jpg
Nhóm yoga đứng giữa đường chụp ảnh với bằng lăng tím ở Thái Bình.

Bất chấp tính mạng để “sống ảo”

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và các thiết bị di động thông minh, vấn nạn “sống ảo” giữa đường phố đang trở thành một hiện tượng đáng báo động.

Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao việc các tài khoản trên mạng xã hội đăng tải hình ảnh về một nhóm người trải thảm giữa đường tập yoga hay trèo lên nóc xe ô tô chụp ảnh biểu diễn động tác yoga với hoa bằng lăng tím…

Cụ thể, đó là một nhóm gồm 14 người phụ nữ ở Thái Bình tập yoga với các tư thế nằm, ngồi trên đường giao thông để chụp ảnh.

Vụ việc trên chưa kịp lắng xuống thì tiếp tục xuất hiện hình ảnh nhóm 5 phụ nữ cùng nhau đứng trước đầu ô tô con và nhảy nhót. Sự việc diễn ra ở một tuyến đường trong Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Các phương tiện tham gia giao thông thời điểm đó đã buộc phải di chuyển chậm để tránh chiếc xe đang dừng đỗ và nhóm người trên.

Cùng thời điểm, trên mạng xã hội lan truyền vụ việc Phạm Đức Hải (hay “Hải Idol”) đã xúi giục một số đối tượng cùng thực hiện hành vi sử dụng ô tô đỗ giữa đường và di chuyển dàn hàng ngang để chụp ảnh. Các đối tượng dừng xe chụp ảnh, trong đó có cô dâu chú rể và những người cùng đoàn. Nhiều tài xế di chuyển qua tuyến đường này bức xúc vì các đối tượng dừng đỗ xe chắn hết lối đi, gây ảnh hưởng tới những người tham gia giao thông khác.

Theo Nghị định 100/2019 quy định: Cá nhân tập trung trên 5 người trái phép, nằm, ngồi trên đường bộ gây cản trở giao thông sẽ bị phạt tiền 100.000 - 200.000 đồng. Với hành vi dừng, đỗ xe trên phần đường xe chạy sẽ bị phạt 400.000 - 600.000 đồng. Nếu hành vi vi phạm gây ra tai nạn giao thông thì sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 - 4 tháng. Sau khi phát hiện các sự việc trên, cơ quan chức năng đã lập biên bản xử phạt cá nhân, nhóm cá nhân theo quy định.

Tuy nhiên vấn đề vẫn cần phải bàn luận ở chỗ hành vi sống ảo giữa đường thể hiện sự thiếu văn hóa, thiếu ý thức của một bộ phận người dân, coi thường pháp luật, bất chấp quyền lợi của người khác để thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Những trường hợp này cho thấy đây là một trào lưu độc hại lan truyền trên mạng xã hội, bất chấp nguy hiểm của bản thân lẫn những người xung quanh chỉ để “câu view”, “câu like”.

Nhiều ý kiến cho rằng, động lực xuất phát từ việc “đói” nội dung để đăng lên các nền tảng kiếm tiền từ lượt xem; hoặc đơn giản hơn là do “nghiện sống ảo” đã khiến một bộ phận người dân bất chấp để có được một hình ảnh, clip theo ý muốn.

Từ thực tế, qua việc nhà tu hành Thích Minh Tuệ trong thời gian vừa qua có thể thấy rõ nhiều người chỉ đang lợi dụng đám đông để trục lợi cho cuộc “sống ảo” của mình. Khi trước đó trong các chuyến "chân trần xuyên Việt" của Thích Minh Tuệ không gây ra bất kỳ sự ồn ào cho đến khi “được” các YouTuber, TikToker và Facebooker rầm rập bám theo quay chụp. Không khó để bắt gặp trong các clip cảnh xô đẩy, tranh chỗ đứng gần ông để chụp ảnh, quay phim, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự…

Trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều tài khoản mang tên Thích Minh Tuệ, lan truyền những nội dung chưa xác thực. Hình ảnh của ông cũng bị lợi dụng để xuyên tạc về đời sống tu hành của nhiều tăng ni, phật tử khác.

Suy cho cùng, sự đeo bám bám, đu “trend” với mục đích cuối cùng chính là để thỏa mãn sự quan tâm của nhiều người trên mạng xã hội. Thế giới ảo mở ra nơi để con người trao đổi thông tin nhưng từ đó cũng khiến con người bị cuốn theo những trò giải trí thoáng qua.

song-2-.jpg
Tạo dáng bên xe ô tô đỗ ven đường để chụp ảnh.

Hệ lụy cho thế hệ trẻ

Mặc dù ở thời buổi internet phủ sóng toàn cầu, việc sống ảo không có gì đáng trách, thậm chí nhiều người xem đây là công việc, vì họ phải duy trì độ hot của tên tuổi, thu hút sự chú ý từ dư luận.

Tuy nhiên, sống ảo bất chấp an toàn của bản thân và người khác, không tuân theo những quy định, cảnh báo từ đơn vị quản lý của công trình, địa phương là vô cùng đáng trách, cần xử lý để đảm bảo sự văn minh cho xã hội.

Nếu không xử nghiêm vi phạm, xem nhẹ công tác giáo dục đạo đức, lối sống, thiếu định hướng trong sử dụng mạng xã hội của một bộ phận cư dân, sẽ là một hệ lụy lớn cho xã hội.

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 77 triệu người dùng mạng xã hội, trung bình mỗi ngày sử dụng internet khoảng 7 giờ, với nhiều hoạt động giải trí, kết nối xã hội, mua sắm, kinh doanh... Đây là con số đáng giật mình...

Và quan trọng hơn thực trạng sống ảo đang ảnh hưởng rất nhiều đến thế hệ trẻ. Những nội dung, hành vi đi ngược lại văn hóa thuần phong mĩ tục, thậm chí vi phạm pháp luật nếu lặp đi lặp lại với các bạn trẻ - những người coi mạng xã hội là một phần không thể thiếu trong đời sống sẽ có thể khiến họ cảm thấy quen thuộc, lâu dần sẽ coi đó là hiển nhiên và làm theo.

Trên thực tế, để có được những bức ảnh nhằm “câu like” trên mạng xã hội, nhiều người trẻ không ngại tạo dáng ở những tư thế vô cùng nguy hiểm, thậm chí chỉ một chút sơ sẩy, họ hoàn toàn có thể phải đánh đổi bằng cả mạng sống của mình.

Một thống kê cho thấy 379 người trên thế giới đã mất mạng do chụp ảnh tự sướng từ năm 2008 đến năm 2021, thậm chí số nạn nhân bị thương còn cao hơn. Số người này chủ yếu ở nhóm người trẻ tuổi, đặc biệt là nam giới.

Không ít trường hợp tai nạn dẫn đến tử vong đã được ghi nhận khi nạn nhân cố gắng tìm đến những vị trí cao như ban công, nóc nhà... để chụp ảnh và vô tình trượt chân dẫn đến tử vong. Tại Việt Nam cũng đã xảy ra những vụ tai nạn do mải mê chọn cảnh chọn góc để chụp ảnh “check-in” sống ảo.

Mới đây, trào lưu "tụm 3 tụm 7" qua đường theo nhạc đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ.

Trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip nhóm nhỏ gồm 5 trẻ em nhảy trên nền nhạc khi qua đường tại nút giao thông cầu Rồng, Đà Nẵng.

Mặc dù các em đi đúng làn đường quy định nhưng việc mải mê nhảy nhót có thể khiến các em mất tập trung, không quan sát kỹ các phương tiện đang lưu thông, đặc biệt là xe ưu tiên. Đây là hành vi rất đáng lo ngại khi ngay cả trẻ em cũng bị cuốn vào trào lưu nguy hiểm này.

Theo các chuyên gia, với các bạn trẻ lứa tuổi thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội khi chưa đủ kỹ năng, kiến thức, “bộ lọc”, khó cưỡng lại sự hấp dẫn của mạng xã hội, thì việc không kiểm soát thời gian sử dụng mạng xã hội sẽ trở thành vấn nạn, và dễ dàng bị mạng xã hội điều khiển hành vi.

TS Bùi Phương Thảo - Chuyên gia tâm lý, giảng viên Trường ĐH Thủy Lợi Hà Nội phân tích, trên thực tế có không ít những Facebooker, TikToker… bất chấp tất cả để làm ra những clip có nội dung xấu, miễn có thể câu like, câu view được tốt nhất. Họ ứng dụng những quy luật tâm lý của con người vào việc thu hút sự chú ý của đám đông. Có 3 quy luật họ thường sử dụng là: xóa bỏ, bóp méo và khái quát hóa.

“Để giúp thế hệ trẻ nhìn nhận sự việc một cách tỉnh táo thì chính các bạn trẻ cần biết tư duy phê phán, hay nói cách khác đó là tư duy phản biện.

Chúng ta không nên chạy theo trend, mà hãy tỉnh táo tư duy xem vấn đề đó có đáng để like, share hay không. Để làm được điều này thì việc cốt yếu là phải tăng nhận thức, tăng tư duy phản biện cho người trẻ.

Chúng ta cũng cần dạy các bạn trẻ tư duy độc lập để không bị ảnh hưởng quá lớn bởi tư duy của đám đông. Chúng ta không thể chỉ phòng, chống, quét để loại bỏ những video xấu đó, bởi quét cái này họ sẽ tạo ra cái khác.

Vì vậy để có thể làm tốt hơn là tạo dựng nhiều hơn nữa những clip có tính giáo dục sâu sắc, lan truyền nhiều hơn nữa những điều tốt đẹp trên mạng xã hội. Quan trọng là tạo ra những video vừa bổ ích lại vừa thú vị hấp dẫn với giới trẻ”, bà Thảo đưa lời khuyên.

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, chúng ta không thể phủ nhận sức hút của mạng xã hội và sự cám dỗ của việc sống ảo. Tuy nhiên, mỗi người cần phải ý thức được ranh giới giữa cuộc sống ảo và thực tại. Đừng để những giây phút sống ảo nhất thời trở thành mối nguy hại khôn lường đối với chính bản thân và cộng đồng. Và hơn hết đừng để sống ảo lấy mất cuộc sống thực của thế hệ mai sau.

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP Hà Nội): Kiên quyết xử lý tình trạng câu view, câu like trên các nền tảng mạng xã hội
Hệ thống pháp luật nước ta hiện nay cũng đã quy định chế tài xử phạt liên quan đến các vấn đề phát tán thông tin nhằm câu view "bẩn", bất chấp đạo đức, pháp luật. Luật An ninh mạng cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang cộng đồng, thiệt hại xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Trên thực tế, hiện chế tài các quy định, nghị định xử phạt đã có, song, một phần do sự buông lỏng quản lý, chưa thanh tra, kiểm soát quyết liệt dẫn đến tình trạng này ngày một gia tăng, nhiều đối tượng bất chấp pháp luật.
Do đó, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật với các chế tài cụ thể, tăng cường vai trò từ phía cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt trong việc giám sát chặt chẽ với các nội dung liên quan để xử lý, chấn chỉnh kịp thời. Việc kiên quyết xử lý tình trạng câu view, câu like trên các nền tảng mạng xã hội sẽ góp phần tạo một không gian mạng lành mạnh, an toàn. Bên cạnh vai trò, trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng, các bậc cha mẹ cũng cần phải theo dõi quan sát các con khi sử dụng mạng xã hội; cân nhắc trước khi đăng tải các thông tin trên mạng xã hội.
Để tránh vi phạm pháp luật, người dân khi đăng tải trên mạng xã hội cần hết sức lưu ý thông tin chính thống đã được kiểm chứng đúng sự thật, phù hợp với những quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Tránh việc đăng tải với mục đích câu view, câu like, tăng tương tác, lượt theo dõi trên các mạng xã hội để trục lợi, bôi nhọ, làm xấu hình ảnh người khác.

PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội): Xây dựng chiến lược an toàn trên không gian mạng
Mạng xã hội như Facebook, TikTok quy định rõ độ tuổi của người sử dụng là người từ đủ 13 tuổi trở lên, nhưng những người dưới tuổi này cũng đã tham gia. Nguy hiểm hơn khi có những người đăng bài viết hay làm clip với nội dung không chuẩn mực rồi lan truyền, làm cho một bộ phận giới trẻ nhận thức sai lệch về các vấn đề trong đời sống. Ngay cả người lớn vì nhu cầu thư giãn cũng dễ nghiện mạng xã hội, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng công việc trong cuộc sống thực. Vì thế, cần phải có những hình thức để quản lý cả về thời gian, độ tuổi...
Đặc biệt, chúng ta cần phải có những chiến lược an toàn trên không gian mạng, nhất là để bảo vệ toàn diện trẻ em, tương tác an toàn, lành mạnh trên không gian mạng. Đề án bảo vệ trẻ em trên không gian mạng do Bộ TTTT đứng chủ trì làm điều phối kết hợp liên bộ. Bộ LĐTBXH cần phải xây dựng các chính sách để bảo vệ trẻ an toàn trên không gian mạng. Bộ GDĐT nâng cao năng lực số cho các em. Bộ Công an phải phát hiện những hiện tượng tiêu cực, những kẻ cầm đầu để xử lý sớm và nhanh. Bên cạnh đó, Bộ TTTT cần tăng cường công tác truyền thông, xây dựng các bộ tài liệu, các app, các ứng dụng tích cực để tạo một mặt trận lòng tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống thực hay sống ảo?