Trận lũ lụt lịch sử chưa dứt, Bão số 9 đã cận kề. Người dân vùng “tâm lũ” Hà Tĩnh, Quảng Bình lại tất bật kê dọn đồ đạc để ứng phó với bão chồng lũ. Kiên cường đứng lên trong gian khó, nhưng người vùng lũ miền Trung cũng rất cần được hỗ trợ, được trang bị kiến thức, kỹ năng để sống chung với lũ.
Nhà chỉ cách sông Họ chưa đầy chục mét, nước lũ dâng lên nhanh hơn cả triều dâng, nhìn thảm cảnh nước lũ nhấn chìm toàn bộ đồ đạc trong nhà, 3 mẹ con chị Hà Thị Hiền (49 tuổi, tổ 12, thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chỉ biết ôm nhau khóc. Lũ rút, mẹ con chị vớt từng chiếc quần, áo, chăn, màn, nồi niêu, quạt điện…lên rũ bớt bùn, giặt giũ đem đi phơi.
Lo cái ăn cho những ngày tới
Tất cả đồ đạc trong nhà vẫn còn ngổn ngang, hai đứa con chị lặng lẽ gạt nước mắt giúp mẹ dọn dẹp, sắp xếp. Còn chị Hiền, nghe ai gọi đi nhận hàng cứu trợ, chị phải tranh thủ đến nhận để chuẩn bị cái ăn cho những ngày sắp tới vì bồ gạo trong nhà đã lấm bùn không thể ăn được nữa. “Có gạo ăn rồi, tôi phải lo kiếm tiền cho con đi học, mua thuốc cho chồng bị viêm gan B. Sau lũ, Công ty Gạch ngói Cầu Họ nơi tôi làm chưa đi hoạt động trở lại. Giờ phải dọn dẹp, chịu khó tằn tiện sống qua ngày. Còn ngôi nhà cũ nát chưa biết khi nào mới sửa sang được” - chị Hiền nói.
Phía ngoài thị trấn Cẩm Xuyên là xã Cẩm Vịnh, người dân nơi đây đang tất tả kê, nâng tài sản vừa mới ráo bùn lên để chuẩn bị ứng phó với bão số 8, số 9. Suốt từ sáng 26/10, ông Biện Văn Minh (thôn Ngụ Quế, xã Cẩm Vịnh) cùng vợ đóng hơn 5 tạ lúa vừa mới phơi hong được ít nắng vào bao tải để kê lên cao đề phòng lũ, bão làm ướt.
Trận lũ vừa rồi đã nhấn chìm 1,5 tấn lúa của hai vợ chồng ông Minh, mới phơi trau được hơn 1 nửa, ông bà sợ ướt nên kê lên, còn lại vẫn để dưới nhà vì không còn chỗ cất, lúa lại mọc mầm hết. “Đợt vừa rồi tôi kê lên bằng mức lũ năm 2010 nhưng vẫn bị ướt hết, giờ bão lại sắp vào không biết nước đến đâu nữa” - ông Minh băn khoăn.
Trận lũ vừa qua khiến 19 xã, thị của Cẩm Xuyên bị ngập lụt, 13.339 hộ dân với 43.028 người bị ảnh hưởng. Nhà cửa, đồ dùng, vật dụng, lương thực, gia súc, gia cầm thiệt hại rất lớn, ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Toàn tỉnh Hà Tĩnh có 6 người chết, 42.456 hộ dân với 151.288 người bị ảnh hưởng, thiệt hại về tài sản cực kỳ nhiều, chưa thể đo đếm hết. Đáng nói, số người chết này đều gặp những tai nạn mang tính chủ quan của người dân như đi đánh cá bị lật thuyền, đi qua đập tràn bị lũ cuốn trôi hoặc bị ngã khi leo lên tầng 2 để tránh lũ…
Với người dân vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ như Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh, lũ lụt ít khi xảy ra. Hầu hết người dân thiếu kỹ năng sống chung với lũ như ở các huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn…của tỉnh Hà Tĩnh.
Thấy “động” là chuyển ngay lên nhà vượt lũ
Từ xưa đến nay, “rốn lũ” Hương Khê (Hà Tĩnh) hứng chịu không biết bao nhiêu trận lũ lớn, nhỏ. Vốn quen với lũ, chấp nhận sống chung với lũ nên người dân nơi đây có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng để đối phó với “Hà Bá”.
Sống chênh vênh bên sông Ngàn Sâu, mỗi năm, gia đình chị Đặng Thị Hiền (xóm 1, xã Hà Linh) chịu ít nhất 1 đến 2 trận lũ. Ngôi nhà cấp 4 trước đây của vợ chồng chị Hiền thường xuyên bị “Hà Bá” nhấn chìm. Năm 2010, nước dâng đến lớp ngói thứ tư, sau lũ, nhà cửa, lợn, gà, của cải trôi theo nước sông Ngàn Sâu, chỉ duy nhất còn người là sống sót.
Thuộc diện hộ nghèo, năm 2016, vợ chồng chị được MTTQ huyện Hương Khê hỗ trợ 14 triệu đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 15 triệu đồng trong vòng 5 năm lãi suất 0% để làm nhà vượt lũ. Từ nguồn hỗ trợ này, vợ chồng chị vay mượn xây ngôi nhà vượt lũ trị giá hơn 100 triệu đồng. Kể từ đó, cứ thấy “động” là vợ chồng chị Hiền lại gói gém đồ đạc để chuyển lên nhà vượt lũ.
Chia sẻ kinh nghiệm chống chọi với lũ lụt, chị Hiền cho hay, mỗi người cần quý trọng tính mạng của mình, không nên liều lĩnh ra nơi nguy hiểm để vớt củi, đánh cá. Trong nhà nên sắm chiếc thuyền và áo phao để khi nước lũ tràn vào, chỉ có thuyền là phương tiện di chuyển duy nhất lúc này. Thường xuyên nắm bắt thông tin thời tiết để chủ động di tản vật nuôi, xe cộ lên vùng cao.
“Hễ nghe sắp có đợt mưa lớn là vợ chồng tôi đem trâu, bò, lợn, gà, xe máy…đến những nhà cao hơn để gửi. Còn lại thì chuyển lên nhà vượt lũ. Nhà vượt lũ phải có cửa thoát hiểm, không nên xây kín, phòng khi nước ngập đến còn có chỗ mà thoát ra ngoài. Ngoài ra, phải chuẩn bị từ những đỗ nhỏ nhặt nhất như muối vừng, cá khô, cơm nắm, đèn dầu…để ăn qua lũ, đề phòng mất điện” - chị Hiền nói.
Ông Lê Quang Vinh - Trưởng Phòng NNPTNT, Chánh văn phòng PCTT-TKCN huyện Hương Khê cho biết, đợt lũ vừa rồi, mặc dù huyện cũng bị lũ lớn nhưng hậu quả về tài sản của người dân Hương Khê không lớn. Đó là nhờ sự chủ động của chính quyền lẫn người dân địa phương.
Trong lũ, có đến hàng chục trường học, trạm y tế, nhà văn hoá thôn bị ngập nhưng tất cả tài sản, thuốc men, thiết bị dạy học… đã được các đơn vị chủ động sắp xếp ở nơi an toàn nên không ảnh hưởng. Cả chính quyền, người dân đều biết tự thích ứng và tự bảo vệ mình cũng như tài sản.
Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Ngô Xuân Ninh chia sẻ thêm, nếu địa phương được trang bị bản đồ ngập lũ thì thiệt hại trong bão, lũ sẽ được kiểm soát tốt hơn.
“Rũ bùn đứng dậy”
Những ngày này, người dân vùng lũ Quảng Bình đang gập lưng vừa dọn dẹp hậu quả của cơn lũ lịch sử, vừa vớt vát những tài sản còn sót lại.
Với người dân các xã vùng Nam thị xã Ba Đồn, mưa to, nước lũ tràn vào nhà vốn là chuyện thường mỗi năm. Cư dân vùng cồn bãi, sống dọc lưu vực Rào Nan, sông Gianh đã quá quen với việc sống chung với lũ nhưng năm nay, lũ lên nhanh và mạnh khiến nhiều người không kịp trở tay.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, gần 26.000 ngôi nhà (chiếm 97%) trên địa bàn thị xã Ba Đồn bị ngập. Trong đó các xã Quảng Văn, Quảng Tân, Quảng Lộc, Quảng Minh, Quảng Hòa, Quảng Hải…100% nhà dân đều bị ngập sâu. Nhiều nơi ngập sâu trên 4m.
Thôn Hà Sơn (xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn) ở địa thế bốn về sông nước nên tới mùa mưa lũ lại bị cô lập. Để đến được với bà con, Đoàn cứu trợ phải đi đường vòng, lội qua lớp bùn dày gần nửa mét mới tiếp cận được bến đò qua thôn Hà Sơn.
Ông Nguyễn An Bình - Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Ba Đồn cho biết, sau khi lũ rút, toàn bộ các khu vực bị ngập lụt đều nhận được các nguồn cứu trợ thiết yếu, nhất là những thôn cồn bãi bị tách biệt, cô lập nhiều ngày trong mưa lũ. Thị xã đã trích 600 triệu đồng để mua sắm các loại hàng hóa thiết yếu để cứu trợ cho nhân dân các địa phương. Những ngày vừa qua, Mặt trận thị xã đã khẩn trương chuyển hàng cứu trợ về các địa phương để kịp thời hỗ trợ người dân.
Xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề trong đợt lũ vừa qua. Sau lũ, bà con vừa dọn dẹp nhà cửa, vừa đem phơi những vật dụng bị ướt. Trời hửng nắng, ông Nguyễn Viết Cảnh (thôn Lộc Thượng) đã chọn những bao thóc còn chưa lên mầm mang ra phơi với hy vọng còn dùng được. Nếu không thì có thể dùng làm thức ăn cho gia súc. Ông Cảnh nói như tự trấn an mình: “Còn người còn của chú hè. Làm răng mà tránh khỏi thiên tai được”.
Ngược theo bờ sông Kiến Giang, quang cảnh người dân dọn dẹp sau lũ diễn ra tất bật. Tranh thủ nắng lên, bà Võ Thị Thủy ở tổ dân phố 6, thị trấn Kiến Giang cũng đưa tài sản ra lau bùn, gom góp chút gì còn lại phục vụ cho gia đình. Giống như bà Thủy, bà Phan Thị Hậu (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh) cũng “kiểm đếm” xem tài sản còn cái gì thì phơi phóng để mà dùng. “Rồi cũng phải tính đến ổn định để sản xuất vụ tới nữa”- bà Hậu nói.
Theo các cụ cao tuổi ở huyện Lệ Thủy, sống chung với lũ, khi làm nhà người dân phải có “tra”, hay còn gọi là rầm nhà. Mỗi lần mưa lũ, cả gia đình thường lên tránh lũ ở trên đó. Nhiều gia đình ở vùng thấp Lệ Thủy lại có một con đò nhỏ để di chuyển, hoặc có thể đựng vật dụng cần thiết, quan trọng khi mưa lũ. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây ở Lệ Thủy không xảy ra lũ lớn mà chỉ là mùa nước nổi nên nhiều gia đình không chuẩn bị chu đáo. Vì vậy, trong đợt lũ vừa qua đã để lại thiệt hại nghiêm trọng về vật chất.
Trong khi đó, để sống chung với lũ, người dân Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) đã làm nhà bè. Khi nước lũ dâng cao ngập tới mái thì những ngôi nhà bè tránh lũ này là nơi an toàn nhất để người dân tránh trú. Cùng hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và cộng đồng nghèo ở nơi “rốn rũ” này, đầu năm 2020, Mặt trận tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ xây dựng 64 ngôi nhà bè.
Chính những lo toan chu đáo từ người dân cho tới chính quyền, Mặt trận nên bà con cũng bớt nhọc nhằn trong những ngày mưa lũ, để người dân có thể “rũ bùn đứng dậy”.
Trên chiếc thuyền nhôm đi trao quà cho bà con ở xã Tân Hóa, bà Phạm Thị Hân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Quảng Bình là địa phương thường xuyên gánh chịu thiên tai, bão lũ do đó tỉ lệ hộ nghèo cao so với mức bình quân của cả nước. Giúp người nghèo vươn lên luôn là trăn trở không chỉ riêng người làm công tác Mặt trận mà cả hệ thống chính trị ở tỉnh Quảng Bình. Chăm lo cho người nghèo để bà con có thể sống chung với lũ, ổn định cuộc sống .