Sóng gió Biển Đông

Hà Trọng Nghĩa 12/06/2016 09:05

Biển Đông chưa thôi dậy sóng- đó là vấn đề được dư luận khu vực cũng như dư luận thế giới nhìn nhận trong thời gian gần đây.

Sóng gió Biển Đông

Hải đăng trên đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa, Việt Nam).

Trước hết, đó là do những phát ngôn mang tính áp đặt chủ quyền của người dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tham gia Đối thoại Shangri-La 2016; cùng đó là sự bày tỏ quan điểm không đồng tình của các quốc gia trong khu vực, trong đó có ý kiến từ phía Mỹ.

Kế đó, vấn đề Biển Đông lại được đặt ra trong đối thoại chiến lược thường niên kinh tế Mỹ - Trung; trong Hội thảo quốc tế với chủ đề “An ninh và phát triển: Hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm Á - Âu”. Biển Đông lại nóng còn do phía Trung Quốc không chỉ tôn tạo, xây dựng các đảo trên Biển Đông không thuộc chủ quyền của họ, mà còn do ý định tạo ra vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên vùng biển đặc biệt quan trọng và nhạy cảm này.

“Vạn lý trường thành tự cô lập”

Trong phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La 2016 tại Singapore, tối 3/6, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chanocha đã kêu gọi ASEAN đoàn kết trong vấn đề Biển Đông. Theo ông Prayuth Chanocha, vấn đề tranh chấp ở Biển Đông giữ vị trí số 1 trong 7 mối lo an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương. Còn ông William Choong thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho rằng Bắc Kinh đang cố chia rẽ ASEAN bằng cách lôi kéo Malaysia và Philippines với những hợp đồng kinh tế trị giá hàng tỉ USD và nhiều hứa hẹn khác.

Cũng chính vì thế, câu chuyện đàm phán song phương hay đa phương (giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là các quốc gia có quyền lợi trên Biển Đông) được coi là hệ trọng.

Shangri-La là một diễn đàn mở, tạo cơ hội để các bên gặp nhau, trình bày quan điểm của mình, tìm kiếm tiếng nói chung trong việc giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, đôi khi sự “mở” này đã dẫn đến việc lợi dụng để áp đặt ý chí, kể cả hù dọa nhau bằng sức mạnh quân sự.

Theo ông Koh Chin Yee (Viện Nghiên cứu Longus Singapore), Đối thoại Shangri-La là một cầu nối, tạo ra cơ hội cho các quan chức quân sự gặp mặt và thảo luận các vấn đề an ninh. Và cũng chính ở đây, lần này, các quan điểm đã được đưa ra. Việc đoàn Trung Quốc phát tờ rơi gồm hai bản tiếng Anh, lẫn tiếng Hoa, cho rằng “chủ quyền không thể chối cãi” của họ tại Biển Đông và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã nhận được nhiều phản ứng, trong đó có “cuộc chiến ngôn từ” giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter, việc Bắc Kinh tìm cách tạo ra những biệt lập, trong đó có hành động mở rộng trên cả vùng biển, vùng trời và không gian mạng là phi nguyên tắc. Trung Quốc đang khiến các láng giềng khu vực xa lánh và kết cục sẽ là chính họ dựng lên cho mình “Vạn lý trường thành tự cô lập” nếu tiếp tục theo đuổi việc mở rộng hoạt động quân sự trên Biển Đông.

Ý kiến của ông Ash Carter nhận được sự chú ý của rộng rãi các bên tham gia Đối thoại. Tuy nhiên, Đô đốc Tôn Kiến Quốc- Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc dẫn đầu đoàn nước này vẫn lại tuyên bố: “Trung Quốc không bị cô lập và sẽ không bị cô lập trong tương lai”.

Ông Tôn cũng đồng thời cho rằng, về vấn đề Biển Đông, Trung Quốc sẽ “không ngại rắc rối”. Tuyên bố đó khiến người ta lo ngại, vì Trung Quốc không chỉ định áp đặt chủ quyền trên mặt biển, các đảo, quần đảo mà còn đe dọa quản lý cả bầu trời khu vực này với cái gọi là “nhận diện phòng không”- ADIZ như đã từng áp đặt tại vùng biển Hoa Đông tranh chấp với Nhật Bản năm 2013.

Ngay sau Shangri-La, dư luận lại hướng sự chú ý tới Đối thoại chiến lược thường niên kinh tế Mỹ - Trung (6-6, tại Bắc Kinh). Tại đây, về vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhắc lại “sự ủng hộ cơ bản của Mỹ đối với việc đàm phán và các giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp, cũng như quan ngại về bất cứ bước đi đơn phương của bất cứ bên nào”.

Trong khi đó, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì nói rằng Bắc Kinh muốn giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán, nhưng phải là đàm phán “giữa các bên liên quan”.

Nhận dạng phòng không- mối lo mới

Trong khi việc tranh chấp lãnh hải đi cùng với việc tôn tạo, xây dựng các hòn đảo trên Biển Đông từ phía Trung Quốc đang gây lo ngại lớn cho các nước liên quan, thì nước này lại tiếp tục đưa ra khái niệm vùng “nhận diện phòng không”- ADIZ để kiểm soát bầu trời vùng biển này.

Theo ông Harry Kazianis, nghiên cứu sinh Chính sách an ninh quốc gia, Tổ chức Potomac (Potomac Foundation), Mỹ thì tới nay Trung Quốc vẫn coi Biển Đông như “ao nhà” của họ. Họ thể hiện quyết tâm kiểm soát Biển Đông, có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Đó là “tuyên bố rất nguy hiểm”- ông Kazianis nói. Ông Kazianis cũng cho rằng rất có thể Bắc Kinh sẽ đưa ra tuyên bố ADIZ trong thời gian từ 12 đến 18 tháng tới, nhưng cũng có thể rất sớm, nếu họ thấy bất lợi.

Cũng về cái gọi là “nhận diện phòng không”- ADIZ, tại Đối thoại thường niên chiến lược kinh tế Mỹ - Trung, Ngoại trưởng Mỹ đã cho rằng đó là một hành động “có tính chất gây hấn và gây bất ổn”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết ông và Uỷ viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tái khẳng định cam kết của hai chính phủ là tôn trọng quyền tự do hàng hải và tự do bay ngang ở Biển Đông.

Không sử dụng vũ lực hay de dọa vũ lực

Ngày 9/6, tại TP biển Hạ Long, Quảng Ninh đã diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề “An ninh và phát triển: Hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm Á - Âu”. Hội thảo diễn ra trong hai ngày, do Học viện Ngoại giao và phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam phối hợp tổ chức, với sự tham dự của hơn 180 đại biểu, trong đó có gần 50 học giả quốc tế đến từ các nước ASEAN, EU, Trung Quốc, Nhật Bản...

Tại đây, chủ đề Biển Đông lại một lần nữa thu hút sự chú ý. Theo TS. Tetsuo Kotani, nghiên cứu viên cao cấp Viện Các vấn đề quốc tế Nhật Bản, thì cần phải tìm ra cách đối phó hiệu quả hơn với các hoạt động cưỡng bức trong khu vực.

TS. T.Kotani đánh giá, cách diễn giải luật pháp quốc tế của Trung Quốc khác với hầu hết những nước còn lại, trong khi tranh chấp trên biển lại rất cần phải được đặt trong một khuôn khổ pháp lý chung. Việc sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển Đông hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, điều đó cần phải được lên án - ông T.Kotani nói.

Tương tự, Đại sứ Bruno Angelet- Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, hơn bao giờ hết, các vấn đề an ninh biển và khuôn khổ luật pháp quốc tế về luật biển có vai trò quan trọng trong việc duy trì hài hòa và hòa bình ở Đông Nam Á.

Vì sự bình yên của Biển Đông

Việt Nam luôn tôn trọng luật pháp quốc tế, luôn chủ trương giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Tại Đối thoại Shangri-La 2016, một lần nữa Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thay mặt đoàn Việt Nam cho rằng, những tranh chấp bất đồng trong khu vực đang gây nhiều quan ngại, dù chưa đến mức bùng phát xung đột, nhưng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu tiềm tàng cần được dự báo, ngăn chặn và hóa giải kịp thời.

Tình hình đó là do những khác biệt về lợi ích, những tham vọng, cạnh tranh chiến lược diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, bất chấp luật pháp quốc tế; Đó là sự không nhất quán trong lời nói và việc làm; sự khác biệt và bất bình đẳng trong cách thức giải quyết tranh chấp. Hơn nữa đó còn là cách hành xử áp đặt; sự theo đuổi lợi ích vị kỷ, hẹp hòi, không tính đến lợi ích của nước khác, lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.

“Trong bối cảnh tình hình phức tạp như vậy, Việt Nam kiên quyết giữ vững độc lập, tự chủ và coi đây là nguyên tắc cao nhất, vừa hợp tác vừa đấu tranh để phát triển cũng như giải quyết tranh chấp, bất đồng. Việt Nam dựa vào sức mình là chính để bảo vệ các lợi ích quốc gia, dân tộc, không đi với nước này để chống nước khác”- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.

Mới đây nhất, ngày 8/6, phát biểu tại Lễ mít tinh Hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, cùng với đất liền, biển đảo đã tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển của những thế hệ người dân Việt, là một bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Chúng ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng và lợi ích quốc gia trên biển bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế. “Chúng ta phải cùng nhau gìn giữ hòa bình trên mỗi ngọn sóng của Biển Đông, là tiền đề để xây dựng nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

Đó là niềm mong uớc, khát vọng hàng nghìn năm của dân tộc ta và là trách nhiệm, nghĩa vụ lớn lao được các thế hệ tiền nhân, các hùng binh Hoàng Sa năm xưa trao truyền cho những thế hệ con cháu chúng ta hôm nay và mai sau”- Thủ tướng nói, đồng thời nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng rằng, với lòng yêu nước nồng nàn, mỗi người dân Việt Nam chúng ta sẽ tiếp nối, phát huy truyền thống anh dũng, kiên cuờng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; khai thác, sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển thành công, hợp tác cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ đại dương xanh và hành tinh xanh”.

Biển Đông vẫn không thôi nổi sóng. Việt Nam đã và đang làm hết sức mình để biến những con sóng dữ thành những con sóng hòa bình. Tuy nhiên, điều đó có trở thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có việc tuân thủ nguyên tắc pháp lý quốc tế, tôn trọng sự thật và chính nghĩa, tôn trọng lợi ích giữa các bên, thay vì là sự áp đặt. Vì sự áp đặt, đe dọa phi lý chỉ càng làm Biển Đông nổi sóng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sóng gió Biển Đông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO