Giá tiêu dùng tăng cao, trong khi đồng lương vốn chẳng dư giả, khiến đời sống của công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nhằm giảm chi phí sinh hoạt, cũng như thắt chặt chi tiêu, nhiều cặp vợ chồng công nhân đã chọn giải pháp gửi con về quê, nhiều bạn trẻ “góp gạo thổi cơm chung” hoặc sống 3,4 người trong căn phòng trọ chỉ 10m2.
Làm tăng ca, tăng giờ nhưng thu nhập của công nhân vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu.
Cận cảnh đời sống công nhân
Bữa ăn đúng nghĩa nhét đầy bao tử, chỗ ở không khác “ổ chuột”, chỉ đủ khoảng trống ngả lưng sau một ngày làm việc cực nhọc với đủ thứ thiếu thốn. Đó là cảnh sống của công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay.
Chị Nguyễn Kim Liên, công nhân doanh nghiệp sản xuất bao bì tại khu công nghiệp Tân Quang, thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên cho biết: Lương khởi điểm của một công nhân thử việc ở công ty chỉ có 128.000 đồng/công/8 tiếng. Sau thử việc, người lao động được tăng không đáng kể, chỉ 2.000 đồng/công, tính ra người có thâm niên nhất cũng chỉ đạt 145.000 đồng/công. Như chị Liên, nếu tăng ca hết mức và làm thêm cả chủ nhật thì cả tháng thu nhập của chị cũng chỉ được hơn 5 triệu đồng. Nhà cửa chưa có, vợ chồng chị phải đi thuê cộng với tiền con cái ăn học, chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày nên rất vất vả.
Không riêng gì chị Liên, chị Nguyễn Thị Nga, quê ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa hiện đang làm công nhân tại công ty Canon, khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cũng khó khăn không kém.
Theo chị Nga, giá một phòng trọ không khép kín gần khu công nghiệp từ 800 nghìn đồng/tháng đến 1,2 triệu/tháng. Thế nhưng, với đồng lương công nhân eo hẹp, hầu hết mọi người đều lựa chọn thuê phòng trọ giá rẻ.
“Với mức lương trung bình khoảng 4 triệu đồng/ tháng, nếu muốn có chút dư giả bắt buộc chúng tôi phải lựa chọn những căn phòng trọ giá rẻ và phải cách xa khu công nghiệp và đồng nghĩa với việc căn phòng đó thuộc diện nhỏ, xấu và thậm chí có đôi chút bất tiện. Để bớt chi phí thuê phòng, một căn phòng trọ khoảng 10m2, giá 600 – 700 nghìn/tháng, chúng tôi vẫn phải ở ghép từ 3 cho đến 4 người”, chị Nga chia sẻ.
Tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội để giải quyết nhu cầu về chỗ ở của công nhân, thành phố Hà Nội đã xây dựng khu nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, với hơn 7 vạn lao động tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, cùng với những quy định khắt khe khiến rất nhiều công nhân chê nhà lưu trú mà tìm đến các dãy nhà trọ quanh khu công nghiệp để thuê. Điều này càng khiến cho giá thuê phòng trọ ở các hộ dân tăng lên.
Theo kết quả điều tra mới nhất về thu nhập, đời sống của công nhân lao động trong các doanh nghiệp năm 2017 do Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) thực hiện trong tháng 3-4/2017 tại 14 tỉnh, thành phố và các cơ sở thuộc 3 công đoàn ngành gồm: Công Thương, Khoáng sản và Nông nghiệp thì việc tăng lương tối thiểu năm 2017 còn thấp, chưa đáp ứng mong muốn của đa số công nhân lao động. Trong đó, 1,8% công nhân lao động cho biết mức điều chỉnh lương tối thiểu năm 2017 là cao, 42,9% công nhân lao động cho là phù hợp và 55,3% công nhân lao động cho là còn thấp.
Cần tăng lương tối thiểu theo đúng lộ trình
Những năm gần đây Nhà nước đều có chính sách điều chỉnh lương tối thiểu cho người lao động nhưng mức tăng chưa cao, chỉ dao động từ 5-7%/năm. Trong khi, giá cả các mặt hàng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày liên tục tăng. Công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chủ yếu là những lao động ngoại tỉnh phải thuê nhà. Những khó khăn trên cùng với chính sách mới về BHXH khiến lương thực tế mà người lao động nhận được không đủ đáp ứng cuộc sống tối thiểu.
Theo ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện công nhân và Công đoàn, chúng ta đừng đánh giá đời sống công nhân trên bàn giấy mà hãy đến những khu nhà trọ để xem họ sống thế nào. Nhất là không được đánh tráo khái niệm giữa “tiền lương” và “tiền lương tối thiểu”, viện cớ năng suất lao động thấp để kéo lùi mức sống tối thiểu, đẩy người lao động ngày càng lún sâu vào khó khăn. Việc này nếu kéo dài thì đời sống công nhân lao động lại càng khó khăn hơn. Lương tối thiểu vẫn phải “đuổi theo” nhu cầu sống tối thiểu.
Chia sẻ những khó khăn đối với công nhân trên địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội cho biết: Hiện thu nhập bình quân của người lao động ở các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố chỉ ở mức trên 5 triệu đồng/tháng, trong khi chỉ có khu công nghiệp Bắc Thăng Long có nhà ở cho công nhân lao động thuê.
Tuy nhiên, số nhà cho thuê này mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu còn lại đa phần công nhân phải thuê ở bên ngoài. Ngoài ra, người lao động ở một số doanh nghiệp đang được hỗ trợ thêm tiền chuyên cần, đi lại… trung bình ở mức từ 500.000 - 1.000.000 đồng/tháng, nếu không có những khoản này những cặp vợ chồng khó trang trải được cuộc sống gia đình. Đó là chưa nói đến những lúc con cái hay chính bản thân họ bị ốm đau, bệnh tật.
“Mong rằng, mức lương tối thiểu của người lao động sẽ được tăng đúng lộ trình để chí ít công nhân lao động có thể đảm bảo được mức sống tối thiểu”, ông Thắng giãi bày.