Sòng phẳng trong quan hệ DN - cơ quan thuế

Hải Phong 07/11/2015 09:49

Khi doanh nghiệp nợ đọng thuế thì bị bêu tên, còn cơ quan thuế nợ đọng thuế thì sẽ xử lý ra sao? Mặt khác, cá nhân, doanh nghiệp không được phép nợ thuế, còn cơ quan quản lý nhà nước được phép nợ hay sao?    

Đảng và Nhà nước chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nhằm tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các doanh nghiệp, hay nói rộng ra là giữa các thành phần kinh tế trong xã hội. Cũng đã có khá nhiều văn bản pháp quy, từ Hiến pháp, luật, tới các văn bản dưới luật được ban hành để hiện thực hóa chủ trương trên.

Song, trên thực tế, do nhiều lý do cả khách quan và chủ quan, nhiều ngành, địa phương chưa tạo ra được một môi trường sản xuất kinh doanh thật sự công bằng giữa các doanh nghiệp, giữa các thành phần kinh tế.

Nói như vậy nghe có vẻ rộng và mông lung, chúng tôi chỉ xin lấy dẫn chứng nhỏ, thuộc một ngành khu biệt, để thấy được cái sự công bằng, cân bằng trong việc thực thi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước quan trọng như thế nào.

Khi các cơ quan quản lý nhà nước thực sự làm việc vì dân, vì doanh nghiệp thì mới tạo ra được sự cạnh tranh lành mạnh, có được đối xử minh bạch, rõ ràng, thì mới tạo ra được nhiều giá trị kinh tế cho xã hội. Còn nếu làm việc theo kiểu quan liêu “sớm không vừa, trưa không vội”, hay thậm chí là lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để sách nhiễu thì có khác gì cản trở nền kinh tế phát triển?!

Cách đây 2 ngày (5/11), hơn 500 doanh nghiệp đã đối thoại với Bộ Tài chính về vấn đề thuế và hải quan tại TP HCM. Rất nhiều doanh nghiệp đã “mừng như bắt được vàng” khi được đưa ra ý kiến của mình với cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định sở dĩ có cuộc đối thoại này là vì vướng mắc về hoàn thuế ở TP HCM đang ở mức độ nghiêm trọng.

Rất nhiều doanh nghiệp cho biết họ đã nộp hồ sơ hoàn thuế nhưng bị gây khó khăn, bị chậm trả lời, thậm chí có quyết định hoàn thuế rồi nhưng vẫn chẳng thấy “tiền tươi, thóc thật” đâu.

Tại cuộc đối thoại hôm 5/11, Giám đốc Công ty Tân Nhất Hương đã thẳng thừng “đòi nợ” Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn số tiền 21 tỷ đồng tiền hoàn thuế, bởi công ty này đã có quyết định hoàn thuế nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền.

Câu chuyện đòi nợ Thứ trưởng Bộ Tài chính có lẽ là hơi quá, vì ông này không phải là người và là nơi có thể trực tiếp hoàn tiền thuế cho doanh nghiệp. Song, nó cũng như một hồi chuông gióng lên để cảnh báo cả đối với cục thuế địa phương và cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương về vấn đề hoàn thuế.

Khi các doanh nghiệp chậm nộp thuế, nợ đọng thuế thì bị “bêu tên” công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và trang web của ngành thuế từ Trung ương tới địa phương. Vẫn biết đây là một biện pháp hữu hiệu để răn đe các doanh nghiệp chây ỳ nghĩa vụ đối với Nhà nước, đồng thời cảnh báo các đối tác về tiềm lực tài chính thực sự của họ. Song, “có đi thì phải có lại” mới là lẽ công bằng và cân bằng. Nghĩa là khi doanh nghiệp nợ đọng thuế thì bị bêu tên, còn cơ quan thuế nợ đọng thuế thì sẽ xử lý ra sao?

Thôi thì tạm chưa bàn đến những doanh nghiệp nộp hồ sơ xin hoàn thuế chậm được giải quyết hay bị sách nhiễu... Chỉ riêng việc đã ra quyết định hoàn thuế nhưng không trả tiền thì có phải vô hình chung cơ quan thuế trở thành con nợ của doanh nghiệp không? Nếu không có một cách đối xử công bằng, doanh nghiệp có quyền nghĩ: Cá nhân, doanh nghiệp không được phép nợ thuế, còn cơ quan quản lý nhà nước được phép nợ hay sao?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sòng phẳng trong quan hệ DN - cơ quan thuế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO