Nhiều năm qua, người dân ở thôn Phú Thành (xã Phú Vinh, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế) có nhà dưới đồi Bốt Đỏ luôn thấp thỏm lo âu khi mỗi mùa mưa đến. Mỗi năm đến mùa mưa bão, 32 hộ dân thôn Phú Thành (xã Phú Vinh, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế) có nhà dưới đồi Bốt Đỏ lại thấp thỏm lo đất sạt trượt.
Ông Trịnh Minh Tuấn (sống tại thôn Phú Thành, xã Phú Vinh) cho biết, gia đình ông thuộc diện được địa phương bố trí di dời, tái định cư. Khi chuyển về sinh sống dưới chân đồi Bốt Đỏ, ông được cấp đất và xây nhà để ở.
Tuy nhiên, từ mùa mưa năm 2021 đến nay, khu vực đồi núi “kề sát” với khu vực các nhà dân sinh sống bắt đầu có dấu hiệu sạt lở. Mỗi khi có mưa lớn, đất đá từ trên đồi sạt xuống khiến gia đình ông Tuấn cũng như các hộ dân nơi đây rất lo sợ.
“Để đảm bảo an toàn cho bản thân và người thân của mình, mỗi mùa mưa bão gia đình tôi và các hộ dân ở đây đều di dời đến nhà người thân để ở tạm. Chúng tôi mong rằng chính quyền các cấp sớm tạo điều kiện hỗ trợ để những hộ dân ở đây được di dời đến nơi ở mới an toàn hoặc có phương án san gạt quả đồi này để người dân được an tâm ổn định cuộc sống”- ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, tại các buổi tiếp xúc cử tri, người dân đều có đề xuất, kiến nghị chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể của huyện A Lưới quan tâm xem xét bằng cách hạ bớt độ cao của quả đồi Bốt Đỏ hoặc di dời người dân đến nơi an toàn, thế nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Ông Hồ Chính Bê - Chủ tịch UBND xã Phú Vinh cho biết, trước thực trạng trên, lãnh đạo huyện A Lưới đã có tờ trình lên UBND tỉnh để xin chủ trương san gạt quả đồi này, nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân trước mỗi mùa mưa bão.
Theo ông Văn Lập - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới, do nằm ở khu vực đồi núi nên tình trạng sạt lở ở địa phương các xã diễn biến rất phức tạp, nhất là mỗi khi có mưa lớn.
Ông Lập cho biết, trước thực trạng sạt lở tại các khu vực đồi núi sát với khu dân cư, UBND huyện A Lưới đã có tờ trình xin chủ trương của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và các cơ quan chức năng lập dự án di dời, bố trí tái định cư cho các hộ dân ở vùng nguy cơ sạt lở cao đến nơi ở mới, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân. Vẫn theo ông Lập, sạt lở đất đá từ đồi núi không những gây thiệt hại về tài sản của người dân mà còn làm bồi lấp, hư hỏng nhiều công trình thủy lợi, giao thông trên địa bàn huyện, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế của địa phương.
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Văn Ngưm - Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, trước thực trạng nhiều nhà dân đang sinh sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở, chủ trương của huyện là sẽ di dời người dân đến nơi ở mới, đồng thời san bạt quả đồi này để đảm bảo an toàn cho người dân.
“Trước đó, các sở ngành liên quan đã làm việc với UBND huyện, cũng như có công văn trình UBND tỉnh để xin chủ trương thực hiện”- ông Ngưm thông tin.
Còn ông Nguyễn Đình Đức - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, lãnh đạo tỉnh cũng đã chỉ đạo, yêu cầu huyện A Lưới tiến hành rà soát lại các khu vực sạt lở trên địa bàn huyện để có phương án di dời, sơ tán các hộ dân vùng xung yếu đến nơi an toàn mỗi khi có mưa bão.
Theo ông Đức, về lâu dài, sẽ có phương án đưa cho những hộ dân này ra khỏi vùng sạt lở đến nơi an toàn, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Được biết, không chỉ người dân ở thôn Phú Thành, tại huyện miền núi A Lưới này hiện có 3 khu vực được cảnh báo có mức độ nguy cơ sạt lở cao với gần 200 hộ dân bị ảnh hưởng gồm 105 hộ dân ở thôn Tru Pỉ, xã Hồng Thủy; 26 hộ dân ở khu vực tái định cư thủy điện ở xã Hồng Thượng và nhiều hộ dân khác có nhà cửa nằm cạnh các điểm sạt lở trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Cứ mỗi khi trời xuất hiện mưa lớn người dân các khu vực này thấp thỏm lo âu vì tình trạng sạt lở đồi núi đã kéo dài qua nhiều năm, đe dọa đến tính mạng của nhiều người.