Khai thác vốn văn hóa truyền thống tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa để khởi nghiệp (start-up) là một trong những hướng đi được nhiều người trẻ quan tâm.
Thực tế cho thấy nhiều người trẻ biết tựa vào văn hóa truyền thống để làm nguồn cảm hứng thăng hoa sáng tạo. Đây có thể là con đường phát triển bền vững, góp phần bảo tồn, quảng bá văn hóa Việt Nam lâu dài, nhưng trước mắt vẫn còn nhiều thách thức, cần thêm các giải pháp để mở đường.
Với hơn 8.000 lễ hội dân gian, lịch sử và tôn giáo; hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề truyền thống; hàng trăm trò chơi dân gian; hàng chục loại hình diễn xướng… cùng với đó là nghệ thuật ẩm thực, trang phục truyền thống, phong tục tập quán... Việt Nam đang sở hữu tiềm năng to lớn trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa. Còn rất nhiều “dư địa” để những người trẻ khai phá, lựa chọn đầu tư sáng tạo.
Với những kỹ năng được trang bị từ kiến thức văn hóa cho đến sự làm chủ về công nghệ, cộng thêm sự phổ biến của internet... là những điều kiện thúc đẩy các bạn trẻ khởi nghiệp dựa trên vốn văn hóa.
Nhiều người trẻ dấn thân, vượt qua khó khăn và khởi nghiệp thành công như: Đặng Văn Hậu với Tò he Việt, Nguyễn Đức Lộc với Ỷ Vân Hiên, Lê Mạnh Cương sáng lập KEIG Studio và game “Thần tích”, Đoàn Nhật Quang với “Việt sử giai thoại”, hiện tượng mạng Vlog1977 với sự độc đáo trong nội dung sáng tạo, Đinh Võ Hoài Phương với trang Vlog về du lịch và ẩm thực Khoai Lang Thang… đã góp phần thôi thúc và lan truyền cảm hứng để lớp trẻ tự tin hơn với lựa chọn tự làm chủ con đường sự nghiệp của chính mình.
Khi vốn văn hóa dân tộc được khai thác đúng hướng, sẽ nâng tầm giá trị sản phẩm về mặt chiều sâu. Không ít ý tưởng và mô hình khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống của người trẻ đã tạo nên sự thu hút mạnh mẽ đối với cộng đồng và gặt hái được những thành công bước đầu.
Ngay từ khi bước vào sự nghiệp thiết kế, Vũ Thảo Giang đã chọn hướng đi sử dụng các chất liệu từ văn hóa truyền thống để ứng dụng vào những sáng tạo của mình, như thổ cẩm của người Tày, họa tiết của nghệ thuật khảm sành sứ ở Huế, những danh thắng nổi tiếng ở Việt Nam, các chi tiết trên kiến trúc cung đình xưa, hay hình ảnh của những di sản được UNESCO ghi danh...
Chia sẻ về câu chuyện xây dựng thương hiệu áo dài, Vũ Thảo Giang cho biết, ban đầu cô không có nhiều lợi thế, và dấu ấn văn hóa là vốn khởi nghiệp lớn nhất của cô. “Qua quá trình theo đuổi nghề thiết kế thời trang, vốn dân tộc, văn hóa hiện diện trong từng thiết kế, tôi nhận ra rằng, khi người trẻ sáng tạo, ứng dụng vốn văn hóa vào khởi nghiệp sẽ dễ thành công hơn nhiều” - Thảo Giang nói.
Bên cạnh đó, Vũ Thảo Giang cũng cho rằng, những người trẻ khởi nghiệp bằng vốn văn hóa còn được tiếp sức mạnh mẽ hơn khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng mong muốn đồng hành với những hình ảnh, biểu tượng xưa và kể câu chuyện văn hóa tới công chúng.
Những dấu ấn văn hóa truyền thống mà Vũ Thảo Giang đã ứng dụng thành công trên những sáng tạo của mình có thể kể đến các bộ sưu tập mà cô thực hiện, trước hết là đam mê theo đuổi áo dài dân tộc. Có thể kể đến bộ sưu tập “Dấu ấn vàng son” lấy cảm hứng từ các hoa văn họa tiết trong kiến trúc cung đình xưa như rồng, phượng, hoa sen, lá bồ đề, gốm sứ… hay từ các di vật khảo cổ Cung đình Huế và Hoàng thành Thăng Long.
Thảo Giang chia sẻ, cô không bao giờ cạn ý tưởng về các bộ sưu tập bởi vì nguồn vốn văn hóa dân tộc là một kho tàng vô cùng đa dạng. Việc khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống vào thời trang còn tạo ra mối liên hệ gắn kết sâu sắc giữa nhà thiết kế và các nghệ nhân làng nghề, tạo sinh kế cho cộng đồng làm nghề truyền thống, góp phần giữ gìn những giá trị truyền thống.
Những người trẻ với các góc nhìn khác nhau luôn tìm ra một điểm mạnh của văn hóa thu hút họ để rồi thực hiện bằng hành động nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam. Với đôi tay khéo léo, nghệ sĩ trẻ La Quốc Bảo đã mang những họa tiết trên những di sản vật thể có tuổi đời hàng trăm năm làm nguồn cảm hứng lên những đôi giày. Mỗi đôi giày được thiết kế đều mang thông điệp tôn vinh và mong muốn đưa những giá trị và tinh hoa văn hóa dân tộc đến gần hơn với chính người trẻ.
Quốc Bảo tâm sự: Là thế hệ trẻ, tôi hiểu rằng cần phải tuyên truyền nhận thức văn hóa dân tộc. Thứ nhất là lòng tự tôn dân tộc được phát huy. Thứ hai là những di sản văn hóa được biết đến, gìn giữ và trân trọng một cách xứng đáng chứ không chết dần theo thời gian.
Văn hóa dân tộc hay bản địa trở thành nguồn cảm hứng cho mọi thế hệ sáng tác những tác phẩm mang hơi thở đương đại, tác động trên mọi lĩnh vực, từ âm nhạc, điện ảnh, thời trang… đến sản xuất, thương mại hóa sản phẩm, chất liệu truyền thống.
“Lên ngàn” là các dự án văn hóa nghệ thuật và sáng tạo đa ngôn ngữ, được thành lập với mong muốn sự trao truyền, tiếp nối tri thức bản địa luôn luôn được duy trì, tiếp nối. Với tiêu chí hoạt động là tôn vinh nghệ thuật truyền thống và sự đ
a dạng của văn hóa bản địa, Nguyễn Quốc Hoàng Anh - sáng lập đồng thời giữ vai trò giám đốc nghệ thuật đã cùng “Lên ngàn” thực hiện nhiều dự án nghệ thuật truyền thống mang hơi thở đương đại và màu sắc thể nghiệm. Một số dự án của “Lên ngàn” được nhiều người nhắc đến là vở tuồng "Sơn Hậu - Beyond the Mountain", dự án “Âm - Thanh sắc - Màu” với sự đồng hành của nghệ sĩ graffiti Cyril Kongo...
Xác định hướng đi của mình phải có điểm tựa là văn hóa của dân tộc mình, Hoàng Anh nghiêm túc tìm hiểu về ca trù, chầu văn, chèo..., tìm hiểu kỹ thế nào là di sản, là truyền thống.
Với tư duy sáng tạo độc đáo, suy nghĩ về nghệ thuật dân tộc không bó hẹp, Hoàng Anh thực hiện các dự án kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống với nghệ thuật đương đại để kể câu chuyện mới về di sản cũng như văn hóa dân gian, gợi mở nhiều cách tiếp nhận những di sản văn hóa bản địa, tìm mọi cách phát triển chất liệu đến từ âm thanh, âm nhạc, trình diễn.
Từ đó các dự án đã trở thành không gian kết nối các nghệ sĩ, nghệ nhân, các nhà nghiên cứu, những người thực hành văn hóa nghệ thuật, các nhà sáng tạo cùng nhau tạo nên không gian tương tác, chia sẻ ý tưởng, mang nhiều giá trị cho cộng đồng và công chúng.
Tiềm lực văn hóa dồi dào chính là kho tàng để người trẻ khai thác sáng tạo, khởi nghiệp, tạo ra các sản phẩm mang những giá trị Việt đi khắp muôn nơi. Tuy nhiên hiện hướng đi này vẫn chưa thực sự thôi thúc tất cả các bạn trẻ vì thiếu cơ chế, chính sách, các hướng dẫn cụ thể để làm “bà đỡ”, hầu hết những dự án khởi nghiệp đều bắt nguồn từ tình yêu văn hóa nên phải tự lực cánh sinh, không ít dự án bị bỏ lửng hoặc nhanh chóng biến mất bởi không thể trụ vững trước dòng chảy của kinh tế thị trường.
Bên cạnh đó, việc thiếu sự hỗ trợ về chuyên môn để thấu hiểu văn hóa cũng đặt ra thách thức về sự “xâm lăng” văn hóa, không có chỉ dẫn, người trẻ sẽ cần phải làm thế nào để khai thác giá trị văn hóa một cách hiệu quả mà không cuốn theo những pha tạp từ nhiều luồng văn hóa khác nhau.
Tại buổi tọa đàm “Vốn dân tộc - đòn bẩy cho khởi nghiệp sáng tạo”, TS Bùi Minh Hào - nhà nghiên cứu nhân học cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi mà nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt thì hướng khai thác nguồn vốn văn hóa sẽ là một trong những bước đi quan trọng, bởi nguồn vốn văn hóa đa dạng hơn, phong phú hơn, phân bố đồng đều.
Phát triển từ các nguồn vốn văn hóa cũng mang tính bền vững cao hơn khi bản thân văn hóa là sự kết tinh của các tương tác giữa con người với tự nhiên và con người với xã hội qua nhiều thế hệ khác nhau. Đây là con đường phát triển bền vững.
Tuy nhiên lựa chọn vốn văn hóa để khởi nghiệp không phải lựa chọn phổ biến trong xã hội theo dòng chảy mạnh mẽ của thị trường. Quá trình này đòi hỏi người trẻ phải có niềm đam mê, hiểu rõ giá trị văn hóa mà mình lựa chọn, vừa có trí tuệ, vừa có sự can đảm, để kiên trì đi đường dài.
Ghi nhận từ thực tiễn gần đây, nhiều người trẻ biết tựa vào văn hóa truyền thống để làm nguồn cảm hứng thăng hoa sáng tạo. Tuy nhiên văn hóa luôn có sự giao thoa, góp phần tạo nên sự giàu có của một nền văn hóa.
Nhưng khi đưa văn hóa truyền thống vào trong sáng tạo thì ranh giới giữa giao thoa và xâm lấn đang trở nên mỏng dần. Công nghệ ngày nay cũng đang là một công cụ góp phần tái định hình cách người trẻ tiếp cận, gìn giữ và lan tỏa văn hóa truyền thống, hình thành nên 2 phong cách sáng tạo trên nguồn cảm hứng: phá cách (đại diện cho tính sáng tạo) và hàn lâm (đại diện cho tính nguyên bản).
Từ góc nhìn hàn lâm, một số bạn trẻ ngày nay tìm kiếm, học hỏi từ quá khứ, nghiên cứu và trân trọng các tác phẩm truyền thống. Trái lại, sự đổi mới và linh hoạt cách tiếp cận nghệ thuật truyền thống bằng việc sử dụng công nghệ hiện đại và các phương tiện sáng tạo khác có thể giúp làm mới nghệ thuật truyền thống và kết nối với xu hướng đương đại.
Trong lần chia sẻ cùng nhau trong một chương trình Podcast, Nam Chi và Thái Linh - hai họa sĩ trẻ đại diện cho hai phong cách hàn lâm và phá cách đã có những bàn luận về góc nhìn của người trẻ trong gìn giữ văn hóa truyền thống.
Nếu như Nam Chi là một người trẻ theo đuổi tranh dân gian một cách hàn lâm và luôn tìm về sự nguyên bản, thì Thái Linh, một họa sĩ trẻ lựa chọn phá cách trên những cảm hứng truyền thống cho rằng "nghệ thuật mình theo đuổi là phải cố tìm ra cái mới". Mặc dù trái ngược, nhưng Nam Chi và Thái Linh đều khẳng định sự bổ trợ của hai phong cách này.
Như vậy với việc lựa chọn con đường khai thách giá trị từ văn hóa truyền thống có rất nhiều điều người trẻ cần lưu ý để không làm mất đi giá trị cốt lõi mà vẫn phải hài hòa, phù hợp với thị hiếu của nhiều người.
Tóm lại, để tạo ra một tương lai công nghiệp văn hóa của Việt Nam rất cần đến những người trẻ dám thử thách, sáng tạo và khởi nghiệp theo hướng khai thác giá trị văn hóa một cách hữu ích để làm giàu cho quê hương đất nước.
Điều đó đòi hỏi sự nghiêm túc và niềm đam mê ở trong mỗi người. Bên cạnh đó vẫn cần một lộ trình dài với các chính sách, giải pháp bài bản vừa mang tính tổng thể quốc gia, vừa mang tính độc đáo, sáng tạo để tạo ra các cú hích thúc đẩy người trẻ dám sáng tạo để làm bừng lên sức sống mới cho các di sản Việt Nam.