Sự chậm trễ sẽ làm giảm niềm tin của doanh nghiệp

T.Hằng ( thực hiện) 16/03/2022 07:01

Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, TS Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng, khi triển khai các gói hỗ trợ trong chương trình phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) cần phải loại bỏ tình trạng lại quả, ăn chia. Nếu không, các mục tiêu sẽ bị đảo ngược…

TS Tô Hoài Nam.

PV: DN nỗ lực để phục hồi. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh dù đang được mở cửa, nhưng chưa thể bình thường khi số ca mắc Covid-19 tăng cao, tình trạng thiếu lao động tiếp tục căng thẳng, ông đánh giá thế nào về thực tế này?

TS Tô Hoài Nam: Đúng vậy, trải qua 2 năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, DN gần như không còn gì, khó khăn rất nhiều. Và chắc chắn khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, khó khăn tiếp tục dồn lên vai DN. Giá xăng dầu đã tăng rất mạnh khiến giá cả hàng hoá tăng, DN càng lao đao.

Ngoài giá xăng, giá đạm, giá phân bón cũng đang tăng chóng mặt, có nhiều mặt hàng tăng 65%, trong khi đó Việt Nam là nền kinh tế nông nghiệp, chắc chắn làm cho chi phí trồng trọt, chăn nuôi tăng. Tất cả đều tác động vào giá, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá, của DN. Hồi đầu năm, khi nói về kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế, chúng ta chưa lường đến những điều này.

Thưa ông, Chương trình phục hồi kinh tế với quy mô gần 350.000 tỷ đồng được dự báo sẽ triển khai ngay từ tháng 4. Có hai phần DN đặc biệt quan tâm đó là, khối DN liên quan đến đầu tư công và DN đang khát vốn muốn vay vốn ngân hàng?

- Nguồn lực cho gói hỗ trợ, cũng như quy mô gói hỗ trợ, biện pháp thực hiện đã được nâng lên đặt xuống rất nhiều lần. Trong tổng thể Chương trình phục hồi kinh tế có hai cấu phần được quan tâm và sẽ gặp khá nhiều khó khăn khi đưa vào thực hiện đó là: hỗ trợ lãi suất về tín dụng, đầu tư công.

Về quy mô gói hỗ trợ đầu tư công, tính ra hơn 114.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân. Trọng trách lớn thuộc về các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý, nhà thầu, DN chịu trách nhiệm trong việc giải ngân vốn đầu tư công do khối lượng nguồn vốn cần giải ngân gia tăng và số lượng công trình cũng gia tăng.

Song theo tôi, muốn nhờ đầu tư công để kích thích thị trường thì bắt buộc phải chọn DN để tạo tính lan tỏa, đó là các DN hoạt động trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn, cơ sở hạ tầng cho du lịch. Đầu tư vào đây thì DN được thụ hưởng nhiều, tạo hiệu ứng sang ngành vệ tinh khác. Đặc biệt là phải ngăn chặn được tình trạng lại quả khi phân bổ vốn, nếu như lại quả 10% hay 15% cho mỗi công trình thì làm đảo ngược hết mục tiêu của chương trình phục hồi kinh tế. Do vậy, giải ngân vốn đầu tư công phải qua đấu thầu công khai minh bạch, tạo sự hứng khởi để DN tư nhân được tiếp cận gói này thuận lợi nhất.

Theo tôi, DN nhỏ và vừa cần được hỗ trợ vì họ bị thiệt nhất, khó khăn nhất. Các dịch vụ công từ 5 tỷ đồng trở xuống nên ưu tiên cho DN nhỏ, những DN nhỏ nào không đáp ứng được thì ưu tiên sử dụng sản phẩm của DN nhỏ.

Còn đối với gói chính sách hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra dự thảo các đối tượng nào được tiếp cận và trao quyền cho Ngân hàng thương mại thực hiện. Ngân hàng thương mại cân nhắc có nên hạ điểm chuẩn tín dụng hay không, vì nó không còn phù hợp trong bối cảnh DN chịu lỗ vì dịch 2 năm qua. Thay vào đó Ngân hàng thương mại nên chú trọng đến phương án kinh doanh của DN, nếu ngân hàng tự tin vào khả năng thẩm định dự án, tự tin vào khả năng kinh doanh thì họ hoàn toàn trả được lãi cho ngân hàng, các tiêu chí khác không quan trọng nữa.

Với Chương trình phục hồi kinh tế này, việc thực hiện sẽ phải tăng tốc như thế nào ngay từ đầu năm? Theo ông, làm sao tạo sự đột phá trong thực hiện?

- Tinh thần khẩn trương phải được triển khai từ tất cả các cấp, các ngành chứ không thể chỉ có cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tinh thần này phải được lan tỏa rộng đến từng người trực tiếp thực thi. Thứ nữa, tinh thần khẩn trương, quyết liệt phải thể hiện bằng hành động, không thể bằng lời nói.

Đơn cử, trong việc ban hành các chương trình hành động của mình, các bộ, ngành có thể thấy khung thời gian của Chính phủ có nhiều nhiệm vụ chưa xác định được khung, thì bộ, ngành phải tự xác định khung cho mình, thậm chí có thể đưa ra mục tiêu sớm hơn khung của Chính phủ đề ra.

Sự chậm trễ tạo ra rất nhiều lãng phí, không chỉ lãng phí về nguồn lực mà quan trọng hơn còn làm giảm niềm tin của DN. Nếu chúng ta không kịp thời các DN sẽ không có thời gian chờ đợi.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự chậm trễ sẽ làm giảm niềm tin của doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO