Việc giá xăng dầu liên tục tăng khiến các doanh nghiệp vận tải như “ngồi trên đống lửa” vì vẫn chưa thể phục hồi sản xuất như giai đoạn trước khi đại dịch, trong khi đó chi phí đầu vào lại tăng quá cao.
Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vừa gửi hãng tàu về điều chỉnh giá dịch vụ vận chuyển container đường bộ, đường thủy phục vụ qua lại giữa cảng Cát Lái - Hiệp Phước, cảng Đồng Nai và các ICD liên kết... với mức tăng 10 - 30% so với đơn giá được duy trì từ năm 2019. Mức giá điều chỉnh sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4.
Cụ thể, tuyến vận chuyển từ cảng Đồng Nai đến cảng Cát Lái sẽ tăng 10%. Một container 40H’ (loại container có kích thước giống container 40 feet) vận chuyển đường bộ 3,05 triệu đồng, còn đường thủy 1,38 triệu đồng.
Mức tăng cao nhất 30% đối với tuyến vận chuyển từ các IDC liên kết đến Tân Cảng Cát Lái với container 40H’ có giá 1,2 triệu đồng; 1,5 triệu đồng container 40’... Theo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, chi phí đầu vào nhiên liệu, giá cước vận chuyển, xếp dỡ tại các cảng và ICD đều tăng. Do đó, đơn vị này buộc phải tăng giá để duy trì đảm bảo dịch vụ.
Áp lực giá xăng dầu cũng làm cho chi phí vận tải đường biển đang neo ở mức cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn, chưa kể tình trạng kẹt cảng, đặc biệt là ở Mỹ, vẫn còn. Theo thông báo mới nhất của Hãng tàu ONE, từ tháng 3/2022 giá cước đi châu Âu (đang vào khoảng 7.300 USD cho mỗi container 20 feet) sẽ tăng thêm từ 800 - 1.000 USD.
Theo bà Lê Thị Đoan Trinh - Giám đốc nhân sự Công ty Giao hàng nhanh - cho biết với mức giá xăng dầu hiện tại, chi phí vận hành của doanh nghiệp này đã bị “đội” lên khoảng 2 tỷ đồng/tháng cho dàn xe nội bộ. Doanh nghiệp vẫn đang “gồng” khoản chi phí tăng này để duy trì mức giá cạnh tranh cho khách hàng. Trước đó, doanh nghiệp này đã tăng nhẹ khoảng 1,8% giá cước tất cả dịch vụ.
Đại diện Công ty TNHH công nghệ Logivan Việt Nam cho biết xe tải càng lớn thì mức tiêu hao nhiên liệu tính trên 100km càng nhiều. Thậm chí đối với các nhà vận tải khai thác tuyến dài, nhiên liệu chiếm tỷ trọng chi phí lên tới 38%, lớn hơn so với tuyến ngắn chỉ khoảng 26%. Trong hầu hết các hợp đồng, giá vận tải sẽ được điều chỉnh tăng hoặc giảm khoảng một vài phần trăm khi giá dầu diesel biến động hơn 10%. Như vậy, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng thêm, bài toán cân đối tài chính để giữ giá trở nên khó khăn hơn thì việc tăng cước là điều khó tránh.
Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp vận tải dự đoán giá xăng dầu từ nay đến cuối năm vẫn còn tăng. Do vậy, ngoài việc đàm phán điều chỉnh giá cước vận chuyển, doanh nghiệp cũng phải rà soát lại toàn bộ quy trình hoạt động vận tải của công ty để giảm chi phí giá thành vận tải không đột biến như giá xăng dầu.
Đại diện Bến xe Miền Đông cho biết, đơn vị đã nhận được kê khai điều chỉnh giá vé tăng 20% của 11 doanh nghiệp vận tải đang hoạt động tại bến. Trong khi đó khó khăn vẫn đang bủa vây doanh nghiệp vận tải hành khách khi lượng khách chưa đạt được 50% so với cùng kỳ các năm, trong khi giá nhiên liệu tăng liên tục khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó. Vắng khách, doanh thu thấp, chi phí nhiên liệu leo thang buộc doanh nghiệp tăng giá vé.
Nhiều doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh cho biết khả năng tăng giá vé lên 20% từ cuối tháng 3 này và như vậy người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu và việc phục hồi kinh tế sẽ gặp khó khăn hơn.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giá xăng dầu tăng cao như hiện nay sẽ ảnh hưởng nhất định đến giá cả của một số hàng hóa và mặt bằng giá cả trong nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, có 2 công cụ để giảm bớt sự tăng giá là quỹ bình ổn xăng, dầu và thuế. Nếu sử dụng 2 chính sách này hợp lý thì sẽ giảm được tỉ lệ tăng của giá xăng dầu.