Tinh hoa Việt

Sự học trong danh ngôn bản lề

TRẦN HỮU THĂNG 12/01/2025 10:56

Tại một số thư viện lớn, nhà sách lớn ở các nước phát triển, bao giờ người ta cũng trân trọng giới thiệu và cập nhật các loại Từ điển. “Từ điển các danh ngôn thế giới” bằng nhiều thứ tiếng lúc nào cũng được người đọc quan tâm và mượn đọc nhiều nhất.

tbl_news_1698978808.jpg
Ảnh minh hoạ.

Có những danh ngôn quá hay, quá đúng không còn gì phải bàn cãi, tranh luận nữa, người ta đưa các danh ngôn đặc biệt ấy vào các trang nổi bật của các “Từ điển ngôn ngữ thông thường”, phần lớn ở gần cuối của cuốn Từ điển, trên các trang giấy mầu hồng, mầu vàng hay mầu xanh lơ để bạn đọc dễ tìm và tìm thấy ngay khi cần nhanh chóng ứng dụng, trích dẫn cho bài viết của mình. Đó là những “Danh ngôn mang tính bản lề”.

Tính “bản lề” phong phú hơn là “gốc”, là “chủ yếu”, là “ý chính”, vì nó có thể lắp vào tất cả các loại “cánh cửa” dù to, dù nhỏ, dù bằng nguyên vật liệu nào. Bài viết này xin giới thiệu một danh ngôn cổ đại Đông phương đã được biết bao thế hệ người đọc yêu thích, ngưỡng mộ, áp dụng, thực hành và đã thành công. Câu danh ngôn cổ đại Đông phương mang tính bản lề ấy là một câu thơ triết học tuyệt tác sau đây mà tác giả là ai, vẫn chưa biết chắc chắn. Câu thơ đó như sau: “Xuân không đến cũng không đi/ Chỉ có tùy duyên mà ẩn hiện”. Câu thơ này có 3 từ phải xác định cho rõ nghĩa và rõ giới hạn, đó là “duyên”, “ẩn”, “hiện”.

Từ câu thơ này, người ta có thể hiểu rộng thêm là: “Duyên” chính là thời cơ, là định mệnh, là số phận, là duyên may mà con người tùy trình độ nhận thức mà hành động, mà suy nghĩ, mà làm theo. Còn từ “ẩn” và “hiện” thì tương đối dễ hiểu hơn nhưng lại rất khó xác định và không thể cân đong đo đếm được. Xuân ở đây có thể là: Mùa xuân của thiên nhiên. Mùa xuân của cuộc đời mỗi con người. Mùa xuân của đất nước. Về “tính bản lề” của câu thơ danh ngôn này thì rất rõ và dễ áp dụng. Sau đây là một vài dẫn chứng: “Tình bạn không đến cũng không đi/ Chỉ có tùy duyên mà ẩn hiện”, hoặc “Tình yêu không đến cũng không đi/ Chỉ có tùy duyên mà ẩn hiện”, hoặc “Người tri kỷ không đến cũng không đi/ Chỉ có tùy duyên mà ẩn hiện”. Cứ theo cái cách lắp vào bản lề gốc như 3 thí dụ trên, ta thấy rõ giá trị của câu danh ngôn rộng lớn và thú vị biết bao nhiêu.

Bài viết nhỏ này chỉ dám đặt một vấn đề cụ thể và gần gụi với tất cả những ai yêu thích triết học ứng dụng và triết học bình dân, đó là: “Việc học không đến cũng không đi/ Chỉ có tùy duyên mà ẩn hiện”.

“Học, học nữa, học mãi” - câu này của Lênin rất quan trọng, rất đúng và mãi mãi đúng. Việc học của con người bắt đầu từ đâu và kết thúc ở tuổi nào? Câu trả lời là: “Suốt đời”! Trên các thông tin đại chúng đưa tin: Cụ Xuân đỗ Cử nhân năm 70 tuổi. Cụ Thu đỗ Thạc sĩ năm 80 tuổi, làm tất cả chúng ta ngưỡng mộ và hết sức thán phục vì cái duyên của việc học của hai cụ Xuân và Thu không bao giờ “ẩn” mà chỉ có “hiện”. Ai sẽ theo kịp tấm gương chịu khó, kiên nhẫn và bền bỉ của các cụ?

Trong lịch sử các danh nhân thế giới cũng như xuất thân của những người thành công ở nước ta đã cho thấy có bao nhiêu người con nhà nghèo, bố mẹ họ chỉ là những người lao động bình thường, nhưng bản thân họ đã cố gắng, nỗ lực để có được “học, học nữa, học mãi” mà thành công trong nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật, kinh doanh, dịch vụ ...

Có người “ẩn” sự thành công trong nhiều năm. Khi sang tuổi trung niên mới bắt đầu khởi sắc. Có người “hiện” sự thành công từ rất sớm. nhưng cũng có người lại muộn nữa mới vững vàng được công việc. Rõ ràng là phải “tùy duyên” hoặc “số mệnh” gì đó do quan niệm của từng người.

Tiếp tục thảo luận về sự “Học”. Triết gia cận đại Marcel Prévost (1862 – 1941) có một định nghĩa tài tình về sự học như sau: “Mọi người có một thân thể bình thường đều có thể chạy được và chạy tốt. Mọi người có một trí tuệ bình thường cũng đều có thể học được và học giỏi miễn là dùng đúng cách về khối óc, đôi tai, đôi mắt”. Nhờ định nghĩa này của Prévost ta mới hiểu rõ thêm là: Đa số các học sinh con nhà nghèo hoặc gia đình lao động bình thường có điểm số học lực cao hơn, tham gia các cuộc thi học sinh giỏi cấp Huyện, cấp Thành phố nhiều hơn các học sinh con nhà giầu có, khá giả. Tạm thời cắt nghĩa như sau: Cái quyết tâm học tập để vươn lên, mong muốn thoát nghèo, thoát khổ của các em học sinh gặp khó khăn về kinh tế luôn mạnh mẽ hơn, kiên trì hơn, vì đó là con đường bắt buộc duy nhất của các em. Từ nguyên nhân hết sức cơ bản đó, các em đã thành công. Trong lịch sử phát triển khoa học kỹ thuật của nhân loại ở các thế kỷ trước, bao nhiêu phát minh, bao nhiêu sáng chế, tìm tòi ở các nước Nga, Đức, Anh, Pháp ... cũng do các nhà bác học xuất thân từ con nhà nông dân, chài lưới, chỉ vì có ý chí ham học, ham hiểu biết mà cố gắng phấn đấu đạt đến đỉnh cao của trí tuệ con người.

Tiếp tục bàn luận về cái “duyên”, cái “ẩn”, cái “hiện” của sự học, việc học, cần nhắc đến một danh ngôn quan trọng bậc nhất của nhà triết học Jules Michelet (1798 – 1874), đó là: “Cái điều mà đứa trẻ cần phải học trước hết, đó là Tổ quốc và bà mẹ của nó”. Từ ý kiến quan trọng này của Michelet, người ta đã phát hiện ra rằng: Chỉ có một tình yêu Tổ quốc và người mẹ tha thiết và dám hy sinh vì hai đối tượng cao cả và mang tính nguồn gốc đó, nhà khoa học mới thực sự có được mục đích nghiên cứu chân chính, hướng thiện và chắc chắn sẽ phục vụ tốt cho con người. Ai không theo con đường chân chính đó sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại trên con đường phát triển sự nghiệp của mình.

Đông phương cổ học Tinh hoa đã dạy con người: “Ba người cùng đi tất có kẻ làm thầy ta, chọn người giỏi mà bắt chước, nhìn thấy người dở mà biết sửa mình”. Đây quả thực là một phương pháp học tập rất đời thường, rất dễ hiểu nhưng rất khó thực hiện. Việc phát hiện ra trong số người ta gặp gỡ, ta giao tiếp có những điểm hay, điểm tốt để ta học tập, để ta noi theo cũng là một kỹ năng sống mà không phải ai cũng làm được. Biết điềm tĩnh quan sát, suy nghĩ thấu đáo để học được cái hay, cái tốt trong sách vở cũng như qua những người ta giao du, gặp gỡ là một nghệ thuật, là một kết quả của sự rèn luyện bản thân với khẩu hiệu “Phải biết hạ mình, phải biết khiêm tốn thì mới có khả năng phát hiện ra cái hay, cái vượt trội của người khác”. Nhiều người cả đời thất bại chỉ vì có một tật xấu là coi thường người khác. Việc khẳng định có người đáng làm thầy ta là một khẳng định dương tính, là kết quả của cả một quá trình tự tu dưỡng bản thân mới có khả năng phát hiện ra được.

Nhiều thế kỷ tồn tại của con người đã trôi qua trên trái đất. Rõ ràng từ thế kỷ thứ nhất đến nay là thế kỷ thứ XXI, con người đã tiến bộ và trưởng thành rất nhiều trong sự học, trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho hàng 8 tỷ con người hiện nay. Việc to lớn ấy vì sao mà có được? Nhà bác học Henri François D´aguesseau (1668 – 1751) đã khẳng định giúp chúng ta: “Với một thời gian ít ỏi, khoa học đã cho chúng ta kinh nghiệm của nhiều thế kỷ”. Đó chính là: Khoa học lưu trữ sách vở ở các thư viện lớn, khoa học trong kinh nghiệm giảng dạy ở các trường Đại học, ở các Viện nghiên cứu và trong rất nhiều lĩnh vực khác. Nhờ có khoa học mà kiến thức và sự học của con người cứ chảy mãi, chảy mãi như những con sông lớn nuôi dưỡng chúng ta cho đến suốt đời.

Đông phương cổ học còn có danh ngôn: “Ngọc mà không mài dũa thì cũng không thành đồ quý, người mà không học tập thì cũng không biết được đạo lý”. Câu này đã khẳng định rằng: Đạo lý cũng như kiến thức phải được dạy, phải được học, phải được tập luyện rèn giũa thì mới thành ra của mình, cho mình được. Trong cuộc sống hiện tại, việc tuyên truyền giáo dục công dân, giáo dục luật pháp xã hội phải luôn đi kèm với giáo dục đạo lý làm người. Trong các giáo trình “Xây dựng con người mới” có các nội dung như: Mình vì mọi người, lá lành đùm lá rách, tình làng, nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau ... Các nội dung này cần được nhắc đi nhắc lại trên các phương tiện thông tin đại chúng, nêu các tấm gương người tốt, việc tốt. Đây là một công việc rất quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc gia trên tinh thần “Học, học nữa, học mãi”.

Như vậy, ta có thể khẳng định được rằng: “Sự học không đến cũng không đi, chỉ có tùy duyên mà ẩn hiện”. Cái duyên ấy không kể tuổi tác, không kể cơ hội, mà tất cả do sự quyết tâm không chịu dốt, không chịu kém cỏi của mỗi con người mà tìm cách vươn lên, tìm cách diệt dốt mà cố gắng đạt tới ánh sáng tri thức phía trước, rạng ngời và chứa chan hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự học trong danh ngôn bản lề