Kiện các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) ra tòa là giải pháp rất được chờ đợi nhằm giải quyết tình trạng này. Tuy nhiên có một thực tế rằng, kể từ khi công đoàn cơ sở được kiện doanh nghiệp ra tòa theo Luật BHXH 2014, chưa có vụ kiện nào được tòa giải quyết. Nguyên nhân được lý giải là các quy định chồng chéo nhau và quy trình, thủ tục rườm rà khiến cho việc khởi kiện doanh nghiệp chưa có hiệu quả.
Quyền lợi người lao động vẫn chưa được đảm bảo khi số nợ BHXH vẫn tiếp tục gia tăng.
Nợ BHXH ngày càng khó đòi
Để đòi được nợ BHXH từ các doanh nghiệp (DN), cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố đã có khá nhiều biện pháp như: BHXH TP Hà Nội vừa đăng tải công khai danh sách 500 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT tính đến hết tháng 8/2017. Đây là các DN đã nợ BHXH, BHYT từ 6 – 24 tháng với tổng số nợ hơn 436 tỷ đồng.
Tương tự, để đòi được nợ BHXH, TP Đà Nẵng đã thực hiện mở chuyên mục thường xuyên (hằng tháng) trên trang thông tin điện tử BHXH TP Đà Nẵng đăng tải danh sách những DN nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài, cố tình không trả nợ.
Không chỉ Hà Nội, Đà Nẵng, BHXH nhiều địa phương cũng chọn giải pháp “bêu tên” các đơn vị, DN nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm hy vọng thúc đẩy họ chấp hành pháp luật.
Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, lãnh đạo BHXH rất cân nhắc khi quyết định công bố danh tính của các đơn vị, DN nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bởi điều này ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của họ. Nhưng “cực chẳng đã”, nhiều đơn vị, DN vẫn cố tình nợ dây dưa, kéo dài gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động. Vì vậy, BHXH mới phải chọn giải pháp “bêu tên” này.
Dù vậy, tính đến tháng 6/2017, tổng nợ đóng BHXH cho người lao động trên toàn quốc là gần 13.000 tỷ đồng, trong đó nợ BHXH gần 10.000 tỷ đồng. Riêng Hà Nội tính đến ngày 31/8, số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN trên toàn TP Hà Nội là 3.202,6 tỷ đồng (không bao gồm số tiền nợ của các đơn vị đã được xác định ngừng, dừng giao dịch, phá sản, giải thể) làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 812.837 người lao động (NLĐ). Trong đó, 34.597 DN nợ BHXH với số tiền 2.845,3 tỷ đồng, chiếm 88,8% tổng số tiền nợ, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của 656.742 NLĐ.
Trong số này có tới gần 2.000 DN đã ngừng giao dịch, sản xuất hoặc giải thể, DN không còn lao động thuộc đối tượng phải đóng BHXH với tổng số tiền nợ khoảng 122 tỷ đồng.
Không sửa luật khó đòi được nợ
Bêu tên vẫn không đòi được nợ nên từ tháng 1-2016 đến nay, BHXH Hà Nội đã hoàn thiện, bàn giao hồ sơ 350 đơn vị với số tiền nợ 313,1 tỷ đồng cho tổ chức công đoàn khởi kiện ra tòa án bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Tổ chức công đoàn chuyển hồ sơ sang tòa án khởi kiện 63 đơn vị với số tiền nợ 65,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, chưa có một vụ kiện nào được đưa ra xét xử.
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, việc khởi kiện các DN nợ đọng BHXH hiện nay còn gặp khó là do các DN cố tình trốn tránh. Một số DN khi biết tổ chức công đoàn thực hiện các thủ tục để khởi kiện đã không hợp tác để cung cấp hồ sơ, trong khi đó hồ sơ khởi kiện của tòa án bắt buộc phải có các loại giấy tờ này.
Thậm chí có DN khi công đoàn phối hợp với cơ quan BHXH tiến hành thanh tra, kiểm tra xác định số nợ, thời gian nợ để hoàn thiện hồ sơ khởi kiện thì ngay sau đó DN lại tiếp tục đóng thêm một ít tiền, như vậy các thủ tục lại phải tiến hành lại từ đầu. Đây là cách DN lách luật để không thể khởi kiện được DN.
Theo báo cáo của BHXH Hà Nội, nhiều DN nợ đọng BHXH với số tiền lớn đã bị cơ quan BHXH khởi kiện từ trước 1/1/2016, nhưng đến nay, số tiền nợ vẫn gia tăng, thậm chí tăng gấp 3 – 5 lần số tiền nợ tại thời điểm khởi kiện.
Như trường hợp Công ty CP Lilama Hà Nội (Mai Động, Hoàng Mai), tổng nợ BHXH, BHYT, BHTN đến hết tháng 8/2017 là 9,6 tỷ đồng thì số tiền nợ lãi chậm nộp đã lên đến gần 3,7 tỷ đồng. Hay như Công ty CP Sông Đà – Thăng Long (La Khê, Hà Đông) có tổng nợ bảo hiểm là 13,7 tỷ đồng, trong đó nợ lãi chậm nộp là 4,6 tỷ đồng.
Không chỉ Liên đoàn Lao động Hà Nội gặp khó khi khởi kiện mà là thực trạng chung của các Liên đoàn Lao động các tỉnh trong việc đưa các DN nợ BHXH ra tòa. Theo phản ánh của Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ cuối năm 2016, Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh đã nhận hồ sơ 8 đơn vị nợ đọng bảo hiểm kéo dài để khởi kiện.
Sau khi xem xét, Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh đã khởi kiện 2 trong số 8 đơn vị nói trên ra TAND TP. Hà Tĩnh, nhưng tòa không thụ lý đơn kiện. Lý do là Tòa yêu cầu phải làm theo đúng Điều 10 của Nghị định 43 năm 2013 và Bộ luật Tố tụng Dân sự. Tức là công đoàn cơ sở đó, hoặc là cá nhân NLĐ tại DN nợ bảo hiểm đứng ra khởi kiện khi đó tòa mới thụ lý.
Trên thực tế từ khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực vào đầu năm 2016, việc khởi kiện nợ bảo hiểm được chuyển từ cơ quan BHXH sang tổ chức công đoàn.
Tuy nhiên, thực tế công đoàn đang gặp khó trong khởi kiện bởi theo quy định, công đoàn cơ sở phải khởi kiện hoặc ủy quyền thì hồ sơ khởi kiện mới đảm bảo. Bởi thực tế chủ tịch công đoàn cơ sở cũng là người làm công ăn lương và có mối quan hệ về mặt tình cảm với chủ DN, nên rất khó để họ đứng ra viết đơn khởi kiện hay ủy quyền.
Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Tạ Văn Dưỡng cho rằng, quy định yêu cầu công đoàn cơ sở đứng lên khởi kiện hoặc NLĐ ủy quyền cho công đoàn cơ sở khởi kiện là không hợp lý. Bên cạnh đó, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy trình khởi kiện từ các cấp trên.
“Theo quy định, NLĐ có thể ủy quyền cho công đoàn cơ sở kiện DN nhưng phải có giấy ủy quyền và công chứng, như vậy với một DN có 3.000 NLĐ thì việc để thu thập đầy đủ các giấy tờ này là điều không thể. Do vậy, phải sửa đổi Luật thì mới có thể khởi kiện được”- ông Dưỡng nhấn mạnh.