Kinh tế

Sửa thế nào để người làm công ăn lương không thiệt thòi?

H.Hương 17/05/2024 09:57

Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) dự kiến sửa đổi vào năm 2025. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần sửa mức giảm trừ gia cảnh cũng như biểu thuế TNCN để người dân, hơn nữa là để người làm công ăn lương không bị thiệt thòi.

anhbaitren(6).jpg
Mức giảm trừ gia cảnh chưa thích ứng với mức biến động chỉ số giá tiêu dùng. Ảnh: Quang Vinh.

Sẽ sửa Luật Thuế TNCN vào năm 2025

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát, đánh giá các luật thuế, trong đó có Luật Thuế TNCN và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025 và dự kiến thông qua vào tháng 5/2026.

Năm 1990, Hội đồng Nhà nước thông qua Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, có hiệu lực từ ngày 1/4/1991; Năm 2007, Quốc hội ban hành Luật Thuế TNCN có hiệu lực từ năm 2009 cho đến nay (đã qua quá trình sửa đổi, bổ sung vào các năm 2012, 2014), đưa sắc thuế này trở nên hiện đại và toàn diện hơn.

Luật Thuế TNCN với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, thực hiện giảm thuế suất, xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa cá nhân trong và ngoài nước. Cũng theo quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành, khi thực hiện nghĩa vụ thuế TNCN đối với khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công, cá nhân được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định… Số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN. Theo đó, cá nhân phát sinh thu nhập chịu thuế thì mới phải nộp thuế theo quy định.

Trong đó về mức giảm trừ gia cảnh Luật Thuế TNCN (áp dụng từ 1/1/2009) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN số 26/2012 (áp dụng từ 1/7/2013) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 954 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020). Theo đó, nâng mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Việc thực hiện chính sách thuế TNCN có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại theo từng giai đoạn phát triển của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế TNCN đã tạo nên quỹ ngân sách nhà nước để đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, người lao động, chuyên gia, đại biểu Quốc hội… cũng nhiều lần đề xuất cần sửa ngay mức giảm trừ gia cảnh trong bối cảnh chi phí dịch vụ tăng cao. Hàng triệu người dân ở thành thị đang sống hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu/người, không thể trang trải chi phí thuê nhà, ăn ở, học hành, khám chữa bệnh, đi lại…

Xem xét cẩn trọng về mức giảm trừ gia cảnh

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, hiện nay mức giảm trừ gia cảnh không dựa vào mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người, cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng. Mức lương tối thiểu theo 4 vùng chênh nhau gần 1,5 lần nhưng mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau.

Theo ông Thịnh, cách tính giảm trừ gia cảnh hợp lý là phải tính giảm trừ kết hợp giữa 2 tiêu chí, khấu trừ cố định và khấu trừ một số nhu cầu chi tiêu tối thiểu có tính thiết yếu (có hóa đơn, chứng từ, căn cứ hợp lý). Hiện tại, người nộp thuế được giảm trừ 11 triệu đồng, người phụ thuộc 4,4 triệu đồng nhưng còn rất nhiều khoản tiền khác phải chi không được tính đến.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là quá thấp và không phù hợp với thực tế. Hơn chục năm qua, giá cả sinh hoạt, đặc biệt tại các thành phố lớn, người dân có thể dễ dàng cảm nhận được giá cả phải tăng gấp đôi. Trong khi đó, mức thu nhập nộp thuế chỉ tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng, tương đương 20%, mức tăng không tương xứng với chỉ số giá tiêu dùng.

Còn ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Thuế và Kế toán Trọng Tín, Ủy viên thường trực Ban Chấp hành Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, khoảng cách giữa các bậc thuế hiện nay khá dày và chưa phát huy được hết đạo lý của thuế TNCN. Do đó, cần giãn khoảng cách các bậc thuế để tạo sự đồng thuận của người nộp thuế, đặc biệt cần giãn khoảng cách ở bậc 1 và bậc 2 lớn hơn để khoan sức dân đối với những đối tượng có thu nhập trung bình sẽ được hưởng lợi. Đồng thời thu hẹp khoảng cách bậc thuế ở các bậc thuế cao nhằm động viên thu ngân sách nhà nước đối với những đối tượng có thu nhập cao, từ đó thực hiện được chính sách phân phối thu nhập.

Bên cạnh đó, theo ông Được, cần được xem xét cẩn trọng về mức giảm trừ gia cảnh, phương pháp xây dựng cũng như các chỉ tiêu xác định sự thay đổi mức giảm trừ gia cảnh… Đơn cử như chỉ số giá tiêu dùng thay đổi 5-10% thì chính phủ được phép điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sửa thế nào để người làm công ăn lương không thiệt thòi?