Sức bật trong bối cảnh suy thoái

An Hà 27/06/2022 14:00

Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 2,9% trong năm nay, sụt giảm mạnh so với mức tăng 5,7% đạt được vào năm 2021. WB cũng cho rằng nhiều quốc gia có thể rơi vào suy thoái, trong khi lạm phát sẽ tiếp tục cao. Trong bối cảnh ấy, kinh tế Việt Nam năm 2022 ra sao?

Trong bối cảnh khó khăn, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục khởi sắc.

Chủ tịch WB David Malpass nhận định, không chỉ tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 sụt giảm, mà nó còn kéo dài tới năm 2023, với dự báo mức tăng trưởng chỉ còn 2,2%.

Đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, trong đó có Việt Nam, WB đưa ra mức dự báo tăng trưởng 3,4% trong năm nay, so với mức tăng 6,6% trong năm ngoái và thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân hàng năm 4,8% trong thời kỳ 2011-2019.

Báo cáo của WB đã đưa ra điều mà định chế này gọi là “sự so sánh có hệ thống” giữa tình hình hiện nay với những gì xảy ra cách đây 50 năm. Theo đó, tình trạng kinh tế thế giới hiện nay và hồi thập niên 1970 có những điểm tương đồng, bao gồm nguồn cung bị đảo lộn, triển vọng tăng trưởng xấu đi, và sự mong manh của những nền kinh tế mới nổi trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt - điều cần thiết để kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ấy, nhiều định chế tài chính quốc tế vẫn dành cho kinh tế Việt Nam những nhận xét tích cực. Ý kiến chung cho rằng nền kinh tế Việt Nam từng “vượt bão Covid” thành công trong 2 năm 2020-2021, chứng tỏ sức chống chịu “đáng nể”. Bên cạnh đó, nay thế giới đã bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch, Việt Nam với nền kinh tế mở sẽ có nhiều cơ hội bứt phá.

Theo ông Bùi Nguyên Khoa - Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường (Công ty Chứng khoán BIDV), để nền kinh tế có “sức bền” thì trước mắt cần duy trì trạng thái hiện tại lâu nhất có thể để doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng trong nước hồi phục, đủ sức ứng phó nguy cơ trong tương lai. Tuy nhiên Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn hàng đầu thế giới nên cần quan sát kỹ động thái từ các nền kinh tế lớn. Trong trường hợp các thị trường đó suy thoái, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, thì cần sẵn sàng giải pháp đối phó.

“Năm 2021, khi các nước dần hồi phục, Việt Nam vẫn phải chống chọi với dịch bệnh. Đầu năm nay, khi Việt Nam bắt đầu triển khai các gói hỗ trợ quy mô lớn như gói 350.000 tỷ đồng, bao gồm hỗ trợ lãi suất, lại là lúc các nước bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Nếu có suy thoái, Việt Nam phải chấp nhận chu kỳ có độ trễ so với thế giới. Duy trì trạng thái hiện tại lâu nhất có thể để doanh nghiệp và cầu tiêu dùng trong nước hồi phục, đó là cách điều chỉnh để ứng phó”- ông Khoa nói.

Còn theo ông Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và Doanh nghiệp (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia), về xuất khẩu, hiện nay Mỹ là thị trường quan trọng của Việt Nam. Theo lý thuyết, nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm tương ứng với xuất khẩu giảm. “Tuy vậy, tôi cho rằng nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ vẫn lớn. Xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm một phần trong thị trường tiêu dùng lớn đó, do vậy trong trường hợp suy thoái cũng không quá đáng ngại” - ông Thắng nhận định.

Trước băn khoăn dòng vốn ngoại sẽ khó khăn khi lạm phát, suy thoái, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, đưa ra nhận định: Việt Nam nằm trong trong chuỗi cung ứng nhưng nghiêng nhiều hơn ở đầu cầu sản xuất. Dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ không chịu tác động quá nhiều nếu suy thoái xảy ra. Theo ông Minh, khả năng khối ngoại rút thêm vốn không nhiều, trong khi đó rất đáng mừng là Việt Nam có nguồn dự trữ ngoại hối khá dồi dào.

Với ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ thì nhìn vào đặc thù kinh tế Việt Nam hiện nay có thể thấy lạm phát là vấn đề cần lưu tâm nhưng chưa phải là vấn đề sống còn, vẫn trong mức độ chấp nhận được. Các yếu tố bên ngoài chưa đẩy Việt Nam đến bước cấp thiết cần xử lý ngay.

Ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ:

“Chúng tôi luôn có các kịch bản khuyến nghị chính sách trong tất cả các trường hợp xảy ra. Thực tế triển khai như thế nào phụ thuộc vào các diễn biến thực tế. Tôi cho rằng chúng ta nên bình tĩnh và tiếp tục quan sát các yếu tố của nền kinh tế. Chúng tôi đang phân tích các số liệu để tính toán. Phải xem đến tháng 7, tốc độ giải ngân đầu tư công thế nào, lượng tiền ra nền kinh tế ra sao để có đánh giá. Tiếp tục theo dõi kinh tế Mỹ và các nền kinh tế khác, không chủ quan nhưng cũng không nên quá lo lắng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức bật trong bối cảnh suy thoái