Trước sức ép của một siêu đô thị, TP HCM đang cần một cơ chế đặc thù để tránh nguy cơ tụt hậu xa với khu vực, đồng thời tận dụng cơ hội tiếp tục phát triển, hội nhập, dẫn dắt công cuộc đổi mới của đất nước…
Lưu lượng giao thông từ hướng Đồng Nai, Bình Dương qua cầu Bình Triệu
vào TP HCM ngày càng tăng. (Ảnh: Hồng Phúc).
Mới đây, tại hội thảo bàn về “Các vấn đề phát triển TP Hồ Chí Minh”, PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói rằng, nhìn toàn cảnh TP HCM trong 40 năm sau giải phóng và 30 năm đổi mới thì “mảng sáng” là thành phố luôn giữ được nhịp độ phát triển cao, dẫn đầu khu vực phía Nam và cả nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế thì TP HCM lại đang đối mặt với sức ép của một siêu đô thị và cần một cơ chế đặc thù để tạo động lực cho cả nền kinh tế, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách tụt hậu với ngay cả một số quốc gia trong khu vực.
Từ năm 2012, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 16-NQ/TƯ về định hướng TP HCM phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc, thực hiện tốt vai trò trung tâm của vùng và cả nước. Nghị quyết đã đề cập đến một cơ chế đặc thù để tạo cho TP.HCM có cơ hội bứt phá, thế nhưng cơ chế ấy cụ thể như thế nào thì chưa được thành hình dù đã hơn 5 năm trôi qua. Ngoài ra, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng nhìn nhận rằng, tư tưởng về một cơ chế thích hợp cho TP HCM của Nghị quyết vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, thậm chí còn xuất hiện những trói buộc, hạn chế mới, cản trở sự phát triển của thành phố.
Đó là những trói buộc gì? Các chuyên gia kinh tế cho rằng hầu hết các hạn chế nằm ở năng lực bộ máy chính quyền trong giải quyết những vấn đề nan giải mới, như ùn tắc giao thông, úng ngập, ngân sách thu hẹp, thủ tục kêu gọi đầu tư…
Hiện nay TP HCM đóng góp 22,8% GDP cả nước và trên 30% tổng thu ngân sách nhà nước. Thế nhưng, TS Vũ Tuấn Anh, thuộc Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, thành phố cần có cơ chế lựa chọn khâu đột phá, để có thể điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế theo hướng thay đổi mô hình tăng trưởng của các lĩnh vực ưu tiên và bảo đảm tính bền vững cho toàn bộ nền kinh tế. Bên cạnh đó, nhu cầu điều chỉnh quy hoạch phân bố không gian của thành phố để tạo mối liên kết với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vô cùng cần thiết để đủ sức vận hành, quản trị một siêu đô thị như TP HCM trong giai đoạn phát triển hiện nay.
Vấn đề quy hoạch vùng hiện nay là vấn đề lớn, không chỉ là vấn đề quan tâm của một đô thị đông dân nhất nước. Trong năm qua, nhiều tỉnh thành như Bình Dương, Long An, Bà rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai cũng đã có các bước đi nghiêm túc để tìm giải pháp liên kết vùng. Nhìn vào tuyến đường sắt đô thị hiện nay đang không chỉ vươn “cánh tay nối dài” tới Bình Dương, Đồng Nai mà khả năng còn kéo xuống tỉnh Long An để tạo khu vực này thành một vùng phát triển kinh tế - xã hội điển hình của khu vực phía Nam và cả nước.
Ngay cả những vấn đề nan giải của TP HCM như là ngập úng, kẹt xe, nhà ở cũng sẽ được giải quyết một cách hợp lý, khi mối liên kết vùng đi vào thực chất, với các tuyến Metro, BRT chuẩn bị được hình thành. Thế nhưng, lo lắng chung của các nhà nghiên cứu kinh tế hiện nay là cơ chế cũ đang tạo ra tâm lý ỷ lại “mạnh ai nấy làm” của một số địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngay cả việc duyệt quy hoạch kiểu cục bộ và không thế khớp nối với một không gian đô thị có tính dự báo cao.
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP HCM gợi ý Trung ương nên cho phép TP.HCM thử nghiệm cải cách thể chế và thiết lập một cơ chế hợp tác và liên kết vùng hiệu quả hơn. Bởi vì chỉ có thử nghiệm một thế chế sát hơn thực tiễn thì nền kinh tế thành phố mới có thể tận dụng được triệt để dư địa chính sách, đồng hành với doanh nghiệp,....
Một số ý kiến, như của PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (Đại học KHXH&NV TP HCM) cho rằng, các tác động thay đổi số lượng và chất lượng dân số cũng sẽ đóng góp như một giải pháp chiến lược hiệu quả để thành phố “bay lên”. Nhưng đồng thời với vấn đề chất lượng dân số thì cũng phải lường trước những vấn đề về biến đổi khí hậu, như nước biển dâng, hạn mặn xâm nhập sẽ khiến dân số từ các tỉnh Tây Nam bộ đổ về TP HCM, như trường hợp với thủ đô Hà Nội. Và, khi đó áp lực dân số một lần nữa sẽ khiến mục tiêu tăng trưởng của thành phố bị giảm sút và cũng khó tính toán các giải pháp dài hơi hơn.
Có ý kiến cũng gợi ý trong bối cảnh một cơ chế đặc thù chưa thành hình thì chính quyền thành phố cần phải tự cứu mình bằng cách liên kết vùng bởi việc phân bố dân số hiện không hợp lý là cản trở không nhỏ dẫn đến các hệ lụy như là kẹt xe, ngập úng (nâng nền, bê tông hóa), ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến đời sống của các khu vực dân cư.
Bài toán đặt ra là phải giãn dân như thế nào, bài học đã có thể nhìn thấy từ cách làm của Bình Dương, thế nhưng với TP HCM thì lại là một bối cảnh khác. Hiện nay, lãnh đạo TP HCM đã trực tiếp đến Bình Dương để học hỏi kinh nghiệm làm nhà ở xã hội giá rẻ cho công nhân, người lao động, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng sẵn sàng vào cuộc. Vấn đề chỉ còn là cơ chế xã hội hóa như thế nào để khu vực tư nhân hào hứng tham gia vào một trong những cải cách lớn của thành phố nếu được triển khai trong tương lai.