Sức hấp dẫn trong nhạc phẩm Trần Tiến

NGUYỄN HIẾU 27/02/2023 08:21

Đầu tháng 9/2020, nhạc sĩ Trần Tiến phát hiện mình bị bạo bệnh, nhưng kì lạ thay, ngay trên giường bệnh ông đã sáng tác nhạc phẩm “Không gục ngã” và gửi ra cho tôi đĩa nhạc do chính nhạc sĩ trình bày. Bây giờ đã qua 3 năm, nghe lại ca khúc này tôi mới hiểu: Bệnh tật dù ghê gớm thế nào cũng thất bại trước tình yêu và nghị lực sống của con người, nhất là với một nhạc sĩ yêu đời, yêu người như Trần Tiến.

Nhạc sĩ Trần Tiến.

Tạo phong cách riêng

Trong làng âm nhạc Việt Nam, Trần Tiến là một trong số ít nhạc sĩ hàng đầu có lượng tác phẩm lớn phổ cập và có hiệu ứng lan tỏa, tác động cũng như được yêu mến ở nhiều giai tầng và nhiều lứa tuổi khác nhau. Nói cách khác, nhạc Trần Tiến có thể đạt kỷ lục về sự phổ cập, thông dụng. Số lượng tác phẩm được yêu thích của Trần Tiến không chỉ đơn lẻ một vài mà lên đến hàng vài chục ca khúc.

Với nhạc phẩm “Không gục ngã”, ông viết: “Đứng dậy, đứng dậy thôi/ Bao nhiêu năm qua ta không gục ngã/ Đứng dậy hãy vượt qua/ Bao nhiêu năm ta không sống đớn hèn…/ Cái chết bên ta tựa lông hồng…/ Không hề lui.../ Vó ngựa còn phi/ Đứng dậy hãy vượt qua số phận/ Trái tim còn yêu”.

Vậy lý do nào tạo dựng cho nhạc phẩm Trần Tiến đạt được những kỷ lục đáng khâm phục đó? Một nhà thơ, một tiểu thuyết gia, một kịch tác gia viết nhiều và tác phẩm của họ tạo ra được phong cách riêng biệt, hấp dẫn được người đọc, người xem thì người ta cắt nghĩa bằng nội lực mạnh mẽ, phong phú, sự thiên bẩm của họ. Đối với Trần Tiến, với khối lượng ca khúc đồ sộ cùng với số tác phẩm lớn thu hút được người nghe đã khẳng định nội lực về âm nhạc của ông.

Ở ca khúc tài hoa trong thể loại mà hình như Trần Tiến đã cá biệt hóa để thành sở trường cho mình đó là ngẫu hứng. Bên cạnh khúc thức đa dạng được chắt lọc và nâng cao từ các làn điệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ thì phần ca từ của nhạc phẩm này cũng đầy sự thăng hoa của người có vốn ca dao đầy ắp trí nhớ trong một ngày nhớ quê da diết: “Tôi ôm con sáo nhỏ của tôi lang thang dọc bờ sông trắng xóa”... rồi “Một ngày mùa thu, Hồng Hà mùa thu đầy gió/ Con sáo sang song/ Con sít thương ai, lội sông, lội sông... tìm ai”.

Nhìn vào gia tài ca khúc của Trần Tiến thấy ông không bị bó hẹp vào đề tài nào. Từ những ca khúc mang đậm chất tuyên truyền, nổi bật chất công dân, thời sự như: “Bài ca thanh niên xung phong”, “Giai điệu Tổ quốc”, “Thành phố trẻ”, “Sài Gòn năm 2000”, “Vết chân tròn trên cát”... đến những ca khúc trữ tình, những tùy hứng kiểu như: “Ngẫu hứng ngựa ô”, “Ngẫu hứng sông Hồng”, “Mặt trời bé con”, “Tạm biệt chim én”, “Tóc gió thôi bay”... hay những ca khúc mang dáng dấp truyện ngắn kiểu chuyện Nôm khuyết danh như: “Chị tôi”, “Sao em vội lấy chồng”... Không chỉ đa dạng trong nội dung, đề tài thể hiện mà âm nhạc của Trần Tiến cũng không khuôn cứng vùng miền đề tài, hay khu biệt ở dòng nhạc nào. Để mang tải được sự đa dạng đề tài như vậy Trần Tiến tỏ ra khá thành thạo di sản âm nhạc của cha ông cũng như am hiểu kiến thức các trào lưu nhạc hiện đại để từ đó tiếp thu, biến tấu, kế thừa dân ca đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung, Nam Bộ, Tây Nguyên, dân ca Chăm...

Không ít bài mà nghe nhạc, đọc ca từ thấy rõ dấu ấn người nhạc sĩ quê Hà Nội nhưng đã sống và bám trụ ở nhiều địa phương. Ở đây tôi muốn nói đến ca khúc “Sao em vội lấy chồng”. Lấy cảm hứng chủ đạo hình tượng lá diêu bông nổi tiếng của thi sĩ Hoàng Cầm để miêu tả mẫu hình người con gái đồng bằng Bắc Bộ vất vả trong hôn nhân nhưng thật bất ngờ Trần Tiến lại cho con bướm vàng trong nhạc phẩm của ông đậu vào trái mù u – một thứ quả chỉ có ở miệt vườn Nam Bộ: “Bướm vàng đã đậu trái mù u rồi/ Lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn”... Đó là sự vô thức trong sáng tác nghệ thuật hay chủ ý của nhạc sĩ đi nhiều biết rộng, ngấm nhiều cách sống, cảnh vật ở nhiều vùng miền khác nhau? Người ta cũng bắt gặp trong nhạc của ông chất du ca, dòng nhạc ballad, pop, nhạc cổ điển...

Chính sự đa dạng về đề tài như vậy nên ca khúc của Trần Tiến đã bằng âm nhạc khắc họa một bức tranh rộng lớn và sinh động về tâm hồn người Việt Nam trước những chuyển biến của xã hội gần nửa thế kỷ qua.

Đó chính là một trong những thành công đáng ghi nhận của Trần Tiến với tư cách là người sáng tác nghệ thuật. Sự nhanh nhạy, bao quát trong đề tài cũng thêm một lần cắt nghĩa nguồn gốc một Trần Tiến - nhà báo (ông vốn là một biên tập viên năng động của Đài Phát thanh Hà Nội).

Sự phản xạ nhanh nhạy của một người có tố chất nhà báo cộng thêm với kĩ năng tuyệt hảo trong cấu trúc ca khúc cũng từng biến Trần Tiến là một nhạc sĩ thường được các ngành đặt hàng viết ngành ca. Với tài năng của mình không ít ngành ca Trần Tiến viết sau đơn đặt hàng thành những ca khúc để đời. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ ca khúc “Sắc màu” với khúc thức hấp dẫn và đầy chất khái quát của triết lý chính là nhạc phẩm thuộc loại ngành ca cho ngành xây dựng.

Về âm nhạc của Trần Tiến đã có nhiều bài viết và cả công trình nghiên cứu, từ góc độ văn chương như đầu đề bài viết này tôi muốn nói đến ca từ trong ca khúc của ông. Theo cảm nhận của cá nhân tôi, trong âm nhạc đương đại Việt Nam có 4 nhạc sĩ mà ca từ trong ca khúc của họ có chất văn học và để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi.

Đó là Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn, Thanh Tùng và Trần Tiến. Nếu ca từ của Đoàn Chuẩn là sự trau chuốt gọt giũa mang đầy phong cách lãng mạn trữ tình; ca từ của Trịnh Công Sơn xứng đáng là những tứ thơ tràn đầy sự ma mị đến điêu luyện của ngôn từ, sự thăng hoa trong cách đặt câu đầy sáng tạo mà bất kì nhà thơ nào cũng thèm muốn; ca từ của Thanh Tùng là những triết lý rút ra từ sự trải nghiệm của một người có nhiều thăng trầm trong cuộc sống thì ca từ trong nhạc Trần Tiến lại hoàn toàn được cá biệt hóa và tạo ra phong cách riêng của ông.

Sở trường ngẫu hứng

Vậy ca từ trong nhạc phẩm Trần Tiến mang đặc trưng gì?

Trước tiên đó là linh hoạt, đôi khi nó đạt đến sự tự nhiên như chính hơi thở và ngôn ngữ giao đãi được nghệ thuật hóa nâng lên mà vẫn mang hơi thở của cuộc sống. Bên cạnh đó là chất ngẫu hứng khi phát triển chủ đề. Hãy đọc lại ca từ ở một trong những ca khúc đầu tiên của Trần Tiến là “Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp” thì thấy khá rõ. Cũng vì sự linh hoạt ở một tâm hồn đa cảm, nhạy bén này nên không ít ca từ của nhạc Trần Tiến có thể sống độc lập như những câu thơ hay và đẹp. Không ít bài thơ tầm tầm khi được một nhạc sĩ phổ nhạc đã trở thành nổi tiếng ở vị trí của một ca từ và nó chỉ hay khi vang lên cùng giai điệu của bài hát.

Ca từ của không ít ca khúc của Trần Tiến rất hòa hợp với phần âm nhạc nhưng nó cũng có thể tồn tại độc lập kiểu như: “Trời mưa quá đi thôi/ Bài ca ướt mất rồi”(Mặt trời bé con). Hay ca từ của ca khúc “Ngẫu hứng sông Hồng” - một đỉnh cao trong âm nhạc của Trần Tiến.

Ở ca khúc tài hoa trong thể loại mà hình như Trần Tiến đã cá biệt hóa để thành sở trường cho mình đó là ngẫu hứng. Bên cạnh khúc thức đa dạng được chắt lọc và nâng cao từ các làn điệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ thì phần ca từ của nhạc phẩm này cũng đầy sự thăng hoa của người có vốn ca dao đầy ắp trí nhớ trong một ngày nhớ quê da diết: “Tôi ôm con sáo nhỏ của tôi lang thang dọc bờ sông trắng xóa”... rồi: “Một ngày mùa thu, Hồng Hà mùa thu đầy gió/ Con sáo sang song/ Con sít thương ai, lội sông, lội sông... tìm ai”. Không chỉ linh hoạt trong ngôn từ mà ở nhiều ca khúc Trần Tiến cực kì tài hoa khi sáng tạo và sử dụng hợp lý nhất những hư từ tưởng như vô nghĩa nhưng mang lại tác dụng lớn về cảm xúc cũng như mỹ cảm cho người nghe.

Tôi chỉ lấy vài ba ví dụ như câu khấn “Nam mô, nam mô A di đà” trong “Mưa bay tháp cổ”; “Ô đê! Ô đê!” trong “Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp”; “Ồ lêu, ồ lêu” trong “Chuyện tình thảo nguyên”...

Một đặc điểm nữa trong nhạc phẩm của Trần Tiến là nhiều ca khúc của ông được viết ra như cách viết tiểu thuyết thu gọn, hoặc một truyện ngắn hoàn chỉnh. Cách viết này tôi đã thấy xuất hiện trong thơ giai đoạn thập niên 30, 40, 50, 60... như “Màu tím hoa sim” (Hữu Loan), “Núi đôi” (Vũ Cao), “Quê hương” (Giang Nam)...

Có lẽ bài thơ cuối cùng viết theo cốt truyện này là “Hương thầm” (Phan Thị Thành Nhàn). Trong âm nhạc thì Trần Tiến gần như là nhạc sĩ duy nhất trong giới âm nhạc nước ta viết theo giọng kể này. Ở ca khúc “Sao em nỡ vội lấy chồng” là một truyện ngắn có nhiều trữ tình ngoại đề. Còn trong “Chị tôi” lại là một tiểu thuyết thu gọn.

Cùng viết đề tài như “Chị tôi” thì tác phẩm của Trọng Đài phổ thơ Đoàn Thị Tảo là một điển hình cho một ca khúc trữ tình chỉ đọc thấy tâm trạng, nỗi day dứt của tâm hồn, còn “Chị tôi” của Trần Tiến lại là ca khúc với bút pháp tự sự mô tả trọn vẹn cuộc sống bất hạnh của người con gái hiếu thảo, hy sinh hạnh phúc cá nhân mình, chịu sự bẽ bàng vì lo toan phận sự trong gia đình.

Cái hay và cũng là cái tài của Trần Tiến ở “Chị tôi” chính là bằng âm nhạc trong một ca khúc đã khắc họa và dựng lên được một thân phận có dung lượng mô tả bằng cả một tiểu thuyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức hấp dẫn trong nhạc phẩm Trần Tiến